Hội thảo khoa học: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả ở Việt Nam”

(napa.vn) – Sáng ngày 07/10/2022, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả ở Việt Nam”. 

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính và TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; PGS.TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; ông Trần Văn Thiết, chuyên viên cao cấp, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương; TS. Nguyễn Trung Trường, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Học viện; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, phân viện thuộc và trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài Học viện.

6L9A5979

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Khẳng định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là chủ trương lớn, được xác định là một những mục tiêu trọng tâm tại Đại hội XIII của Đảng; xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả luôn là yêu cầu đặt ra trong xây dựng nhà nước pháp quyền của các quốc gia trên thế giới nói chung, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng; phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê mong muốn Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận, đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn nhằm nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn với nhiều giác độ tiếp cận, từ đó tạo cơ sở khoa học cho việc định hướng, đề xuất những giải pháp và xác định rõ những yêu cầu trong thực hiện đổi mới hoạt động của nhà nước, hướng tới mục tiêu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả.

Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận cùng nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của các nhà khoa học.

6L9A5987

GS.TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo về chủ đề: “Quản trị quốc gia và vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quản trị quốc gia ở nước ta”, GS.TS. Trần Ngọc Đường khẳng định Nhà nước là chủ thể duy nhất được toàn thể Nhân dân ủy quyền, Nhân dân chính thức giao quyền sử dụng sức mạnh của quyền lực nhà nước về lập pháp, hành pháp, tư pháp và cả sức mạnh về nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, trong quản trị quốc gia với nhiều chủ thể, đa nguồn lực thì tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải được đổi mới theo định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

6L9A5990

PGS.TS. Văn Tất Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận: “Những vấn đề lý luận về đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả”, PGS.TS. Văn Tất Thu đã luận giải, làm rõ những nội dung về khái niệm, sự cần thiết, quan điểm, nhiệm vụ đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên chính thức sử dụng khái niệm “quản trị nhà nước” và đưa ra khái niệm “quản trị quốc gia”. Thực chất của quản trị quốc gia là quản trị nhà nước có ý nghĩa, tầm quan trọng quốc gia. Đổi mới quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong các chiến lược đổi mới, sáng tạo, thiết thực nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay của quản trị nhà nước, đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm, như: đổi mới tư duy, nhận thức; xác định rõ mục tiêu đổi mới; xác định vai trò, nhiệm vụ của các chủ thể trong quá trình đổi mới; lựa chọn, sử dụng hợp lý các phương pháp quản trị cả truyền thống và hiện đại, trong đó đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ…

6L9A6002

TS. Nguyễn Ngọc Vân, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Đồng tình với các quan điểm về phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp thực hiện đổi mới quản trị quốc gia, TS. Nguyễn Ngọc Vân bổ sung, làm rõ thêm vấn đề hiệu lực, hiệu quả quản trị cần xem xét một cách hệ thống, toàn diện, phù hợp với đặc điểm, tình hình ở Việt Nam, trong đó đặc trưng cơ bản của quản trị quốc gia là đa chủ thể tham gia, với mục tiêu cuối cùng là đáp ứng lợi ích của toàn bộ các chủ thể. Vấn đề đặt ra hiện nay cần nhận diện nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiệu quả quản trị còn hạn chế, những kết quả đã đạt được chưa cao. Theo ông, nghiên cứu đổi mới quản trị nhà nước đối với ngành Nội vụ cần giải quyết 3 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Đổi mới công tác xây dựng và ban hành văn bản quản lý hành chính; (2) Đổi mới tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; (3) Đổi mới công tác cán bộ.

6L9A6042

Ông Trần Văn Thiết, chuyên viên cao cấp, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận: “Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, ông Trần Văn Thiết khẳng định quản trị quốc gia hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả là tiêu chí quan trọng của nhà nước pháp quyền, là hướng đi, mục tiêu, nhiệm vụ rất lớn cần phải đạt được trong thời gian tới. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quản trị quốc gia phải dựa trên cơ sở các dự báo, có tầm nhìn xa. Quản trị quốc gia hiện đại không chỉ là các cơ cấu hành chính, pháp lý được vận hành thông suốt, hiệu quả mà còn phải là nền tảng kiến tạo, mở đường cho đổi mới, sáng tạo, trong đó đặt ra mục tiêu xây dựng nền hành chính công hiệu quả, tinh gọn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, tài năng, trách nhiệm, với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.

6L9A6054

PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri đóng góp một số ý kiến làm cơ sở xác định yêu cầu, nội dung và định hướng tiếp tục đổi mới nền hành chính công của Việt Nam. Theo ông, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả xuất phát từ các yêu cầu: (1) Tiếp tục mở rộng dân chủ hóa nền hành chính công trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. (2) Xác định đổi mới hệ thống tổ chức hành chính nhà nước. (3) Khuynh hướng quốc tế hóa nền hành chính trong quá trình mở rộng quan hệ hội nhập quốc tế. (4) Xu thế hiện đại hóa nền hành chính.

6L9A6113

GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

6L9A6081

TS. Nguyễn Trung Trường, Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham luận tại Hội thảo.

6L9A6009

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu tại Hội thảo.

6L9A6107

ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các giảng viên, các nhà khoa học đã đóng góp ý kiến về các nội dung: thống nhất quan điểm của quản trị, hiểu rõ về ý nghĩa đích thực của quản trị; quản trị quốc gia hiệu quả cần xác định phạm vi, giới hạn quyền lực của nhà nước; mục đích nghiên cứu đổi mới quản trị quốc gia; những tiêu chí đánh giá quản trị quốc gia; kinh nghiệm quản trị quốc gia của các nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam…

6L9A6119

TS. Nguyễn Minh Sản Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã tập trung phân tích và làm rõ những vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn trong đổi mới quản trị quốc gia, xác định những yêu cầu trong thực hiện đổi mới hoạt động của nhà nước, hướng tới mục tiêu quản trị quốc gia hiện đại, cạnh tranh, hiệu quả. Những ý kiến đóng góp tâm huyết, tham luận toàn diện, có hệ thống sẽ là cơ sở khoa học rất có giá trị, phục vụ trực tiếp quá trình nghiên cứu và giảng dạy, cung cấp những luận cứ xác đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học tại Học viện trong thời gian tới./.

6L9A6030

Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.

Như Ngọc

Comments are closed.