Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Học viện Hành chính Quốc gia

(napa.vn) – Sáng ngày 12/12/2023, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn tại Học viện Hành chính Quốc gia”. PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo Học viện đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên, khu vực Miền Trung.

z4968805071308_946bcf4c502eb4dc09ad7616aa7d8ce0

Toàn cảnh buổi  Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có: TS. Đặng Văn Huấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Đoàn Tố Uyên, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện, cùng đông đảo cán bộ, viên chức, giảng viên.

z4968804607475_1b1262a9977e2764cc438084f413cbb4

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và các Thầy giáo, Cô giáo đến từ các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, các thành viên của Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện để cùng trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đưa ra những sáng kiến, giải pháp trong tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực hành chính cho xã hội.

Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng vừa là bước chuyển bắt buộc và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người học trong bối cảnh hiện nay. Mỗi cơ sở giáo dục  đại học cần có chiến lược đổi mới để xây dựng và tổ chức đào tạo bảo đảm chất lượng, đồng thời làm rõ khung lý luận, pháp lý và đánh giá thực tiễn triển khai về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ thạc sĩ.

Với mục tiêu đó, Hội thảo mong nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung:

(1) Xác lập rõ khung cơ sở lý luận và pháp lý về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

(2) Tiếp cận trong xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng.

(3) Những thuận lợi, khó khăn và thách thức khi tiếp cận mới trong xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

(4) Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra trong tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

(5) Cơ chế, chính sách trong phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

(6) Kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và Quốc tế về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, đề xuất mô hình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

 (7) Định hướng công tác bảo đảm chất lượng trong đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng.

(8) Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia.

z4968804606977_003f86ad03f2b0a7d5456c1c55e91c3b

 TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo Học viện trình bày tham luận.

Với tham luận “Định hướng chiến lược phát triển đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng tại Học viện Hành chính Quốc gia”, TS. Lê Thanh Huyền khẳng định: Đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng đã được triển khai thành công ở nhiều trường đại học trên thế giới và xu hướng đào tạo này ngày càng khẳng định tính ưu việt trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Với đặc trưng đào tạo theo định hướng ứng dụng nhấn mạnh vào đào tạo thực tế gắn với yêu cầu của các ngành công nghiệp và các ngành kinh tế. Giáo dục theo tiêu chuẩn đầu ra, cung cấp cho người học kiến thức chuyên ngành và liên ngành, kỹ năng thực hành nghề nghiệp được rèn luyện trong môi trường thực tập thực tế tại doanh nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức khoa học và kỹ thuật được chú trọng giảng dạy và những kỹ năng mềm được tích hợp để học tập suốt đời. Đặc trưng của định hướng nghề nghiệp ứng dụng là mối quan hệ chặt chẽ với thế giới việc làm, thể hiện trong toàn bộ hoạt động của Nhà trường. Chương trình đào tạo được dựa trên hồ sơ năng lực nghề nghiệp, xây dựng thông qua ý kiến khảo sát của nhà tuyển dụng và nghiên cứu nhu cầu của thế giới việc làm một cách có hệ thống.

TS. Lê Thanh Huyền đã đề xuất 5 giải pháp chiến lược góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng cho Học viện Hành chính Quốc gia. Đó là:

(1) Đổi mới tư duy quản lý giáo dục đại học;

(2) Hoàn thiện và chuẩn hóa chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng;

(3) Xây dựng lộ trình kiểm định chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng;

(4) Phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới trong đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng;

(5) Quốc tế hóa giáo dục.

 z4968804610656_db4530690519c7c4a656c17c97da9d5e

 TS. Đặng Văn Huấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận.

TS. Đặng Văn Huấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo với tham luận “Đào tạo trình độ thạc sĩ tại Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh mới: Đổi mới và hội nhập quốc tế” đã liên hệ và định hướng cho việc phát triển các chương trình MPA tại Học viện Hành chính Quốc gia với tích thực tiễn đào tạo thạc sĩ quản lý hành chính công (MPA) tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, qua đó đề xuất Học viện nghiên cứ và triển khai mô hình đào tạo các chương trình EMPA với các đặc điểm: đối tượng là cán bộ đã có vị trí quản lý, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên và có thâm niên công tác từ 10 năm trong khu vực công; yêu cầu thi tuyển đầu vào giảm bớt điều kiện cho nhiều học viên tham gia hơn; thời gian học ngắn hơn, linh hoạt hơn, số học phần ít hơn để tạo điều kiện cho học viên sắp xếp thời gian học; khảo sát, đánh giá để lựa chọn các chuyên đề phù hợp và thiết thực với nhu cầu công việc của đối tượng học chương trình EMPA; đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó khuyến khích mời các chuyên gia thực tiễn trong khu vực công tham gia giảng dạy một số tiết trong các môn học; đổi mới phương pháp đánh giá, giáo viên tăng cường hướng dẫn luận văn cuối kỳ, bài thi cuối kỳ và áp dụng phương pháp thi mở tài liệu…

