Bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia

(napa.vn) – Sáng ngày 07/11/2023, tại Hà Hội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia”. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện và ThS. Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đồng chủ trì Hội thảo.

1 chủ trì

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện và ThS. Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo; các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Lao động – Xã hội, Trường Đại học Phenikaa, Viện Phát triển công nghệ ITD, Học viện Phụ nữ…

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, giảng viên, viên chức Học viện.

2 thầy sửu

PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện khẳng định, trong bối cảnh tự chủ đại học, Đảm bảo và Kiểm định chất giáo dục đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường đại học nhằm mục tiêu tự khẳng định vai trò và vị thế cạnh tranh của mình với các cơ sở đào tạo khác, đồng thời đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng để mỗi trường đại học chứng minh trước xã hội về năng lực và hiệu quả đào tạo. Đảm bảo và Kiểm định chất giáo dục không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý và trách nhiệm xã hội của các trường đại học, mà hoạt động này còn giúp các cơ sở giáo dục đại học nâng tầm chất lượng các mặt hoạt động, duy trì và phát triển bền vững về danh tiếng, thứ hạng của mình.

Thứ nhất, kiểm định chất lượng giúp các trường đại học định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động.

Thứ hai, kiểm định chất lượng giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định.

Thứ ba, kiểm định chất lượng là lời tuyên bố chắc chắn tới các bên liên quan về hiện trạng chất lượng của trường.

Thứ tư, kiểm định chất lượng tạo cơ sở xây dựng văn hoá chất lượng cho cơ sở giáo dục.

Hội thảo “Đảm bảo và Kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Học viện Hành chính Quốc gia” là diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục đại học, các nhà nghiên cứu, giảng viên, viên chức làm công tác trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học cùng chia sẻ làm rõ các vấn đề về lý luận và thực tiễn trong công tác đảm bảo và kiểm định chất giáo dục; cập nhật và phổ biến các xu thế mới trong hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng và xếp hạng đại học; nhận diện thực trạng và đánh giá hiệu quả việc triển khai chính sách về tự chủ đại học, quản trị đại học nói chung, kiểm định và đảm bảo chất lượng và xếp hạng đại học ở Việt Nam nói chung và tại Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng.

Kỷ yếu Hội thảo tập hợp 40 bài tham luận, bài viết từ các nhà khoa học, thầy/cô trong và ngoài Học viện. Các bài viết chia sẻ các nghiên cứu chuyên sâu, bình luận, kiến nghị giải pháp thực thi về công tác đảm bảo và kiểm định chất giáo dục đại học ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới; cung cấp những luận cứ khoa học, những kinh nghiệm thực tiễn hữu ích cho các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và những người đang thực thi nhiệm vụ về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.  

3 Dung ThS. Nguyễn Thị Dung, Trường Đại học Lao động – Xã hội tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Dung, Trường Đại học Lao động – Xã hội trình bày nội dung: “Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và bài học kinh nghiệm từ việc tự đánh giá, đánh giá ngoài Trường Đại học Lao động – Xã hội”. ThS. Nguyễn Thị Dung cho biết, chất lượng đào tạo luôn được xem như yếu tố then chốt trong sự nghiệp trồng người; đã và đang là một yêu cầu bắt buộc đối với hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Trước xu thế phát triển chung của các trường đại học và những thách thức cấp bách đặt ra trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, trong tình hình chuyển đổi số, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, với mong muốn khẳng định chất lượng đào tạo trước toàn xã hội, Trường Đại học Lao động – Xã hội đã đẩy mạnh triển khai tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo/cơ sở giáo dục.

ThS. Nguyễn Thị Dung đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng giáo dục Trường Đại học Lao động – Xã hội:

(1) Nâng cao nhận thức về vai trò của đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đối với sự phát triển của trường

(2) Chủ động rà soát, đánh giá chất lượng các hoạt động của trường bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn, đồng thời đáp ứng các yêu cầu mới của xu thế phát triển và thị trường lao động.

(3) Xây dựng kế hoạch chiến lược bảo đảm chất lượng giáo dục và kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục hằng năm, trong đó, trường cần định lượng và tạo ra những kết quả then chốt cụ thể nhằm hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra.

(4) Đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và hệ thống thông tin nội bộ trường để hình thành hệ thống và cơ chế kiểm soát nhằm duy trì và nâng cao chất lượng.

(5) Đảm bảo chất lượng và các chương trình đào tạo phải gắn với khung trình độ quốc gia và chuẩn chương trình đào tạo.

