Anh Lê Văn Đức, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) ngỡ ngàng khi nhân viên bưu điện chuyển tấm hộ chiếu do Công an Hà Nội cấp đến tận gia đình trong một buổi sáng thứ bảy. Vậy là anh Đức đã sở hữu tấm hộ chiếu của mình sau ba ngày hoàn thiện các thủ tục cấp hộ chiếu.
Đột phá mới
Anh Đức vui vẻ cho biết, ba ngày trước anh đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72), Công an Hà Nội làm thủ tục cấp hộ chiếu để đi thăm con đang học tập tại nước ngoài.
Sau khi được hướng dẫn, anh đã hoàn thành thủ tục trong mười phút và nhận giấy hẹn. Sau hai ngày hộ chiếu đã được Công an Hà Nội chuyển đến tận nhà qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Anh Đức chỉ là một trong hàng nghìn người đã được nhận hộ chiếu qua hình thức chuyển phát nhanh mà Công an Hà Nội đã thực hiện trong gần một tháng qua. Có mặt tại PA72, Công an Hà Nội, chúng tôi thấy không khí vắng vẻ, khác với cảnh từng đoàn người xếp hàng chờ làm thủ tục và đội ngũ “cò” mời chào người dân từ ngoài cổng như cách đây mấy tháng.
Tuy nhiên, công việc của các cán bộ thụ lý hồ sơ vẫn không bớt tất bật. Đại tá An Quốc Khánh, Trưởng phòng PA72, Công an Hà Nội cho biết: Từ ngày 20-3, Công an Hà Nội triển khai thí điểm cấp hộ chiếu qua mạng. Khi có nhu cầu làm hộ chiếu, người dân có thể lấy mẫu tờ khai trên mạng in-tơ-nét, sau đó điền các thông tin cần thiết theo mẫu, nộp tại PA72 và nhận giấy hẹn lấy hộ chiếu sau hai ngày. Đối với các cơ quan, tổ chức có nhu cầu làm hộ chiếu cho từ mười người trở lên, PA72 cử cán bộ đến tận nơi kê khai. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm cấp hộ chiếu qua mạng và là cơ sở để từ đó rút kinh nghiệm triển khai trên toàn quốc. Việc cấp hộ chiếu qua mạng là một nội dung trong tổng thể cải cách thủ tục hành chính (TTHC) mà Công an Hà Nội tiến hành thời gian qua, như cấp, đổi Giấy chứng minh nhân dân, cấp, đổi Giấy đăng ký ô-tô, xe máy…
Trong một thời gian dài, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) tại Hà Nội được xem là có nhiều hạn chế, với số lượng Giấy CNQSDĐ được cấp đạt quá thấp. Nguyên nhân chính do sự rườm rà trong TTHC và thiếu minh bạch trong thực hiện. Trước tình hình nói trên, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng giảm tới mức thấp nhất TTHC, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ tháng 5-2013, Hà Nội thực hiện dịch vụ công trực tuyến cho một số TTHC trong lĩnh vực đất đai, trong đó có việc cấp Giấy CNQSDĐ qua mạng. Được coi là khâu đột phá trong công tác cấp Giấy CNQSDĐ, các đơn vị, tổ chức có thể lấy mẫu hồ sơ, điền thông tin cần thiết, gửi qua mạng về Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố để được giải quyết. Do vậy, đến hết năm 2013, việc cấp Giấy CNQSDĐ đạt hơn 99% đối với cá nhân, gia đình và hơn 42% đối với tổ chức, doanh nghiệp. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục cải cách TTHC, Hà Nội sẽ đầu tư gần một nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và dữ liệu quản lý đất đai, với mục tiêu hoàn thành công tác cấp Giấy CNQSDĐ trong năm 2014.
Nhằm thu gọn tối đa đầu mối giải quyết TTHC, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đưa vào sử dụng Trung tâm hành chính công của tỉnh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp với mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.
Cầm tờ giấy hẹn trên tay sau khi hoàn thành thủ tục cấp phép kinh doanh tại Trung tâm hành chính công của tỉnh Quảng Ninh, chị Hoàng Thu Hương, phường Cao Xanh, TP Hạ Long cho biết: Trước đây, để hoàn thành một bộ thủ tục, doanh nghiệp phải mất hàng tháng trời chạy đi chạy lại các sở, ngành của tỉnh để xin các loại giấy chứng nhận. Tuy nhiên, từ khi đưa trung tâm vào hoạt động, mọi TTHC được giải quyết theo quy trình “một thẩm định, một phê duyệt”. Cá nhân, tổ chức được cán bộ chuyên môn của từng sở, ngành tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và phê duyệt, giúp người dân giảm thời gian đi lại và chi phí.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho biết, việc đưa trung tâm vào hoạt động hướng tới mục tiêu giải quyết các bộ TTHC công khai, minh bạch, thuận tiện và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Đây là mô hình mới được triển khai tại Việt Nam trên cơ sở kinh nghiệm của Nhật Bản.
