(napa.vn) – Sáng ngày 16/5/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Công nghệ và Thư viện, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm với chủ đề “Sách trong tiến trình 65 năm xây dựng và phát triển Học viện Hành chính Quốc gia: Tác giả – Tác phẩm”.
Quang cảnh chương trình giao lưu, giới thiệu sách.
Tham dự chương trình, có PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; TS. Vũ Thanh Xuân, nguyên Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Thư viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị của Học viện cùng các em sinh viên, học viên đang học tập, nghiên cứu tại Học viện.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Thư viện phát biểu khai mạc chương trình giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Thư viện cảm ơn sự tham gia đông đảo của các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Học viện, chương trình nằm trong chùm hoạt động chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Học viện (29/5/1959-29/5/2024). Chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm với nhân vật chính là PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu, tác giả của cuốn sách: “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn”. PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học, như: giáo trình, sách chuyên khảo, đề tài khoa học, bài báo, tạp chí… chứa đựng nhiều thông tin hữu ích, là tài liệu tham khảo được rất nhiều độc giả, các thầy, cô, nhà khoa học, các bạn học viên, sinh viên tìm đọc.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện chia sẻ về cuốn sách “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn”.
Phát biểu tại chương trình, với tư cách một tác giả, một người yêu sách, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu mong muốn, chương trình giao lưu, giới thiệu sách sẽ mở ra văn hóa đọc cho các em học viên, sinh viên và các thầy, các cô. Những độc giả, những người yêu sách, quan tâm đến chương trình này không chỉ trở thành những đại sứ văn hóa đọc mà còn biến văn hóa đọc trở thành một hiện tượng tự thân, trở thành hơi thở cuộc sống của các thầy, các cô, các em sinh viên.
Về cuốn sách “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn”, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu chia sẻ góc nhìn và hoàn cảnh ra đời của cuốn sách, nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp trong đời sống của mỗi quốc gia. Hiến pháp quy định những vấn đề cốt lõi, nền tảng nhất của quốc gia, như chế độ chính trị; chế độ kinh tế; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… Với vai trò và nội dung quan trọng như vậy, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của bất kỳ nhà nước hiện đại nào và luôn luôn có vị trí tối thượng trong đời sống nhà nước và xã hội. Vì vậy, Hiến pháp cần phải được tôn trọng, bảo đảm thực hiện và được bảo vệ, chống lại mọi sự xâm phạm có thể gây ra bởi mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân. Hoạt động bảo vệ Hiến pháp không chỉ có ý nghĩa bảo đảm hiệu lực tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật và hành vi của các cơ quan nhà nước, mà còn có vai trò to lớn trong việc bảo vệ các quyền và tự do của công dân. Ở Việt Nam, trải qua hơn 70 năm phát triển, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đều khẳng định vị trí tối cao của Hiến pháp, nghiêm chỉnh chấp hành và đề ra yêu cầu tôn trọng, bảo vệ Hiến pháp.
Cuốn sách “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay – Lý luận và thực tiễn” gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về bảo vệ Hiến pháp, cơ chế bảo vệ Hiến pháp; Chương 2: Thực trạng bảo vệ hiến pháp, cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam; Chương 3: Quan điểm, giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay. Nội dung cuốn sách đề cập, phân tích những vấn đề lý luận về bảo vệ Hiến pháp, về cơ chế bảo vệ Hiến pháp; hệ thống hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ Hiến pháp; phân tích mô hình cơ chế bảo hiến ở một số nước trên thế giới và những bài học kinh nghiệm, các yếu tố hợp lý có thể tiếp thu trong xây dựng cơ chế bảo hiến ở Việt Nam; đánh giá thực tiễn việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ Hiến pháp, thực trạng xây dựng, thực thi cơ chế bảo vệ Hiến pháp qua các thời kỳ từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay; trên cơ sở đó, đề xuất, luận giải tính khả thi của các giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta phù hợp với Hiến pháp năm 2013; kiến nghị mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở nước ta: tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ với các cơ quan khác của Nhà nước. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ học tập, nghiên cứu của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và bạn đọc quan tâm đến bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay, đồng thời là nguồn thông tin hữu ích đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu và sinh viên chia sẻ tại chương trình.
Tham gia chương trình giao lưu, các em sinh viên đã có nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến việc đọc sách và chia sẻ niềm yêu thích sách đối với tác giả, Phó Giám đốc Học viện PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu. Nhân dịp này, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu đã trao tặng sách và chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu, sinh viên tham dự chương trình.
PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện tặng sách và chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự chương trình giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Trưng bày sách tại chương trình giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Như Ngọc