(6) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản về bảo đảm chất lượng; thiết lập hệ các quy trình, thủ tục quản lý tinh gọn phù hợp với tiêu chuẩn ISO 21001: 2018.

(7) Tăng cường nguồn lực về tài chính và đội ngũ cho phòng quản lý chất lượng.

(8) Cần có chính sách khen thưởng các đơn vị chủ động và thực hiện có hiệu quả công tác tự đánh giá và cải tiến chất lượng.

4 Khánh

PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo phát biểu.

PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ những nội dung quan trọng về quá trình triển khai công tác đảm bảo chất lượng ở nước ta từ năm 2013 đến nay, đồng thời khẳng định sự nhất quán về quan điểm, chủ trương thực hiện đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học là cơ sở vững chắc nhằm triển khai hiệu quả công tác này tại các cơ sở giáo dục đại học. Theo PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, công tác kiểm định yêu cầu sự thông tuệ, kiên định, bền bỉ, trên cơ sở nền tảng khoa học tốt. Thách thức lớn nhất trong tổ chức triển khai kiểm định, đánh giá chất lượng là cần đưa ra những khuyến nghị thiết thực, cụ thể đối với các cơ sở đào tạo; đồng thời, cần đặt ra vấn đề cần quan tâm trong thiết kế mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra, cũng như những khó khăn trong xác định tầm nhìn, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, tạo nền tảng xây dựng chiến lược, mục tiêu của giáo dục, đào tạo.

5 Hùng

TS. Nguyễn Văn Hùng, Trường Đại học Phenikaa tham luận.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hùng, Trường Đại học Phenikaa trình bày tham luận: “Mô hình đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và bài học thực tế”. TS. Nguyễn Văn Hùng chia sẻ hệ thống đo lường mức đạt chuẩn đầu ra của các cơ sở giáo dục ở một số quốc gia trên thế giới như: Hoa Kỳ, Đức, Ý, Anh, Colombia, Úc, Canada và Việt Nam; đồng thời chỉ ra bài học thực tế từ việc triển khai đo lường chuẩn đầu ra.

Khó khăn trong việc triển khai đo chuẩn đầu ra: (1) Giảng viên phải tham thực hiện nhiều công việc cùng một lúc, trong khi việc lấy dữ liệu thống kê mất thời gian, việc đo chuẩn đầu ra cần chi tiết hóa từng câu hỏi cho từng sinh viên nên chiếm thời gian rất lớn; (2) Số lượng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo là rất lớn, vì vậy cần được điều chỉnh tinh gọn và có thể dễ dàng đo lường được; (3) Các chuẩn đầu ra bao gồm chương trình đào tạo và học phần hiện tại khó đánh giá do viết gộp nhiều động từ trong một chuẩn đầu ra và chưa thực sự tường minh; (4) Chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đánh giá mức đạt chuẩn đầu ra; (5) Thông tư 17 chỉ đưa ra yêu cầu về chuẩn đầu ra và giải thích cách tiếp cận theo AUN-QA, Hoa Kỳ để các cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng hệ thống đánh giá, đo lường chuẩn đầu ra.

TS. Nguyễn Văn Hùng đưa ra 5 khuyến nghị: (1) Tinh gọn số lượng và cải tiến hướng tới chuẩn hóa chuẩn đầu ra (chương trình đào tạo, học phí); (2) Xây dựng quy trình, hướng dẫn chi tiết đánh giá chuẩn đầu ra (AUN-QA, ABET…); (3) Lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp với nội hàm chuẩn đầu ra; (4) Xây dựng bộ ngân hàng Rubrics cho các kĩ năng…; (5) Xây dựng bộ công cụ phần mềm tổng hợp, phân tích dữ liệu đánh giámức độ đạt chuẩn đầu ra, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo.

6 Năm

TS. Đỗ Khánh Năm, Trưởng phòng, Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Tại Hội thảo, TS. Đỗ Khánh Năm trình bày nội dung: “Thực trạng và giải pháp công tác kiểm định chất lượng tại Học viện Hành chính Quốc gia”.

Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Những năm qua, công tác kiểm định chất lượng luôn được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện quan tâm, chỉ đạo sát sao, lãnh đạo các đơn vị, giảng viên, viên chức, người lao động đồng thuận về quan điểm này; hệ thống  văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tương đối đầy đủ; cơ cấu tổ chức của các đơn vị đã ổn định và đi vào hoạt động hiệu quả; mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục bên trong Học viện được thành lập; số lượng, đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, viên chức, người lao động đảm bảo theo quy định, chất lượng đội ngũ tương đối tốt, trình độ PGS, TS toàn Học viện chiếm trên 18%: cơ sở vật chất tương đối đầy đủ đáp ứng được quá trình hoạt động của Học viện và kiểm định chất lượng.

TS. Đỗ Khánh Năm đề xuất 7 giải pháp thực hiện công tác kiểm định chất lượng tại Học viện Hành chính Quốc gia, bao gồm:

(1) Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cần chỉ đạo sát sao hơn nữa về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công của chất lượng công việc. Xác định nhiệm vụ đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong kế hoạch phát triển chung của Học viện.

(2) Đầu tư kinh phí, nguồn lực hợp lý cho các hoạt động đảm bảo chất lượng; kiểm định chất lượng.

(3) Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức đảm bảo chất lượng bên trong Học viện (Ban chỉ đạo, ban giúp việc, Ban thư ký…)

(4) Cụ thể hóa các hướng dẫn về tự đánh giá, đánh giá ngoài của cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo cho các đơn vị. Tăng cường hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho lãnh đạo, giảng viên, viên chức về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục.

(5) Xây dựng kế hoạch lộ trình kiểm định tự đánh giá, đánh giá ngoài về cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo theo Kế hoạch và Chiến lược phát triển của Học viện.

(6) Thu thập minh chứng, hình thành cơ sở dữ liệu để viết báo cáo tự đánh giá, đánh giá ngoài về cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo.

(7) Thực hiện các kế hoạch cải tiến để nâng cao chất lượng dựa trên kết quả đánh giá; duy trì cơ sở dữ liệu về kiểm định chất lượng giáo dục; duy trì và phát triển văn hóa chất lượng của Học viện.

7 Vân

ThS. Phạm Thị Vân, Viện Phát triển công nghệ ITD tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, ThS. Phạm Thị Vân, Viện Phát triển công nghệ ITD chia sẻ nội dung “Tích hợp hệ thống quản lý chất lượng ISO 21001:2018 vào hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng”.

ThS. Phạm Thị Vân giới thiệu tiêu chuẩn ISO 21001:2018 và quy định xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục; lý do cần tích hợp tiêu chuẩn ISO trong công tác đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục.

Quản trị đại học liên quan đến các hoạt động: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát ứng với các cấp quản trị khác nhau. Trong giai đoạn 2022-2025, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục sẽ cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong của các cơ sở giáo dục đại học ngày càng được nâng cao. Sự ra đời của Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 (EOMS) – dành cho các tổ chức giáo dục là điều tất yếu để nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục trên toàn thế giới. Việc tích hợp hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 với hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA) của cơ sở giáo dục góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

ThS. Phạm Thị Vân đề xuất một số giải pháp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001: 2018 vào quản trị đại học hiện đại:

(1) Áp dụng tích hợp quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 21001:2018 vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống đảm bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nội lực và thương hiệu trong và ngoài nước;

(2) Cải tiến quản trị đại học gắn với bảo đảm chất lượng từ bên trong (IQA), đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng các bên liên quan được thực hiện thông qua cam kết hoạt động vận hành mạng lưới IQA trong cơ sở giáo dục và thường xuyên lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan để đảm bảo việc phát hiện và xử lý các thông tin kịp thời, khách quan nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng;

(3) Xây dựng tầm nhìn, sứ mạng và văn hoá chất lượng của cơ sở giáo dục đại học phù hợp với sự mong đợi các bên liên quan;

(4) Tích hợp hệ thống ISO điện tử và chuyển đổi số trong giáo dục đại học nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí và quản lý vận hành hiệu quả đáp ứng xu hướng chuyển đổi số;

(5) Quản trị đại học theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế để nâng cao thứ hạng của cơ sở giáo dục thông qua các kênh phản hồi, tiêu chí đánh giá và đạt yêu cầu kiểm định của các tổ chức kiểm định cũng như chứng nhận ISO 21001:2018;

(6) Quản trị đại học gắn với cam kết, trách nhiệm giải trình và quản trị rủi do của lãnh đạo cơ sở giáo dục.

