Hội thảo bàn tròn về chủ đề “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hoà Kazakhstan”

Bài viết về Hội thảo được đăng trên website của Bộ ngoại giao Cộng hòa KAZAKHSTAN 

http://mfa.kz/index.php/ru/so-y-zha-aly-tar/129-novosti/4208-v-khanoe-proshel-kruglyj-stol-v-chest-20-letiya-konstitutsii-kazakhstana-i-assamblei-naroda-kazakhstana

Sáng ngày 24/6/2015, Học viện Hành chính Quốc gia đã phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Kazakhstan tổ chức hội thảo bàn tròn về “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hoà Kazakhstan”. PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh – Phó Giám đốc Học viện chủ trì hội thảo. PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Phó Giám đốc Học viện và nhiều nhà khoa học, cán bộ, giảng viên cùng tham dự. Về phía Đại sứ quán nước Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, có: Ngài Beketzhan Zhumakhanov – Đại sứ; Ngài Aibek Smadiyarov – Thư ký thứ hai Đại sứ quán và các tham tán công sứ: Bà Saulekul Sailaukyzy và Ông Medet Makulzhanov.

Về phía khách mời, có: PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân – Nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh nhấn mạnh: dân tộc và tôn giáo là một trong những vấn đề cơ bản cấu thành đời sống xã hội và tồn tại cùng với lịch sử của mỗi một quốc gia. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đời sống tâm linh tôn giáo của đồng bào các dân tộc rất phong phú, đa dạng song có sự thống nhất về lịch sử và văn hoá. Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, việc tham khảo những kinh nghiệm của các quốc gia khác trong giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có Kazakhstan.

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh bày tỏ mong muốn và đề nghị các vị đại biểu sẽ trao đổi và chia sẻ những thông tin cơ bản, hữu ích liên quan đến tính chất, vị trí, vai trò của vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp của hai nước, cũng như thực tiễn xử lý vấn đề dân tộc và tôn giáo ở mỗi quốc gia. Qua đó, rút ra những giá trị tham khảo cho mỗi bên để vừa làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy giữa Việt Nam và Kazakhstan cũng như giúp cho mỗi bên giải quyết tốt nhất vấn đề dân tộc và tôn giáo của mỗi quốc gia.

Tiếp đó, Ngài Đại sứ Beketzhan Zhumakhanov đã giới thiệu khái quát về sự phát triển của nước Cộng hòa Kazakhstan và về vấn đề dân tộc, tôn giáo trong Hiến pháp của nước này cũng như về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Kazakhstan và Việt Nam.

Tại hội thảo, các học giả Việt Nam cũng đã trình bày các tham luận về vấn đề dân tộc và tôn giáo như: “Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam” của PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân và “Vấn đề dân tộc ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Lâm Thành.

Thông qua các tham luận này, các đại biểu tham dự cũng có điều kiện được hiểu rõ về bức tranh toàn cảnh và tương đối cụ thể về chính sách dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam. Qua đó, có thể thấy, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam luôn coi trọng chính sách bình đẳng, đoàn kết và tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc thông qua những chính sách phát triển kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người nhằm tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số có cơ hội hòa nhập và được hưởng thụ những thành quả chung về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa của từng cộng đồng.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự cũng được nghe các tham luận từ phía các học giả của Kazakhstan, trong đó có tham luận “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hòa Kazakhstan” của Bà Saulekul Sailaukyzy và tham luận “Vai trò và kinh nghiệm của Hội đồng nhân dân Kazakhstan” của Ông Medet Makulzhanov. Qua các tham luận này, các đại biểu tham dự hiểu rõ hơn về đất nước, con người, thể chế chính trị của đất nước Kazakhstan nói chung và về vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng như các chính sách cụ thể của Nhà nước Kazakhstan nói riêng trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan tới dân tộc và tôn giáo ở quốc gia này.

Tại buổi trao đổi, các đại biểu tham dự đã chủ động đưa ra nhiều câu hỏi về chủ đề của hội thảo và được các diễn giả quan tâm giải đáp thỏa đáng.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh đánh giá cao sự quan tâm tham gia và trao đổi với tinh thần nghiêm túc và tích cực về các vấn đề liên quan tới dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam và Kazakhstan. Đặc biệt, Phó Giám đốc Học viện và Ngài Đại sứ đều nhất trí cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan đang ngày càng phát triển, việc tìm hiểu, nghiên cứu lẫn nhau nhằm làm gia tăng sự hiểu biết, chia sẻ giữa Việt Nam và Kazakhstan là hết sức cần thiết. Trong đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu về chính sách dân tộc, tôn giáo của mỗi bên thông qua buổi trao đổi bàn tròn với chủ đề “Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hòa Kazakhstan” là một trong những hoạt động biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan./.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

1

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh phát biểu đề dẫn hội thảo

2

Ngài Đại sứ Beketzhan Zhumakhanov phát biểu chào mừng tại hội thảo

3

PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân trình bày tham luận “Vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”

4

TS. Nguyễn Lâm Thành trình bày tham luận “Vấn đề dân tộc ở Việt Nam”

5

Bà Saulekul Sailaukyzy trình bày tham luận

“Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong Hiến pháp nước Cộng hòa Kazakhstan”

6

Ông Medet Makulzhanov trình bày tham luận

“Vai trò và kinh nghiệm của Hội đồng nhân dân Kazakhstan”

7

TS. Huỳnh Văn Thới đặt câu hỏi với các diễn giả Kazakhstan

8

Toàn cảnh Hội thảo

9 - Copy

Các đại biểu dự hội thảo

Comments are closed.