Sáng ngày 12/6/2019, tại Hà Nội, Học viện tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia. TS. Đặng Xuân Hoan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các Phó Giám đốc Học viện: TS. Vũ Thanh Xuân, PGS.TS. Lương Thanh Cường, TS. Nguyễn Đăng Quế; các ủy viên Hội đồng Khoa học – Đào tạo của Học viện; lãnh đạo một số đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các khoa, ban đơn vị thuộc Học viện.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của Học viện trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của quốc gia. Đồng thời, nêu bật những yêu cầu đặt ra đối với Học viện trong bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, tại Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016, Học viện được định hướng xây dựng để trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm khu vực. Do đó, Giám đốc Học viện khẳng định, việc xây dựng chiến lược phát triển Học viện trong bối cảnh hiện nay là việc làm hết sức cần thiết nhằm phát huy thành tựu, tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện tương xứng với vai trò, vị thế và phù hợp với tình hình cụ thể trong bối cảnh phát triển của đất nước.
Thay mặt Ban soạn thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường – Phó Giám đốc Học viện đã báo cáo khái quát về các nội dung chính của Dự thảo Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia. Qua đó, đề nghị các đại biểu tham dự tích cực đóng góp ý kiến để bổ sung về các nội dung có liên quan đến cấu trúc, nội dung và thẩm quyền ban hành chiến lược.
Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia do Ban soạn thảo xây dựng. Nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc xây dựng Chiến lược phát triển của Học viện cho giai đoạn tiếp theo trong bối cảnh Học viện tròn 60 năm xây dựng và phát triển là hết sức cần thiết. Đây được coi như sự tuyên bố về sứ mệnh phát triển của Học viện trong giai đoạn mới, đồng thời, còn là cơ sở để xây dựng các kế hoạch hoạt động ngắn hạn và dài hạn của Học viện trong từng giai đoạn cụ thể.
Về nội dung của chiến lược, các đại biểu đã đưa ra nhiều góp ý về sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu hoạt động của Học viện trên cơ sở gắn liền với các căn cứ chính trị và pháp lý, đặc biệt là theo vị trí đã được quy định tại Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Học viện được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ. Chức năng, nhiệm vụ của Học viện được xác định là đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước. Do đó, các nội dung hoạt động của chiến lược phát triển cần được xây dựng, phát triển trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ đã được xác định.
Một số ý kiến cũng cho rằng, các mục tiêu cụ thể cần rõ hơn, lượng hóa hơn trong các tiêu chí trên cơ sở căn cứ vào Chiến lược phát triển Ngành nội vụ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 2823/QĐ-BNV ngày 01/12/2017. Cũng có nhiều đại biểu nhấn mạnh tới việc, cần đánh giá khách quan về các điều kiện hiện trạng của Học viện, từ đó có căn cứ để xây dựng các giải pháp và chỉ tiêu dự báo, qua đó mới bảo đảm tính khả thi của chiến lược.
Một số đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Nội vụ theo phương châm gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả ở một số nước như: Nhật Bản và Xinh-ga-po để Học viện nghiên cứu, tham khảo.
Về hình thức, các đại biểu cũng đưa ra nhiều góp ý về kết cấu, bố cục của dự thảo Chiến lược, song nhìn chung, các ý kiến đề xuất nên điều chỉnh lại theo hướng bảo đảm ngắn gọn, súc tích và bao quát. Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi nhằm làm rõ các mốc thời gian của Chiến lược và phương án đề xuất về thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.
Kết thúc Hội thảo, thay mặt Ban soạn thảo xây dựng Đề án Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia, PGS.TS. Lương Thanh Cường trân trọng cám ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong quá trình hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia. Sau khi hoàn thiện, báo cáo Giám đốc, Đảng ủy xin ý kiến và trình lãnh đạo Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến theo đúng quy trình và bảo đảm đúng tiến độ./.
Đoàn Kim Huy