Cùng với trung tâm cấp tỉnh, Quảng Ninh cũng đưa vào hoạt động năm trung tâm hành chính công tại các thành phố: Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái và huyện Vân Đồn, mục tiêu đến năm 2015 đưa 100% số TTHC được giải quyết tại Trung tâm hành chính công.
Thu hút nguồn lực phát triển
Xác định cải cách TTHC là yếu tố quan trọng trong thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, hiệu quả.
TP Đà Nẵng được xem là địa phương đi đầu về cải cách TTHC và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Từ nhiều năm qua, Đà Nẵng thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND thành phố, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình xúc tiến, đăng ký cấp phép dự án. Nhờ đó, thời gian cấp phép đầu tư cho dự án đăng ký không quá năm ngày. Đối với dự án quan trọng, lãnh đạo thành phố trực tiếp đàm phán, mời nhà đầu tư đến giới thiệu và đưa ra những chủ trương thông thoáng, thủ tục công khai, minh bạch. Cải cách TTHC góp phần đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 Đà Nẵng trở lại dẫn đầu các địa phương trong cả nước. Trong quý I-2014, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Đà Nẵng đạt 592 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2013. UBND thành phố xác định, năm 2014 là “Năm doanh nghiệp” và tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tiếp tục thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tại TP Hải Phòng, địa bàn kinh tế trọng điểm có cảng biển lớn thứ hai của cả nước, công tác cải cách TTHC trong xuất nhập khẩu hàng hóa được đặc biệt coi trọng. Trao đổi ý kiến với một số doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu tại cảng Hải Phòng, chúng tôi được biết, trước đây, để xuất khẩu một lô hàng thủy sản, doanh nghiệp phải đợi cán bộ Trung tâm kiểm định chất lượng nông lâm sản xuống lấy mẫu kiểm tra. Sau mười ngày sẽ trả kết quả và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm với chi phí từ hai đến ba triệu đồng/lô. Tuy nhiên hiện nay, Trung tâm cử cán bộ xuống tận cảng lấy mẫu phân tích, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ cấp giấy chứng nhận ngay trong ngày với chi phí 40 nghìn đồng/lô. Cải tiến trong TTHC không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển chung trong việc nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản.
Những cải cách trong giải quyết TTHC đã đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo động lực lớn trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, tạo cho Hải Phòng bước nhảy vọt về chỉ số năng lực cạnh tranh, từ vị trí thứ 50/63 tỉnh, thành phố năm 2012 lên vị trí thứ 15 trong năm 2013. Nếu như năm 2013, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng đứng thứ ba các địa phương trong cả nước với tổng số vốn gần 2,5 tỷ USD, thì ba tháng đầu năm 2014, Hải Phòng đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng với hơn 230 triệu USD và là một trong những địa phương có mức tăng cao nhất.
Với nỗ lực cải cách TTHC, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh là những địa phương được Bộ Nội vụ đánh giá có chỉ số cải cách hành chính đạt điểm tốt và đứng tốp đầu cả nước.
Phá bỏ rào cản
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống TTHC và quy trình thực hiện còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, đơn giản hóa được 3.921 trong số 4.751 TTHC được Chính phủ phê duyệt, chiếm 79% kế hoạch. Tuy nhiên, cơ chế “một cửa” tại nhiều địa phương vẫn mang tính hình thức, người dân, doanh nghiệp vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau để được giải quyết lần lượt. Riêng trong lĩnh vực cấp phép đầu tư liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, nhà đầu tư phải thực hiện trung bình 18 loại thủ tục. Một số địa phương do áp dụng sai quy định của pháp luật nên đã đưa ra các TTHC khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi Bình Định yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo môi trường sau khi thực hiện thủ tục về đất đai thì Bắc Ninh và Thừa Thiên -Huế yêu cầu nhà đầu tư làm ngược lại. Còn theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, do pháp luật chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau đã gây khó khăn trong giải quyết TTHC. Chỉ riêng trong lĩnh vực đầu tư, giữa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có tới 100 điểm vướng mắc, vênh nhau nhưng chưa có phương án giải quyết.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư. Trước mắt, xem xét loại bỏ khoảng 700 TTHC liên quan đến tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực đầu tư, như thủ tục cấp giấy phép quy hoạch, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thủ tục cho phép lập dự án khảo sát đầu tư.
Đồng thời áp dụng tới mức cao nhất cơ chế “một cửa liên thông” đối với những nội dung liên quan nhiều cơ quan. Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, có phương án bố trí cán bộ đủ năng lực và phẩm chất đạo đức làm việc tại các bộ phận tiếp nhận và giải quyết TTHC, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách TTHC.
(Nhân Dân 8/4/2014)