(napa.vn) – Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), sáng ngày 20/6/2022, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ Nội vụ.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì buổi Họp báo, gặp mặt.
Cùng dự có đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ – Người phát ngôn Bộ Nội vụ; lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ và lãnh đạo các cơ quan thông tin, báo chí của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi Họp báo, gặp mặt.
Phát biểu tại buổi Họp báo, gặp mặt, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ Nội vụ nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, thời gian qua, sự phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông giữa Bộ Nội vụ và các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả. Các sự kiện, hoạt động của Bộ, của ngành Nội vụ luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, đồng thuận, phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, thông tin mang tính đa chiều, tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ luôn chủ động cung cấp thông tin kịp thời, tạo điều kiện để các nhà báo tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng thông qua các cuộc Họp báo thường kỳ, đột xuất khi có sự kiện, vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ mong muốn đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ tiếp tục gắn bó, đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ trong việc thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Quang cảnh buổi Họp báo, gặp mặt.
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Cụ thể:
Về công tác xây dựng thể chế, chính sách
Đã trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022, với 85,14% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ ba theo quy trình 2 kỳ họp. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).
Đang khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 01 Nghị quyết và đang trình 04 dự thảo Nghị định.
Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền 05 Thông tư và 03 văn bản hợp nhất. Các đơn vị trong Bộ đang trình, xin ý kiến lãnh đạo Bộ 04 dự thảo Thông tư.
Đã tổ chức thẩm định và đôn đốc các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ. Đến nay, đã có 15/19 cơ quan ban hành Thông tư.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế
Ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 Bộ, ngành.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước.
Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương rà soát số liệu về biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2022-2026 để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời tổng hợp ý kiến của Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Rà soát vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ để gửi Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế tại một số địa phương và ý kiến đề xuất, kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã rà soát, đánh giá nội dung quy định về số lượng cấp phó tại 05 Nghị định và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Đi đôi với việc rà soát, cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã tiến hành phân cấp triệt để công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ đang tập trung hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Chiến lược Quốc gia về nhân tài; tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ. Chủ động xây dựng các Nghị định, Thông tư quy định thực hiện chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhằm chuẩn bị một bước cho việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương. Tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp gắn với việc thực hiện nghiêm túc văn hóa công vụ.
Về xây dựng chính quyền địa phương, địa giới hành chính
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 469/NQ-UBTVQH15 ngày 15/02/2022 về thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết số 510/NQ-UBTVQH15 ngày 12/5/2022 về thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; đồng thời tập trung xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở đánh giá toàn diện, tổng thể các nội dung liên đến việc sắp xếp đơn vị hành chính để bảo đảm tính hiệu quả trình Bộ Chính trị trong năm 2022. Chủ động phối hợp với địa phương để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Đề án thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành; Đề án thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cay Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Về lĩnh vực cải cách hành chính
Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá kết quả CCHC năm 2021 và ban hành Kế hoạch hoạt động CCHC năm 2022, Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022. Tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2021) năm 2021 của các Bộ, các địa phương. Theo đó, chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37% tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).
Theo số liệu thống kê đến đầu Quý II/2022, số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đạt 86% tăng mạnh so với năm 2020 (năm 2020 chỉ số này chỉ đạt 30%).
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ Nội vụ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đồng bộ các mặt công tác theo chương trình, kế hoạch đề ra như: công tác thi đua – khen thưởng, công tác tôn giáo, tín ngưỡng; công tác văn thư – lưu trữ; công tác thanh niên, tổ chức phi chính phủ; công tác thanh tra, pháp chế, công tác cán bộ nữ,… Trong đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3 vào đầu tháng 8/2022; triển khai xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và Cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ để tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư và Cở dữ liệu về bảo hiểm xã hội theo quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Về Kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ. Tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng; tiếp thu, giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; trình Chính phủ xem xét ban hành 19 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 18 Thông tư thuộc lĩnh vực Nội vụ.
Hai là, thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Tham mưu, phối hợp hiệu quả về đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Ba là, xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ; đổi mới phương thức nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức cho phù hợp với quản lý và trả lương theo vị trí việc làm.
Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh thẩm định thành lập các đơn vị hành chính đô thị, thúc đẩy tốc độ đô thị hóa tại các địa phương; xây dựng và hoàn thiện Đề án “Mô hình tổ chức chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh”; “Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trình Bộ Chính trị.
Năm là, đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ số, trong đó tập trung là chuyển đổi các thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Sáu là, hướng dẫn triển khai thực hiện các phong trào thi đua được Thủ tướng Chính phủ phát động; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về văn thư – lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ tài liệu điện tử làm cơ sở để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ nhằm phát huy tốt giá trị của tài liệu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên, về hội, quỹ và tổ chức phi chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và toàn ngành, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh.
Bảy là, tổ chức tốt Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về quản trị đất nước tốt bảo đảm nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam đối với các nước ASEAN trong công tác tổ chức Hội nghị và ảnh hưởng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trao tặng Bằng khen cho 05 Nhà báo có nhiều thành tích trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, định hướng tuyên truyền các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ Nội vụ trong thời gian qua.
Đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ – Người phát ngôn Bộ Nội vụ công bố các quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao tặng Bằng khen cho 05 Nhà báo có nhiều thành tích trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền của Bộ Nội vụ.
Cũng tại buổi Họp báo, lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Nội vụ đã trả lời và làm rõ nội dung những câu hỏi của các nhà báo liên quan đến những vấn đề dư luận, xã hội quan tâm./.
Như Ngọc