Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia trình bày bài nghiên cứu tại Hội nghị AAPA-EROPA-AGPA-IAPA

(napa.vn) – Chiều ngày 06/11/2024, tại Hội nghị AAPA-EROPA-AGPA-IAPA được tổ chức ở Yogygakarta, Indonesia, TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, TS. Hoàng Vĩnh Giang, và TS. Nguyễn Thi Kim Chung, Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia đã trình bày tham luận tại phiên hội thảo đồng thời số 38, 39 về chủ đề “Hành chính công trong thế giới VUCA”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Tổ chức hành chính Miền đông Thế giới tham dự và theo dõi các phiên trình bày của giảng viên Học viện và báo cáo viên quốc tế.

1

Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia và báo cáo viên quốc tế tại phiên hội thảo đồng thời số 38 chụp ảnh lưu niệm với PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Điều hành Tổ chức hành chính Miền Đông Thế giới.

2

TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia trình bài tham luận tại phiên hội thảo đồng thời số 39.

Tham luận với chủ đề đề “Giải pháp kết hợp sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong cung ứng dịch vụ hành chính công – tình huống của Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế, Học viện Hành chính Quốc gia giới thiệu phương thức kết hợp sử dụng dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến trong cung cấp dịch vụ hành chính công. Bài tham luận nhấn mạnh tới phương thức cung ứng dịch vụ hành chính công lấy người dùng làm trung tâm. Theo đó, dịch vụ bưu chính công ích hỗ trợ chuyển yêu cầu dịch vụ của người dùng tới các cơ quan có thẩm quyền và trả kết quả xử lý yêu cầu dịch vụ tới người dùng. Dịch vụ bưu chính công ích như cầu nối đưa dịch vụ hành chính công đến với người dùng không thể đến cơ quan có thẩm quyền cung cấp dịch vụ hoặc không thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kết hợp sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong cung cấp dịch vụ hành chính công thể hiện tính sáng tạo trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả, công bằng, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ. Bài tham luận cũng đề xuất áp dụng cách tiếp cận tư duy thiết kế trong cung ứng dịch vụ công lấy người dùng làm trung tâm và để thiết kế các giải pháp đổi mới, sáng tạo, giải quyết hiệu quả các vấn đề trong cung ứng dịch vụ hành chính công.

3

TS. Hoàng Vĩnh Giang, Phó Trưởng bộ môn, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

TS. Hoàng Vĩnh Giang, Phó Trưởng bộ môn, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: “Nghiên cứu khám phá về cách công chức Việt Nam đối mặt với những thách thức trong thế giới VUCA”. TS. Hoàng Vĩnh Giang cho biết, trong lý thuyết của Max Weber, mô hình hành chính truyền thống thường mang đến sự ổn định, tính nhất quán nhờ các nguyên tắc cứng nhắc và sự kiểm soát theo chiều dọc. Tuy nhiên, những đặc tính này gây ra những hạn chế, đặc biệt trong một thế giới không ngừng thay đổi, nơi mà các yêu cầu về tính linh hoạt, khả năng đổi mới và phản ứng nhanh trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đối mặt với nghịch lý này, công chức phải cân bằng giữa việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và yêu cầu linh hoạt đáp ứng những thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn. Thông qua phỏng vấn sâu với công chức tại nhiều vị trí và khu vực khác nhau ở Việt Nam, nghiên cứu đã khám phá các chiến lược mà công chức sử dụng để giải quyết mâu thuẫn giữa sự cứng nhắc của bộ máy hành chính và nhu cầu đổi mới, thích nghi. Bằng cách đi sâu vào bối cảnh quản lý công của Việt Nam, kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần làm rõ cách các công chức thực thi công vụ trước áp lực của thế giới VUCA mà còn đưa ra những đề xuất nhằm cải thiện khả năng ứng phó và hiệu quả của khu vực công. Đồng thời, nghiên cứu cũng cung cấp những dữ liệu thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà cải cách trong việc xây dựng một hệ thống hành chính công linh hoạt và hiệu quả hơn, sẵn sàng đối mặt với các thách thức của quản trị hiện đại.

4

TS. Nguyễn Thị Kim Chung, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

TS. Nguyễn Thị Kim Chung, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận: Quản trị tốt và Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”. Khẳng định quản trị tốt và nhà nước pháp quyền là những nguyên tắc nền tảng cho sự phát triển bền vững, TS. Nguyễn Thị Kim Chung đề xuất Việt Nam cần tập trung vào 8 khía cạnh chính trong quản trị tốt, bao gồm: trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, khả năng đáp ứng, công bằng và toàn diện, hiệu lực và hiệu quả, nhà nước pháp quyền, sự tham gia, định hướng theo ý thức để đạt được quản trị tốt. Đồng thời, TS. Nguyễn Thị Kim Chung cũng chỉ ra những ảnh hưởng cụ thể giữa quản trị tốt và nhà nước pháp quyền; quản trị tốt và minh bạch, phòng, chống tham nhũng; quản trị tốt và sự tham gia của người dân; quản trị tốt và trách nhiệm giải trình. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của Nhà nước pháp quyền trong việc đảm bảo quản trị tốt; tham nhũng đã làm suy yếu nghiêm trọng nhà nước pháp quyền và hậu quả của tham nhũng đã ảnh hưởng đến quản trị tốt. Nghiên cứu này cung cấp những dữ liệu thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Các bài trình bày trong phiên hội thảo đồng thời của giảng viên Việt Nam đã nhận được sự quan tâm sâu sắc từ đông đảo các học giả tham dự. Những câu hỏi đặt ra tại hội thảo cho thấy mối quan tâm lớn về cách thức hành chính công ứng phó với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh biến động hiện nay. Đồng thời, thảo luận xoay quanh việc làm thế nào để nâng cao tính linh hoạt, đổi mới trong quản trị, cũng như cách thức áp dụng công nghệ và dữ liệu lớn vào quá trình quản lý nhà nước hiện nay.

Ban Hợp tác quốc tế

Comments are closed.