Hội thảo khoa học: “Quản trị dữ liệu xuất bản Tạp chí Quản lý nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số”

(napa.vn) – Sáng ngày 11/11/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Quản lý nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quản trị dữ liệu xuất bản Tạp chí Quản lý nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số”. TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước chủ trì Hội thảo.

1

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu, khách mời có: ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS.TS. Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; TS. Chu Thị Mai Phương, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương).

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện, nguyên Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước; các thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước; lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; phóng viên, biên tập viên Tạp chí Quản lý nhà nước và một số cộng tác viên. Hội thảo trực tuyến đến các Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Đắk Lắk.

2

TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước nhấn mạnh, Hội thảo nhằm góp phần để Tạp chí Quản lý nhà nước không ngừng nâng cao chất lượng khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế. Vấn đề chuyển đổi số, hiện đại hóa tạp chí điện tử, chuẩn hóa ấn phẩm tiếng Anh, xây dựng dữ liệu số xuất bản… đã được Tạp chí triển khai rất tích cực trong những năm vừa qua. Với mục tiêu hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Lãnh đạo Học viện giao, Tạp chí Quản lý nhà nước cần phải quản trị dữ liệu xuất bản như thế nào để bảo đảm tối đa chất lượng, hiệu quả xuất bản trong kỷ nguyên số.

Hiện nay, Tạp chí QLNN có 3 ấn phẩm xuất bản, đều đã có điểm khoa học 0,75; các bài báo đã được gắn mã định danh DOI. Tạp chí QLNN đang phấn đấu được công nhận điểm khoa học 1.0 ở một số Hội đồng Giáo sư nhà nước; tham gia ACI, tiến đến ISI và Scopus.

Tạp chí in, sau hơn 31 năm xuất bản, đến tháng 10/2024 đã có 345 kỳ phát hành, với lượng bài hơn 6.000 bài, khoảng 30.000 trang in; Tạp chí điện tử có khoảng 600 bài/năm. Với lượng bài hằng năm, kho dữ liệu của Tạp chí sẽ ngày một tăng nhanh chóng. Nhiệm vụ quản trị dữ liệu tư liệu in; quản trị dữ liệu xuất bản, khai thác, tra cứu các ấn phẩm tiếng Anh, điện tử… đã đặt ra bài toán khó, cần sớm có lời giải mới đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Với mục tiêu không ngừng hoàn thiện và phát triển, tiệm cận Danh mục tạp chí khoa học quốc tế, Tạp chí Quản lý nhà nước mong muốn Hội thảo sẽ là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và bạn đọc cùng chia sẻ, trao đổi, góp ý những vấn đề về nội dung, hình thức của Tạp chí. TS. Nguyễn Quang Vinh cũng mong các đại biểu, các nhà khoa học tham dự sẽ đưa ra nhiều ý kiến đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở tập trung vào nội dung Hội thảo.

3

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường cho biết, quản trị dữ liệu xuất bản tạp chí khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số là một vấn đề quan trọng trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Chuyển đổi số trong ngành xuất bản khoa học không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là một điều kiện cần thiết để tăng cường sự cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Tạp chí Quản lý nhà nước đã lựa chọn chủ đề Hội thảo hết sức cấp thiết đối với lĩnh vực hoạt động của các tạp chí nói chung và Tạp chí Quản lý nhà nước nói riêng. Chủ đề này không thuần túy về hoạt động nghiệp vụ mà đặt ra vấn đề Tạp chí sẽ tồn tại và phát triển như thế nào trong môi trường quản trị dữ liệu. Phó Giám đốc nhấn mạnh, quản trị dữ liệu không phải là mục tiêu để tạp chí khoa học học hướng đến mà chỉ là phương tiện, phương thức để vận hành. Có thể có dữ liệu, có công nghệ nhưng điều cốt lõi, sống còn đối với sự phát triển của Tạp chí là đội ngũ biên tập viên, những người làm công tác tạp chí. Như vậy, tạp chí khoa học nói chung và Tạp chí Quản lý nhà nước nói riêng muốn thực hiện chuyển đổi số thành công, một trong những yêu cầu tiên quyết cần phải có kế hoạch, chiến lược cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu từ nguồn lực con người đến cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin và thời gian.

4

TS. Phạm Quang Quyền, Chủ nhiệm Thư viện, Trung tâm Công nghệ – Thư viện báo cáo tham luận tại Hội thảo.

TS. Phạm Quang Quyền với tham luận “Đề xuất giải pháp hệ thống tích hợp quản trị tư liệu số tập trung trong hoạt động tạp chí” đã phân tích: Chuyển đổi số đang là giải pháp đắc lực, hỗ trợ mang lại hiệu quả rõ rệt trong toàn bộ hoạt động của con người với các mức độ, quy mô khác nhau, trong đó có hoạt động của các tạp chí khoa học, xây dựng hệ thống tích hợp quản trị tài nguyên thông tin tư liệu số tập trung, bảo đảm các yêu cầu nền tảng ngay từ đầu sẽ là giải pháp giúp quá trình vận hành và phát triển tạp chíổn định bền vững, bảo đảm đầy đủ và toàn vẹn dữ liệu số cũng như tuân thủ các tiêu chuẩn dữ liệu, đáp ứng tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ trong tương lai. Tham luận nhận định và phân tích những loại tài nguyên thông tin số được sản sinh trong quá trình vận hành hành chính, kết quả nghiên cứu là sản phẩm đầu ra của tạp chí, từ đó đi sâu hơn vào phân tích các yêu cầu của hệ thống để đề xuất về mô hình, giải pháp xây dựng vận hành hệ thống quản trị thông tin tư liệu số tích hợp trong hoạt động tạp chí.

