Học viện Hành chính Quốc gia tiếp và làm việc với đoàn cán bộ Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA)

(napa.vn) – Chiều ngày 30/10/2024, Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đã có buổi tiếp và làm việc với Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA).

z5982965716392_f97dab2cae9c29b4adf1e7c341f064d1

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

Dự buổi làm việc, về phía RANEPA có bà Shafinskaya Natalya Valerievna, Trưởng Ban Phát triển quốc tế.

Tiếp và làm việc với đoàn, có TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia; lãnh đạo một số đơn vị, khoa, ban liên quan đến nội dung chương trình làm việc với RANEPA.

z5982964868604_715cc137c182284927e15df550caa732

Bà Shafinskaya Natalya Valerievna, Trưởng Ban Phát triển quốc tế RANEPA phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nemirovchenko Polina Gennadievna cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của Ban Giám đốc Học viện và mong muốn đây sẽ là buổi làm việc hiệu quả để triển khai các hoạt động quan trọng sắp tới của hai bên.

z5982965270388_3a65c093ac26479384db2d72d1f1dd42

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại buổi làm việc.

TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị đoàn kết và hợp tác truyền thống tốt đẹp và tin cậy lẫn nhau. Nhiều thế hệ lãnh đạo của Việt Nam nói chung, và Học viện nói riêng đã học tập tại Nga, có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Nga và còn lưu giữ ký ức và hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Nga. RANEPA là cơ sở đào tạo rất lớn, đa ngành, có vị thế và uy tín rất cao ở Liên bang Nga với đội ngũ giảng viên hùng hậu, cam kết cao trong hợp tác quốc tế. RANEPA là cơ sở đào tạo chủ trì thực hiện Chương trình bồi dưỡng lãnh đạo nguồn của Tổng thống Liên bang Nga, RANEPA có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo nguồn cấp chiến lược để chia sẻ với Việt Nam. Đẩy mạnh hợp tác với RANEPA sẽ giúp Học viện tiếp cận các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao với chi phí tương đối rẻ so với các quốc gia phát triển khác. Năm 2019, khóa bồi dưỡng kết hợp trong và ngoài nước do Bộ Nội vụ giao Học viện tổ chức về “Kỹ năng hoạch định và thực thi chính sách” cho 17 cán bộ, công chức, lãnh đạo các Sở Nội vụ và chính quyền địa phương sang nghiên cứu học tập tại RANEPA đã thu được kết quả tốt đẹp, được học viên đánh giá cao. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để hai bên tiếp tục quan hệ hợp tác.

Tại buổi làm việc hai bên đã có những trao đổi về hình thức hợp tác như tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Học viện và RANEPA trên cơ sở thực hiện các nội dung đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác, tập trung vào các nội dung sau:

(1)  Nghiên cứu, áp dụng mô hình bồi dưỡng lãnh đạo nguồn của Tổng thống để xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng lãnh đạo tiềm năng cấp chiến lược, bồi dưỡng lãnh đạo trẻ theo hướng tinh hoa tại Học viện.

(2) Tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, quản trị quốc gia, quản trị số, cải cách hành chính và phát triển kinh tế xã hội, kinh nghiệm quản lý lãnh đạo, kinh nghiệm hoạch định và thực thi chính sách;

(3) Hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng dưới hình thức mời chuyên gia Liên bang Nga tới giảng dạy tại Việt Nam và tổ chức các khóa bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý Việt Nam tại Liên bang Nga (theo hình thức sử dụng ngân sách nhà nước, xã hội hóa một phần hoặc xã hội hóa toàn phần).

(4) Học viện phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát cho các địa phương tại Liên bang Nga về các vấn đề mà các địa phương quan tâm (cải cách hành chính, đào tạo và bồi dưỡng công chức lãnh đạo quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số,…)

(5) Tổ chức trao đổi giảng viên giữa hai Học viện. Giảng viên Học viện sang giảng dạy tại RANEPA và giảng viên RANEPA sang giảng dạy tại Học viện.

Về cơ chế hợp tác: Dựa trên thế mạnh và nhu cầu của từng bên; hai bên cùng có lợi; phân tách rõ trách nhiệm và quyền lợi của từng bên.

Trước mắt, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc lần này của RANEPA, hai bên tập trung trao đổi, đàm phán về thực hiện hợp tác trong việc hợp tác tổ chức một vài chương trình bồi dưỡng tại RANEPA cho công chức, viên chức Việt Nam theo mô hình CIG (như đã đề xuất trong tờ trình Giám đốc và đã được Giám đốc đồng ý). Các vấn đề trọng tâm để trao đổi gồm: Mô hình hợp tác (chia sẻ chi phí, chia sẻ trách nhiệm);  phân công trách nhiệm, quyền lợi giữa hai bên (đặc biệt đề nghị RANEPA cho biết những gì là thu phí, những gì miễn phí, có thể huy động kinh phí bổ sung từ những nguồn nào nữa không); cách thức RANEPA có thể hỗ trợ Học viện khi học viên phải học một thời gian tại Việt Nam trước khi sang Nga.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm:

z5982966546834_b51ec81668cb28219df6a269ddaef159 z5982966073264_08516871f1cbf25f55641f625b6c0f31

NAPA MEDIA, Phạm Hải Long.

Comments are closed.