(napa.vn) – Sáng ngày 29/7/2024, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế quản lý tài chính, tài sản, kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập – thực trạng và giải pháp”. TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế và PGS.TS. Đỗ Thị Kim Tiên, Phó Trưởng khoa đồng chủ trì Hội thảo.
Đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo, có: TS. Lê Thành Công, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế; TS. Đào Thị Bích Hạnh, Học viện Chính sách và Phát triển.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hiển, Giám đốc Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại tỉnh Quảng Nam; TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh (tham dự trực tuyến); đại diện một số đơn vị, khoa, ban cùng đông đảo giảng viên Khoa Quản lý kinh tế. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân hiệu của Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam.
TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế phát biểu đề dẫn Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Toàn Thắng nhấn mạnh, các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Việc đổi mới quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập được thể hiện ở các khía cạnh: (1) Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; (2) Quản lý, sử dụng tài sản công và (3) Chế độ kế toán.
Nhận thức được tầm quan trọng của các cải cách về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng và cải cách quản lý tài chính công nói chung, Học viện Hành chính Quốc gia đã không ngừng nỗ lực để nghiên cứu và giảng dạy các nội dung này trong các chương trình đào tạo thạc sỹ và bồi dưỡng cán bộ, công chức. Hội thảo: “Cơ chế quản lý tài chính, tài sản, kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập: thực trạng và giải pháp” được tổ chức là một bước đi thực hiện chủ trương trên của lãnh đạo Học viện. Các nội dung trình bày và thảo luận tại Hội thảo sẽ là những luận cứ quan trọng để đề xuất kiến nghị, giải pháp chính sách nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản, kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện bàn về công tác quản lý tài chính, tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp công lập; những thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công; phân cấp mua sắm hàng hóa, dịch vụ ở các cấp chính quyền địa phương Việt Nam; hoàn thiện cơ thế quản lý tài sản công để cho thuê kinh doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả; một số bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công đối với đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay; quản lý tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay: thực trạng và giải pháp. Hội thảo cũng đã nhận được những tham luận, góp ý và những câu hỏi về cơ chế tự chủ tài chính, mua sắm trong lĩnh vực y tế; cách tính giá dịch vụ tại các trường đại học công lập; quản lý tài sản công trong đơn vị sự nghiệp công lập…
TS. Lê Thành Công, Giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế tham luận tại Hội thảo.
Trong tham luận: “Cơ chế tự chủ tài chính, mua sắm đấu thầu trong lĩnh vực y tế”, TS. Lê Thành Công chia sẻ về vấn đề tự chủ và mua sắm. Theo ông, trong hơn 14 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đến Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tăng tính tự chủ về tài chính. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn những hạn chế, vướng mắc, như: cơ chế tự chủ chưa đầy đủ, phân bổ nguồn ngân sách chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến tuyến y tế huyện chịu tác động lớn nhất; giá dịch vụ y tế không được tính đúng, tính đủ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh; vướng mắc về các quy định của pháp luật dẫn đến thiếu trang thiết bị, thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… TS. Lê Thành Công cho rằng, tự chủ về cơ chế quản lý nhằm giải phóng nguồn lực nhưng không áp dụng tự chủ cho tất cả các loại hình, các tuyến vì tự chủ phải thích ứng với năng lực, nguồn lực thực tế tại các địa phương.
TS. Đào Thị Bích Hạnh, Giảng viên Khoa Tài chính – Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển tham luận trực tuyến.
TS. Đào Thị Bích Hạnh với tham luận: “Tính giá dịch vụ các trường đại học công lập – Thực trạng và giải pháp” đã đưa ra những khó khăn khi thực hiện tính giá dịch vụ giáo dục đại học, như: chưa có sự nhất quán và rõ ràng trong quy định việc tính khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ; hệ thống tiêu chuẩn định mức kinh tế – kỹ thuật và định mức chi phí chưa đầy đủ và phù hợp để làm căn cứ tính giá dịch vụ; các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tính đủ chi phí, chưa phân biệt rõ ràng giữa chi tiêu và chi phí; chưa vận dụng các phương pháp tính giá thành như đơn vị cung cấp dịch vụ để bảo đảm tính hữu ích cho người ra quyết định; các trường chưa căn cứ vào chi phí phát sinh thực tế để tính giá dịch vụ.
Trong bối cảnh đổi mới hoạt động của các trường đại học theo xu hướng tự chủ, lựa chọn tính giá dịch vụ giáo dục đại học là phương pháp quản lý thiết yếu nhằm giúp cho các cơ sở giáo dục đại học công lập có thể tự chủ được về tài chính, quản trị được chi phí, tính toán được giá thành dịch vụ, quyết định mức thu bảo đảm cho những hoạt động của nhà trường. Vì vậy, giá dịch vụ giáo dục đại học công lập cần tập trung vào một số nội dung: (1) Ban hành hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật chi tiết để làm căn cứ tính giá dịch vụ cho các trường đại học công lập; (2) Các trường đại học cần có hệ thống kế toán tập hợp đầy đủ các số liệu chi phí thực tế để làm căn cứ tính đủ chi phí trong giá dịch vụ; (3) Các trường đại học cần lựa chọn cách tính giá dịch vụ đào tạo phù hợp để tính giá dịch vụ cho các chuyên ngành và chương trình đào tạo khác nhau; (4) Cần nâng cao trình độ kế toán của các trường đại học công lập.
TS. Nguyễn Thu Thủy, Phó Trưởng ban, Ban Kế hoạch – Tài chính, Học viện tham luận tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Thu Thủy, Phó Trưởng ban, Ban Kế hoạch – Tài chính cho biết, công tác quản lý, sử dụng tài sản công đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục. Bà Thủy cũng đề xuất: cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật này nhằm nâng cao nhận thức tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hội đồng trường hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được quyền quyết định khai thác tài sản công tại đơn vị để phục vụ các hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của đơn vị…
Quang cảnh Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Lê Toàn Thắng cảm ơn các đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế đã thảo luận, chia sẻ, có những góc nhìn đa chiều về cơ chế quản lý tài chính, tài sản, kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Các bài tham luận cùng các ý kiến được tổng hợp từ Hội thảo rất hữu ích trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản, kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới. Đây cũng là những tài liệu quý góp phần vào công tác giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng của Khoa và Học viện.
PV