5

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã đưa ra một số tiêu chí cho sự phát triển của tạp chí khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, như: chính sách chuyển đổi số/dữ liệu số; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn dữ liệu; quản lý lưu trữ dữ liệu số; quản lý chất lượng dữ liệu số; quản lý rủi ro thông tin…

6

PGS.TS. Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị phát biểu tại Hội thảo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, quản trị dữ liệu xuất bản nhằm giúp độc giả tiếp cận dễ dàng thông tin mọi lúc, mọi nơi. Quản trị dữ liệu là một nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm cho các tạp chí khoa học hoạt động một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của nghiên cứu khoa học được xuất bản. Tuy nhiên, quản trị dữ liệu của các tạp chí khoa học ở Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau và mặc dù đang gặp phải những thách thức về hạ tầng công nghệ, bảo mật dữ liệu và sự đồng bộ trong áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, để nâng cao chất lượng quản trị dữ liệu của tạp chí khoa học cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, bao gồm đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn hóa quy trình và tăng cường hợp tác quốc tế.

7

TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện, nguyên Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện, nguyên Chủ tịch Hội đồng biên tập, nhận định: Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, Hội thảo với nội dung “Quản trị dữ liệu xuất bản Tạp chí Quản lý nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số” là quan trọng và cần thiết. Quản trị dữ liệu xuất bản là hệ thống thông tin về việc xuất bản các bài báo, các sản phẩm khoa học, thông tin khoa học… Nhiệm vụ của quản trị dữ liệu là quản lý, khai thác, sử dụng, bảo tồn, bảo vệ hệ thống thông tin xuất bản. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý tạp chí khoa học, là căn cứ thực tiễn để xem xét, nghiên cứu hướng đi, các bước phát triển của tạp chí. TS. Đặng Xuân Hoan cũng đưa ra một số yêu cầu đối với tạp chí khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay: tập hợp các bài báo, các sản phẩm khoa học liên quan đến nội dung, tôn chỉ, mục đích của Tạp chí; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tham gia viết bài, phản biện, đóng góp nội dung, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn cho độc giả tạp chí; đối tượng hướng tới của tạp chí; thông tin về thời gian xuất bản, nội dung liên quan đến các giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… qua các thời kỳ.

8

TS. Chu Thị Mai Phương, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế phát biểu tại Hội thảo.

9

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu tại Hội thảo.

TS. Chu Thị Mai Phương, Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế phát biểu tại Hội thảo đã chia sẻ về một số tiêu chí, yêu cầu, kinh nghiệm để một tạp chí gia nhập và có tên trong những tạp chí khoa học quốc tế. Trong đó, việc chọn đề cử các thành viên của Hội đồng biên tập là rất quan trọng, như phải là những nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước, người làm khoa học, biên tập thực tài để giúp tòa soạn giải quyết công việc hằng ngày. Đồng thời, tạp chí cũng cần đầu tư nhân lực, trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ cho công việc chuyên môn, như: phần mềm kiểm soát “đạo văn”, thiết bị chuyển đổi số, gửi và tiếp nhận ý kiến phản biện của các chuyên gia đối với bài báo khoa học…

10

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, quản trị dữ liệu trong hoạt động xuất bản tạp chí khoa học là quá trình quản lý, kiểm soát và bảo vệ dữ liệu liên quan đến việc xuất bản các bài báo khoa học, nhằm bảo đảm các dữ liệu về bài viết, tác giả, quy trình bình duyệt được quản lý một cách an toàn, minh bạch và hiệu quả. Vì vậy, nâng cao chất lượng quản trị dữ liệu của Tạp chí Quản lý nhà nước là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, chính xác và uy tín của các bài báo được công bố. Để nâng cao chất lượng quản trị dữ liệu của tạp chí, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, bao gồm đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn hóa quy trình và tăng cường hợp tác quốc tế. Tọa đàm còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của các đại biểu tham dự, tập trung vào các nội dung, như: Mối quan hệ và tác động giữa chuyển đổi số và quản trị dữ liệu xuất bản tạp chí ở Việt Nam và quốc tế; vấn đề an ninh và bảo mật dữ liệu xuất bản tạp chí khoa; giải pháp quản trị và phát triển dữ liệu cho Tạp chí Quản lý nhà nước…

Tổng kết và bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Quang Vinh trân trọng cảm ơn các đại biểu, nhà khoa học đã gửi gần 30 bài tham luận có giá trị cả về lý luận cũng như thực tiễn để Ban Biên tập chọn lựa, biên tập và in Kỷ yếu. Đặc biệt, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận, trao đổi tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động. Những tham luận, trao đổi, chia sẻ sẽ giúp Tạp chí Quản lý nhà nước không ngừng hoàn thiện và phát triển, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới của Học viện Hành chính Quốc gia và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay.

11

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Comments are closed.