Bảo vệ luận án tiến sĩ Quản lý công “Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Bộ Y tế”

(napa.vn) – Sáng ngày 24/12/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Học viện của nghiên cứu sinh Đặng Thị Phương Nga, ngành Quản lý công, mã số 9340403, với đề tài “Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước thuộc Bộ Y tế” dưới sự hướng dẫn khoa học của GS. TS. Đinh Văn Tiến và PGS. TS. Đỗ Văn Thành.

z5009516449425_0f20b3d7a598335432905b0bfd7bfa4f

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng phát biểu.

Hội đồng thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Đặng Thị Phương Nga.

 z5009516449415_9025709413f173d09afa5959b297d506

 Nghiên cứu sinh Đặng Thị Phương Nga trình bày kết quả nghiên cứu.

Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Đặng Thị Phương Nga với mục tiêu cấp thiết đó là: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư công của toàn xã hội và là nguồn lực tài chính quan trọng để Chính phủ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Tại Bộ Y tế, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế liên quan đến sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, hàng năm Bộ được ngân sách nhà nước phân bổ một lượng vốn đầu tư lớn cho các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Song thực tế cho thấy, khả năng cung ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước còn rất hạn chế so với nhu cầu sử dụng vốn đầu tư cho khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Làm thế nào để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước từ khâu xây dựng kế hoạch, phê duyệt, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư, quyết toán và đưa công trình vào sử dụng đến khâu kiểm tra, giám sát vốn đầu tư nhằm đảm bảo các dự án đầu tư được đúng tiến độ, tránh thất thoát, tiết kiệm chi phí từ đó nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phát triển hệ thống y tế cộng đồng là một đòi hỏi có tính cấp bách hiện nay.

Xuất phát từ sự cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn, nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Bộ Y tế” cho luận án tiến sĩ của mình nhằm bổ sung thêm những lý luận cơ bản về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời cung cấp những bằng chứng thực tiễn quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cách nhìn tổng thể và những gợi mở cho việc hoạch định chiến lược và chính sách nhằm quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vốn đầu tư công của Bộ Y tế.

z5009519272902_982d8cdd618fd5c19c3d0b3837e99179

Toàn cảnh buổi Hội đồng bảo vệ luận án.

Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, luận án đã thực hiện được các nhiệm vụ nghiên cứu:

Luận giải, hệ thống hóa, phân tích, góp phần bổ sung và làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận cơ bản về nội dung quá trình quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy trình quản lý, bao gồm: Quản lý quá trình xây dựng kế hoạch và phê duyệt vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước; Quản lý quá trình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Quản lý quá trình quyết toán và đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời hệ thống hóa, nhận diện và phân tích sự ảnh hưởng của các nhân tố ảnh hưởng tới tới quá trình quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước theo 3 nhóm nhân tố: (i) Môi trường luật pháp và cơ chế chính sách; (ii) Tổ chức bộ máy quản lý và năng lực đội ngũ cán bộ quản lý; (iii) Hoạt động kiểm tra, giám sát.

Phân tích thực trạng quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước tại Bộ Y tế giai đoạn 2016 – 2020 trên 3 nhóm nội dung lớn gắn với quy trình lập kế hoạch đầu tư, phân bổ và sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Bộ Y tế, đó là (1) Quá trình quản lý việc lập kế hoạch, thẩm định và phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản; (2) Quá trình quản lý việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và (3) Quá trình quản lý việc quyết toán và giám sát sau khi công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua phân tích đã đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của thực trạng quản lý vốn đầu xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2016 – 2020.

Dựa trên lý thuyết quản trị nhà nước tốt và mô hình đánh giá quản lý đầu tư công của Quỹ tiền tệ quốc tế, nghiên cứu cung cấp các bằng chứng cho thấy, còn có khoảng cách trong việc đề ra chính sách với tổ chức thực hiện chính sách về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Bộ Y tế thông qua mô hình phân tích IPA. Từ những kết quả nghiên cứu, đã đề xuất các nhóm giải pháp mang tính định hướng chính sách nhằm góp phần hoàn thiện quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Bộ Y tế trong thời gian tới.

 z5009516449640_23eb95184213a1076dda05cdb351ba32

Các thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.

Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. 

 z5009516449883_c97920621949e9ea08ca47b5d91fad6d

PGS.TS. Lương Thanh Cường thay mặt lãnh đạo Học viện tặng hoa chúc mừng Nghiên cứu sinh.

Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.

 z5009516449889_b0ffc2b03904ba534e6507c187709036

Ảnh lưu niệm tại buổi lễ.

Phạm Hải Long

Comments are closed.