Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) được Tổng cục Hải quan (TCHQ) đưa vào vận hành kể từ tháng 4/2014, hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khi thực hiện các thủ tục hành chính điện tử.
Tạo thuận lợi cho hải quan và doanh nghiệp
Theo đánh giá của ngành hải quan, với việc triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động, mặc dù, DN phải khai thông tin nhiều hơn nhưng hệ thống này sẽ giúp xử lý thông tin khai báo nhanh, chính xác hơn, tạo thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và DN rút ngắn thời gian thông quan.
Nhiều lợi ích
Theo lãnh đạo TCHQ, với mức độ tự động hóa, tính ổn định cao, khi đưa VNACCS/VCIS vào vận hành sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho DN khi thực hiện thủ tục hành chính điện tử như: DN có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi khi kết nối mạng Internet, giảm thiểu được giấy tờ, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu… Như vậy, DN vừa tiết kiệm được chi phí hành chính, vừa tiết kiệm được thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng như hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Từ ngày 1/4 đến hết tháng 6/2014, TCHQ sẽ hoàn thành triển khai VNACCS/VCIS tại tất cả 34 cục hải quan địa phương. Nhóm I gồm các đơn vị hải quan trọng điểm: Cục Hải quan Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, các đơn vị còn lại thuộc nhóm II sẽ triển khai sau.
Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết: So với hệ thống cũ, hệ thống VNACCS/VCIS có nhiều điểm nổi bật. Mặc dù, DN phải khai thông tin khai trên VNACCS nhiều hơn, yêu cầu về sự chính xác, mức độ tổng hợp cao hơn. Nhưng đổi lại hệ thống này sẽ giúp xử lý nhanh, chính xác để tạo thuận lợi cho cả cơ quan hải quan và DN rút ngắn thời gian thông quan.
Theo các chuyên gia trong ngành, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ xử lý hoàn toàn tự động trong quá trình thông quan hàng hóa từ việc tiếp nhận, xử lý và phân luồng với thời gian xử lý diễn ra rất nhanh (trong khoảng 3 giây) nhờ chức năng kết nối với các hệ thống khác. Quy trình đối với hàng vận chuyển bảo thuế trong hệ thống mới này sẽ gộp các quy trình hiện tại thành 1 quy trình nhằm mục đích đơn giản hóa và chuẩn hóa hơn; hỗ trợ công tác giám sát…
Bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan Lạng Sơn đánh giá: Với hệ thống VNACCS, DN sẽ phải khai nhiều hơn nên ban đầu DN sẽ thấy khó vì chưa quen, nhưng ngành hải quan sẽ có nhiều thuận lợi vì quản lý rủi ro sau thông quan được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, DN cũng có thể hưởng lợi là sử dụng chính những thông tin đã khai trên VNACCS để phục vụ công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của DN mà không cần phải lưu file riêng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi của hệ thống mới, nhiều chi cục hải quan cũng cho rằng: Khi tiếp cận với hệ thống VNACCS/VCIS, cái khó nhất là phải làm quen với mã hàng. Theo ông Đỗ Hồng Lâm, Đội trưởng Đội thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu Chi cục Hải quan cảng Cái Lân (Quảng Ninh), trong VNACCS/VCIS, việc phải kê khai tới hàng trăm mã hàng đã gây khó khăn cho cả cán bộ hải quan lẫn DN trong giai đoạn mới triển khai. Nhưng ông Đỗ Hồng Lâm cũng tin rằng, khi đã làm quen thì doanh nghiệp sẽ thấy hệ thống mới cũng có nhiều tiện tích.
Theo anh Trần Quang Hạnh, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty Texhong Ngân Long (Móng Cái), việc khai báo trên hệ thống mới với bộ tiêu chí khai báo lên tới hàng trăm tiêu chí khiến DN lúc đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ nhưng qua nhiều buổi tập huấn hướng dẫn của cán bộ hải quan chi cục nên hiện giờ gần như đã thuộc mọi mã hàng và việc khai báo đã thuần thục hơn nhiều.
Ông Ngô Xuân Hiệp, lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin (CNTT), Cục Hải quan Quảng Ninh – đơn vị hải quan triển khai thuộc nhóm I cho biết: Một trong những khó khăn của quá trình triển khai hệ thống mới là phần mềm VNACCS có quá nhiều tiêu chí buộc DN phải khai báo, trước kia trên tờ khai cũ chỉ có tối đa 30 tiêu chí, hiện nay phải khai trên VNACCS hơn 100 tiêu chí. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng thừa nhận: Việc khai báo càng rõ và chi tiết sẽ giúp công tác quản lý chặt chẽ hơn.
Theo ông Hoàng Tú Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, đơn vị đầu tiên tại Cục Hải quan Quảng Ninh triển khai thủ tục hải quan điện tử và cũng là đơn vị triển khai thí điểm chương trình VNACCS/VCIS, trong quá trình triển khai, các DN đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không có sự tham gia tích cực của DN thì quá trình triển khai khó đạt được thành công như mong muốn.
Nhận thức được điều đó, nhiều hình thức tuyên truyền động viên DN tham gia hệ thống mới đã được các cục hải quan triển khai. Chi cục Hải quan Móng Cái (Quảng Ninh) đã thông báo rộng rãi tới cộng đồng DN về tiện ích của việc sử dụng hệ thống VNACCS/VCIS tại nơi làm thủ tục hải quan. Đến nay, nhiều DN đã nhận thấy lợi ích khi chuyển sang hệ thống mới, tạo thuận lợi cho ngành hải quan sẵn sàng vận hành hệ thống.
Tính đến ngày 31/3, đã có 19.900 DN đăng kí tham gia VNACCS/VCIS. Theo TCHQ, sau khi triển khai thí điểm ở 2 chi cục thuộc Hải quan Hải Phòng và Hải quan Hà Nội, VNACCS/VCIS tiếp tục được triển khai mở rộng ra các đơn vị khác. Hết tháng 6/2014, toàn ngành hải quan sẽ hoàn thành áp dụng chính thức Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Việc triển khai phải đảm bảo đúng kế hoạch, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN, quá trình triển khai phải huy động được nguồn lực của ngành hải quan, DN và các bên liên quan…
(Tin Tức 8/4/2014)