Sáng ngày 25/12/2018, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giảng viên quản lý nhà nước (QLNN) năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. TS. Đặng Xuân Hoan – Giám đốc Học viện và TS. Vũ Thanh Xuân – Phó Giám đốc Học viện đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có: đồng chí Trần Trung Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), Bộ Nội vụ; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các cơ sở, phân viện, khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện cùng toàn thể cán bộ, viên chức Ban Quản lý Bồi dưỡng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh, ĐTBD CBCCVC nói chung, bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN nói riêng là những hoạt động trọng tâm, chủ yếu góp phần khẳng định thương hiệu của Học viện Hành chính Quốc gia. Trong bối cảnh mới, với mục tiêu đặt trọng tâm vào nhiệm vụ bồi dưỡng, hoạt động bồi dưỡng CBCCVC nói chung và bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL nói riêng trong năm 2018 của Học viện đã có nhiều khởi sắc với sự tăng lên đáng kể về số lượng và chất lượng các lớp được tổ chức.
Giám đốc Học viện đề nghị, thông qua Hội nghị này, các đại biểu tham dự phát huy trí tuệ tập thể, tập trung đánh giá về thực trạng bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN năm 2018, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó, đề xuất các giải pháp về cơ chế để nâng cao số lượng và chất lượng các lớp bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN, đồng thời đề xuất các ý kiến nhằm tiếp tục xây dựng chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng và tương đương trong thời gian tới.
Thay mặt lãnh đạo Ban Quản lý bồi dưỡng, ThS. Tống Đăng Hưng – Phó Trưởng Ban đã trình bày Báo cáo thực trạng tổ chức quản lý hoạt động bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giảng viên QLNN năm 2018 của Học viện. Theo đó, trong năm 2018, Học viện đã mở được 65 lớp với 2.931 học viên tham gia (trong đó các lớp theo ngân sách là: 29 lớp với 1.070 học viên tham gia). Bên cạnh việc đánh giá những thuận lợi, Báo cáo cũng nêu rõ những khó khăn đối với công tác tổ chức, quản lý hoạt động bồi dưỡng đối với các loại hình bồi dưỡng này, cụ thể như: chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn về công tác bồi dưỡng; tính ổn định của nội dung chương trình bồi dưỡng chưa cao; đội ngũ giảng viên, báo cáo viên còn mỏng; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình tổ chức lớp còn chưa kịp thời, nhịp nhàng; cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động giảng dạy còn hạn chế,… Từ đó, Báo cáo cũng đề xuất các phương hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Tại Hội nghị, đại diện Vụ ĐTBD CBCCVC, Bộ Nội vụ; các cơ sở, phân viện, khoa, ban, đơn vị trực thuộc Học viện đã trình bày các tham luận và tích cực trao đổi về các mặt hoạt động liên quan tới công tác ĐTBD CBCCVC của Học viện nói chung, hoạt động bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN nói riêng.
Nhìn chung, các ý kiến ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển về số lượng và chất lượng của các lớp bồi dưỡng đối với các loại hình bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về các định hướng lớn trong việc đổi mới hoạt động bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL của Học viện trong bối cảnh mới, đồng thời đề xuất các giải pháp trên nhiều mặt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương tình bồi dưỡng, như: về thể chế, tổ chức; cơ chế tài chính; công tác lập kế hoạch và xây dựng dự toán các lớp bồi dưỡng; thanh toán, quyết toán và cung cấp tài liệu học tập cho các lớp bồi dưỡng,…
Kết thúc Hội nghị, thay mặt Ban Giám đốc Học viện, TS. Vũ Thanh Xuân đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi và góp ý của các đại biểu tham dự, đồng thời kết luận một số nội dung quan trọng về công tác bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN của Học viện.
Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ mà các cơ sở, phân viện, khoa, ban, đơn vị có liên quan trong Học viện cần chủ trì hoặc phối hợp đề xuất thực hiện, trong đó: (1) Tập trung xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về ĐTBD nói chung, bồi dưỡng theo chức vụ LĐQL và bồi dưỡng giảng viên QLNN nói riêng; (2) Tập trung lấy ý kiến và hoàn thiện quy chế về phân công, phối hợp giữa đơn vị chịu trách nhiệm quản lý công tác ĐTBD của Học viện và các cơ sở, phân viện trực thuộc Học viện; (3) Tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng LĐQL cấp huyện, cấp sở, cấp vụ và chương trình bồi dưỡng giảng viên QLNN, cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng và tương đương; (4) Xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai công tác bồi dưỡng; (5) Tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng theo đúng các tiêu chuẩn đã được quy định; (6) Tiến hành triển khai việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng theo Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng CBCCVC…
Đoàn Kim Huy