TS. Đặng Văn Huấn cũng đề xuất Học viện Hành chính Quốc gia đổi mới phương thức đào tạo sau đại học, như: thiết kế chương trình đào tạo cần dựa vào nhu cầu công việc thực tế của công chức, viên chức và yêu cầu đổi mới trong khu vực công bao gồm việc xác định rõ năng lực nghề nghiệp cho từng vị trí việc làm; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo bao gồm các kiến thức, kỹ năng, năng lực; hệ thống hóa các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn theo chuyên ngành, các chuyên ngành lĩnh vực chuyên sâu đặc thù trong chương trình thạc sĩ; tăng cường tính liên thông, liên khoa, liên ngành trong Học viện để học viên lựa chọn các môn học một cách linh hoạt, được học những môn học phù hợp với nhu cầu mà không bị đóng khung trong một chương trình cứng cho tất cả học viên; cân đối các hợp phần kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm thực tiễn trong môn học, cần nghiên cứu để có một tỷ trọng phù hợp; chú trọng thiết kế các dự án thực tiễn cuối khóa để gắn lý thuyết với thực hành, ứng dụng vào công việc thực tế hàng ngày của từng cá nhân học viên; chú trọng hơn trong việc thiết kế các chương trình thực tế cho các lớp MPA một cách bài bản, hiệu quả và thiết thực, tránh hình thức và phải gắn với các nội dung và yêu cầu học tập; ở mức độ cao thiết kế các chương trình EMPA cho các tổ chức khách hàng tiêng biệt…

 z4968804611634_a36e1829cf8ab24308e336f14e5021aa

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được 30 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài Học viện. Trên cơ sở đó, Ban biên tập kỷ yếu hội thảo đã biên tập và lựa chọn những bài tham luận có chất lượng, thực sự phù hợp với mục tiêu Hội thảo. Các nội dung tham luận được thể hiện tập trung vào những vấn đề cơ bản như sau:

- Nhận diện thực trạng tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng ở Học viện Hành chính Quốc gia; những đặc thù khi tổ chức đào tạo gắn với khu vực, địa bàn của từng địa phương trong cả nước;

- Trao đổi những vấn đề lý luận và pháp lý về đào tạo trình độ thạc sĩ theo định;

hướng ứng dụng; Cơ sở lý luận về tiếp cận và xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng;

- Chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng;

- Xác định được trách nhiệm của người giảng viên- đội ngũ nòng cốt của cơ sở đào tạo trong triển khai giảng dạy-nghiên cứu theo định hướng ứng dụng; Đề xuất những giải pháp căn bản để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên theo yêu cầu mới;

- Đề xuất những giải pháp căn bản trong khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ đó là chiến lược kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; cải tiến và hoàn thiện các điều kiện đảm bảo tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ở Học viện Hành chính Quốc gia;

- Đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên giảng dạy, nghiên cứu và học tập theo đào tạo trình độ thạc sĩ;

Những nội dung nêu trên rất có giá trị khoa học và thực tiễn, sẽ giúp cho đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên và đặc biệt là Ban Giám đốc Học viện sẽ có những giải pháp phù hợp trước những thách thức và kỳ vọng trong chiến lược đào tạo trình độ thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia.

 z4968808797405_15efa94838da33199764ea5228a1eae4

PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu bế mạc Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường trân trọng cảm ơn các ý kiến chia sẻ, trao đổi của các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo sẽ góp phần đem lại những định hướng phù hợp và những giải pháp căn bản, việc triển khai đào tạo theo định hướng ứng dụng sẽ đạt hiệu quả và chất lượng đào tạo, khẳng định rõ hơn vị thế của Học viện Hành chính Quốc gia trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao.

z4968804611162_2e5901420acab6d037f3274f8b690bcb

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phạm Hải Long

Comments are closed.