Hội đồng thẩm định chính thức Chương trình bồi dưỡng về Chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức

(napa.vn) – Chiều ngày 17/9/2021, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức họp Hội đồng Thẩm định chính thức Chương trình bồi dưỡng về Chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi thẩm định.

PGS.TS. Lương Thanh Cường

PGS.TS. Lương Thanh Cường chủ trì Hội đồng thẩm định.

Buổi thẩm định được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên phần mềm Zoom.

Tham gia buổi thẩm định có các ông, bà thành viên Hội đồng Thẩm định; Ban Soạn thảo Chương trình bồi dưỡng về Chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức.

PGS.TS. Ng Thị Thu Vân 1

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân báo cáo tại Hội đồng.

Thay mặt Ban Soạn thảo Chương trình, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng khoa, Khoa Văn bản và Công nghệ hành chính đã trình bày quá trình xây dựng chương trình và tóm tắt những nội dung cơ bản của Chương trình bồi dưỡng về Chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức.

Với mục tiêu trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức về chính phủ điện tử, chính phủ số; kỹ năng ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, Chương trình bồi dưỡng về Chính phủ điện tử giúp trang bị, cập nhật và nâng cao kiến thức về chính phủ điện tử, chính phủ số, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam; trang bị và nâng cao những kỹ năng ứng dụng công nghệ số phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam, hình thành phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ, công chức, viên chức.

Các chuyên đề trong Chương trình bồi dưỡng đều bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam, tập trung vào những nội dung cơ bản của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Chương trình dự kiến có 04 chuyên đề chính: Chuyên đề 1: Chính phủ điện tử và chính phủ số trong quản trị quốc gia hiện đại; Chuyên đề 2: Cung ứng dịch vụ công trong chính phủ điện tử và chính phủ số; Chuyên đề 3: Dữ liệu số của cơ quan nhà nước và an toàn, bảo mật thông tin; Chuyên đề 4: Kỹ năng số của cán bộ, công chức; 02 Chuyên đề báo cáo tự chọn.

Sau buổi thẩm định cấp cơ sở ngày 03/9/2021, Ban Soạn thảo đã tiến hành chỉnh sửa Chương trình theo các ý kiến đã được tiếp thu.

Tại buổi thẩm định, các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý cho Chương trình.

1.TS. Chu Xuân Khánh

TS. Chu Xuân Khánh, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Phản biện 1 phát biểu tại buổi thẩm định.

Đa số các ý kiến góp ý đều đánh giá cao tính phù hợp, tính khoa học, tính cân đối, tính ứng dụng của Chương trình; nội dung Chương trình thiết kế phù hợp; hình thức trình bày khoa học, sử dụng ngôn ngữ chính xác. Thời gian thực hiện Chương trình 5 ngày là phù hợp.

Đồng thời, Chương trình có sự cập nhật so với thực tiễn; nội dung chương trình cơ bản cân đối với thời gian khóa bồi dưỡng; mỗi chuyên đề trong Chương trình có thời lượng 8 tiết, thời lượng lý thuyết và thảo luận là 04 tiết cho mỗi chuyên đề. Cách phân bổ này bảo đảm tính cân đối giữa lý thuyết và thực hành.

2. TS. Ng Đình Lợi

TS. Nguyễn Đình Lợi, Phó Trưởng phòng, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ, Phản biện 2 phát biểu tại buổi thẩm định.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng đã có nhiều ý kiến nhằm bổ sung, hoàn thiện nội dung Chương trình như: làm rõ thêm một số khái niệm trong Chương trình để tránh nhầm lẫn và thống nhất chung trong toàn Chương trình; kiến nghị kết cấu lại một số nội dung cho phù hợp và đảm bảo tính logic; cân đối giữa các chuyên đề; kiến nghị chỉnh sửa một số lỗi kỹ thuật về trình bày…

3. TS. Lại Đức Vượng

TS. Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức – Bộ Nội vụ, Phản biện 3 phát biểu tại buổi thẩm định.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến phát biểu của các thành viên trong Hội đồng, PGS.TS. Lương Thanh Cường đã kết luận một số nội dung sau: các thành viên Hội đồng cơ bản có những ý kiến thống nhất với nhau. Hội đồng đánh giá dự thảo Chương trình bồi dưỡng về Chính phủ điện tử cơ bản đáp ứng được yêu về về nội dung chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức; Hội đồng nhất trí cơ bản về khung chương trình với đối tượng là cán bộ, công chức; thời lượng 40 tiết là phù hợp với Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Dự thảo Chương trình bảo đảm thính thống nhất giữa mục tiêu, yêu cầu với đối tượng bồi dưỡng, kết cấu cơ bản logic, khoa học, phù hợp với đối tượng và thời lượng bồi dưỡng. Các chuyên đề đã cơ bản được chỉnh sửa theo góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định và các nhà khoa học trong các Hội thảo và buổi thẩm định cấp cơ sở trước đây.

Các thành viên Hội đồng cũng đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ thêm một số nội dung, như: cân nhắc thu gọn Chuyên đề 1 (Chính phủ điện tử và chính phủ số trong quản trị quốc gia hiện đại); Chuyên đề 2 cơ cấu lại cho rõ hơn những vấn đề về dịch vụ công; Chuyên đề 3: thống nhất cách dùng khái niệm dữ liệu số/ dữ liệu mở, thu gọn vấn đề an toàn bảo mật thông tin với tấn công mạng và giải pháp, cân nhắc các vấn đề về kỹ năng số; bổ sung định hướng cho các chuyên đề báo cáo; rà soát lại các từ ngữ chuyên ngành, các lỗi kỹ thuật…

Với những nội dung Hội đồng đề nghị, Ban Soạn thảo sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa; sớm báo cáo Giám đốc Học viện để trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt.

Tại buổi thẩm định, 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua Chương trình, có chỉnh sửa, bổ sung./.

Một số hình ảnh tại buổi thẩm định:

4. TS. Trần Nghị

TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi thẩm định.

5. TS. Đoàn Văn Dũng

TS. Đoàn Văn Dũng, Trưởng phòng, Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại buổi thẩm định.

6. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội, Thành viên Ban Soạn thảo phát biểu tại buổi thẩm định.

Đại biểu

Các đại biểu tham dự Hội đồng Thẩm định qua phầm mềm Zoom.

Như Ngọc

Comments are closed.