8 Quyền

TS. Phạm Quang Quyền, Chủ nhiệm Thư viện, Trung tâm Công nghệ và Thư viện, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Tham luận với chủ đề “Giải pháp tự chủ triển khai xây dựng và vận hành hệ thống tích hợp quản trị minh chứng số phục vụ kiểm định chất lượng”,  TS. Phạm Quang Quyền cho biết, minh chứng kiểm định gồm 3 nhóm: chương trình – học liệu, văn bản – hồ sơ, đội ngũ nhà giáo – nhân lực. Có nhiều lựa chọn giải pháp xây dựng hệ thống tích hợp minh chứng số. Tuy nhiên, cần chú trọng đến tính ổn định phát triển bền vững để làm căn cứ cải tiến qui trình kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Trong đó, tự chủ quản trị là một trong số những giải pháp đã góp phần thành công vào 2 đợt kiểm định tại NAPA (2019 và 2021).

Việc triển khai xây dựng và vận hành hệ thống tích hợp quản trị minh chứng số phục vụ kiểm định chất lượng gồm các giải pháp kỹ thuật, như: mua và thuê quản trị phần mềm/ thuê phần mềm quản lý; sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 (google, microsoft,…); mua phần mềm và tự quản trị; sử dụng phần mềm nguồn mở và thuê dịch vụ để triển khai; sử dụng phần mềm nguồn mở và tự thiết lập môi trường quản trị.

Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay lựa chọn việc sử dụng phần mềm nguồn mở và tự thiết lập môi trường quản trị. Đó là dùng phần mềm DSpace, tích hợp môi trường là các mã mở trên nền tảng kết nối mạng sẵn có. Có các chức năng để đảm bảo kết nối liên thông trong tác vụ đối với cơ sở đào tạo nhiều trình độ, hình thức và phân tán như NAPA, cụ thể: cho phép thiết kế các “không gian số” có tính độc lập tương đối với nhau: Trụ sở chính, các Phân viện; học liệu, chương trình; văn bản; nguồn nhân lực – đội ngũ nhà giáo;…; đánh chỉ mục tìm kiếm hiện đại: theo nguyên lý google (đa ngôn ngữ, tìm toàn văn kết hợp các loại toán tử tìm); liên thông, liên kết hệ thống khác theo chuẩn quốc tế về dữ liệu số toàn văn: OAI-PMH.

9 Thành

TS. Tạ Văn Thành, Học viện Phụ nữ phát biểu.

10 Trung

ThS. Nguyễn Văn Trung, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu.

11 Vân Hà

TS. Nguyễn Thị Vân Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.

12 Cồ Lệ

TS. Cồ Huy Lệ, Khoa Quản lý kinh tế, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.

13 Hậu

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện phát biểu.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến nhằm làm rõ khái niệm đánh giá chuẩn đầu ra, đo lường và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra; cần gắn kết nghiên cứu khoa học à phục vụ công đồng với định hướng phát triển đào tạo; thực trạng công tác quản lý thông tin trong hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và giải pháp cải tiến hoạt động quản lý thông tin đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học; đánh giá chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn ISO và các bộ tiêu chuẩn trong nước, quốc tế; mục tiêu phục vụ cộng đồng của cơ sở giáo dục đại học; kinh nghiệm vận hành hiệu quả hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở giáo dục; quy định trách nhiệm, quyền lợi của các đối tượng trong tham gia kết nối và phục vụ cộng đồng; chiến lược phát triển hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng; hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng gắn với đặc thù vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt của Học viện.

14 Lưu niệm

Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, đại biểu dự hội thảo trực tiếp cũng như trực tuyến tại các điểm cầu đã tham gia đóng góp ý kiến, gửi tham luận, góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo. Hội thảo đã nhận được 42 bài tham luận tập hợp trong kỷ yếu Hội thảo, chia sẻ các nghiên cứu chuyên sâu, bình luận, kiến nghị giải pháp thực thi về công tác đảm bảo và kiểm định chất giáo dục đại học ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. Những ý kiến đóng góp, tham luận tâm huyết, có giá trị của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài Học viện sẽ cung cấp những luận cứ khoa học, những kinh nghiệm thực tiễn hữu ích cho các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và những người đang thực thi nhiệm vụ về công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục tại Học viện Hành chính Quốc gia. Qua đó, duy trì và phát triển bền vững uy tín, thứ hạng, góp phần nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động nhằm đạt được mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh đặt ra, hướng tới tiêu chuẩn chất lượng khu vực và quốc tế.

13

ThS. Lý Thị Kim Bình, Phó Trưởng phòng, Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

15 Quang canh

Quang cảnh Hội thảo.

Như Ngọc

Comments are closed.