(Chinhphu.vn) – Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định về Quy chế khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 18/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 161/2003/NĐ-CPvề Quy chế khu vực biên giới biển. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị định đã phát huy tác dụng tốt.
Tuy nhiên, do Nghị định 161/2003/NĐ-CP ban hành từ năm 2003, trước sự phát triển của tình hình kinh tế – xã hội và yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, một số quy định không còn phù hợp, nảy sinh vướng mắc như: Trách nhiệm xây dựng, quản lý bảo vệ khu vực biên giới biển của các cấp, các ngành, các lực lượng quy định trong Nghị định còn thiếu cụ thể; nhiều hoạt động của người, tàu thuyền, phương tiện ở khu vực biên giới biển chưa được quy định chặt chẽ, thống nhất, tính khả thi không cao; nhiều quy định lạc hậu so với tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đối với người, phương tiện xuất nhập cảnh, ra vào, hoạt động trong các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc phạm vi khu vực biên giới biển.
Theo Bộ Quốc phòng, để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển, vùng biển, đảo, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo Việt Nam phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 161/2003/NĐ-CP là cần thiết.
Quy định người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới biển
Bộ Quốc phòng đã dự thảo Nghị định mới bao gồm 4 chương, 29 điều quy định rõ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển; trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển.
Theo dự thảo, công dân Việt Nam (trừ công dân có hộ khẩu thường trú ở khu vực biên giới biển) vào khu vực này phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật; nếu ở qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã.
Thuyền trưởng, máy trưởng khi điều khiển tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên phải có chứng chỉ chuyên môn, Sổ thuyền viên theo quy định của pháp luật và bảo hiểm thuyền viên; trường hợp mang theo vũ khí phải có Giấy phép sử dụng vũ khí.
Tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các loại giấy tờ (bản chính) như: 1- Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; 2- Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền; 3- Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật theo quy định; 4- Biển số đăng ký theo quy định; 5- Danh sách thuyền viên hoặc sổ thuyền viên (đối với tàu cá); 6- Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện; 7- Giấy tờ liên quan đến hàng hóa trên tàu thuyền; 8- Giấy phép khai thác thủy sản (đối với tàu có trọng tải từ 0,5 tấn trở lên).
Trường hợp tàu cá Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, ngoài giấy tờ theo quy định trên phải có Hợp đồng khai thác thủy sản giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân của quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, ngoài các giấy tờ quy định trên, người, phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật; xuất trình giấy tờ và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Dự thảo nêu rõ, các phương tiện đường bộ hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh, xây dựng, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường trong phạm vi xã, phường khu vực biển giới biển (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) từ 10 ngày trở lên, cơ quan, tổ chức, chủ phương tiện phải thông báo bằng văn bản cho Đồn Biên phòng sở tại về số lượng người, phương tiện, biển kiểm soát, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.
Tuệ Văn