Ban chấp hành Công đoàn và Ban Nữ công Học viện tổ chức tham quan Khu di tích Đền Hùng (Lâm Thao, Phú Thọ) và Khu di tích lịch sử Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội)

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015 và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ngày 30/5/2015, Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Nữ công Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Lâm Thao, Phú Thọ) và Khu di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội).

ThS. Vũ Văn Thành – Chánh Văn phòng, Chủ tịch Công đoàn Học viện làm Trưởng đoàn. Tham gia cùng đoàn, có: TS. Phạm Quang Huy – nguyên Phó Giám đốc Học viện – Thường trực tại cơ sở TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Đăng Quế – Giám đốc Phân viện khu vực Tây Nguyên; đại diện Đảng ủy, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Nữ công, Đoàn Thanh niên và đại diện đoàn viên Công đoàn Học viện ở các cơ sở: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên.

Điểm đến đầu tiên trong chuyến tham quan của đoàn là Đền Hùng – nơi gắn liền với biết bao truyền thuyết về quá trình dựng nước và giữ nước, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước ta thời đại Hùng Vương.

Khu di tích Đền Hùng là một quần thể kiến trúc thâm nghiêm trên núi thiêng Nghĩa Lĩnh, giữa vùng đất Phong Châu xưa (nay là xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Anh 1 (6)Đoàn tham quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng

Tại đây, đoàn dâng hương và tham quan đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng và đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đặc biệt, đoàn còn được giới thiệu tham quan đền Giếng thuộc quần thể di tích lịch sử Đền Hùng. Chính tại nơi này, vào ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi nói chuyện với các cán bộ và chiến sỹ Đại đoàn 308 (còn được gọi là Đại đoàn quân Tiên phong – đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta, đã lập nhiều chiến công xuất sắc) trước khi đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô. Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Anh 2 (7)Đoàn tham quan đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân

Rời Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đoàn về dâng hương và tham quan Khu di tích lịch sử Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội – nơi ghi dấu ấn sự kiện hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Hán vào mùa xuân năm 40 (sau Công nguyên), giành lại độc lập chủ quyền cho non sông đất nước, lập nên triều đại Trưng Vương (40-43 sau Công nguyên) và đóng kinh đô tại nơi này.

Anh 3 (7)Đoàn dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội)

Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân đã lập đền thờ hai bà và hoàng thân quốc thích cùng 149 vị Nam tướng và 97 vị Nữ tướng đã tham gia cuộc khởi nghĩa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đền thờ Hai Bà Trưng còn là nơi hội họp bí mật của các cán bộ lãnh đạo để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8/1945.

Với những giá trị lịch sử đó, Đền thờ Hai Bà Trưng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Lễ hội tại Đền thờ Hai Bà Trưng được nhân dân nơi đây tổ chức hằng năm từ ngày 04 – 10 tháng Giêng âm lịch, trong đó chính hội là vào ngày mùng 6 tháng Giêng.

Anh 4 (5)Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại khuôn viên đền thờ Hai Bà Trưng

Hiện nay, Đền thờ Hai Bà Trưng được quy hoạch, trùng tu, tôn tạo và mở rộng song vẫn giữ nguyên vị trí và hướng cũ của Đền. Cùng với nét đẹp về lịch sử văn hóa và lễ hội truyền thống, nơi đây đang là một trong những điểm đến du lịch có ý nghĩa văn hóa lịch sử tâm linh hấp dẫn ở nước ta.

Tạp chí Quản lý nhà nước

Comments are closed.