Hội thảo khoa học: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn trong bối cảnh quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả”

(napa.vn) – Sáng ngày 15/7/2022, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Khoa học hành chính – Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn trong bối cảnh quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả” thuộc đề tài khoa học trọng điểm cấp Bộ năm 2022. 

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng và TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

IMG_9436

TS. Đặng Thành Lê và TS. Nguyễn Minh Sản đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu, khách mời có: ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; lãnh đạo một số Vụ của Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Thị Sửu, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế; Ông Trần Trung Kết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Định Phú, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên; Đại điện của 19 xã, thị trấn tham gia họp trực tuyến tại tỉnh Hà Tĩnh (huyện Kỳ Anh: Kỳ Châu, Kỳ Văn, Kỳ Xuân; huyện Đức Thọ: Tùng Châu), tỉnh Nghệ An (huyện Nghĩa Đàn: Nghĩa Hưng, Nghĩa Hồng,), tỉnh Tây Ninh (huyện Tân Châu: Tân Hội, thị trấn Tân Châu; Đảng ủy Thị trấn huyện Châu Thành; UBND thị trấn huyện Dương Minh Châu), tỉnh Hà Giang (xã Giàng Chu Phìn – huyện Mèo Vạc, Thị trấn Yên Phú – huyện Bắc Mê), tỉnh Ninh Bình (Đảng ủy xã Thượng Kiệm huyện Kim Sơn), tỉnh Long An (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng), thành phố Hồ Chí Minh (UBND Phường Cát Lái, Tp. Thủ Đức, UBND Phường 9, Quận 11).

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị, phân viện cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, viên chức trong và ngoài Học viện.

IMG_9422

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê cho biết, hiện nay Việt Nam có 63 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, 705 ĐVHC cấp huyện và 10.599 ĐVHC cấp xã (trong đó có 8.253 xã, 614 thị trấn, chiếm đến 83,7% ĐVHC cấp xã; với 185.447 cán bộ, công chức; đặc biệt có 3.434 xã, chiếm tỷ lệ 41,6% cấp xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Về mô hình quản lý hành chính, có 357 xã thuộc thành phố trực thuộc tỉnh, 299 xã thuộc thị xã và 7.599 xã thuộc huyện).

Định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả” là điểm mới, một nội dung trong đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 cũng xác định: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành”. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 xác định mục tiêu chung: “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Từ những yêu cầu trên, việc đổi mới về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn là yêu cầu cấp thiết, thời sự để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hội thảo được tổ chức nhằm kịp thời có những luận cứ khoa học, luận cứ thực tiễn phục vụ công tác đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính quyền địa phương ở xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả.

IMG_9426

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước, Pháp luật và Lý luận cơ sở cho rằng, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn trong bối cảnh quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả cần xuất phát từ vị thế, điều kiện, đặc thù của từng đơn vị xã, thị trấn; cần có những mô hình tổ chức chính quyền xã gắn với những đặc thù cơ bản đó; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao năng lực, ý thức, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền xã, thị trấn gắn với nhu cầu quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả.

sủu

TS. Nguyễn Thị Sửu trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Sửu, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ vấn đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong bối cảnh quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả”. TS. Nguyễn Thị Sửu tập trung đánh giá thực trạng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn hiện nay; đưa ra những kiến nghị đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn trong bối cảnh quản trị nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả; đồng thời, đề xuất lộ trình và giải pháp đổi mới theo từng giai đoạn phù hợp.

TS. Nguyễn Thị Sửu đưa ra một số kiến nghị: Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của ĐVHC cấp huyện, cấp xã tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 nhằm bảo đảm phù hợp theo vùng miền, với các đặc điểm riêng biệt khác nhau; Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ, chính sách giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp ĐVHC để thống nhất tổ chức thực hiện; Đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn thực hiện việc sử dụng ngân sách để lập Đề án sáp nhập ĐVHC các cấp và kinh phí tổ chức lấy ý kiến cử tri (gồm: nguồn kinh phí thực hiện, định mức chi, nội dung chi, đối tượng thụ hưởng, cơ chế thanh quyết toán,…) để địa phương áp dụng triển khai đồng bộ, kịp thời trong quá trình xây dựng Đề án ở địa phương; Tiếp tục rà soát, xác định nhiệm vụ và thẩm quyền của chính quyền cấp xã theo hướng: Những việc gì giải quyết theo yêu cầu của người dân mà xã quyết được thì giao cho chính quyền xã làm và chịu trách nhiệm trước pháp luật; việc gì giải quyết theo yêu cầu của người dân phải qua cả chính quyền cấp xã và chính quyền cấp huyện thì giao cho cấp huyện thực hiện; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố: xây dựng khung chương trình và bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố để thực hiện thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với từng chức danh, hạn chế sự trùng lắp gắn với trang bị kiến thức và nhiệm vụ chuyên môn, kỹ năng thực hành thông qua việc thực hiện xử lý các tình huống ở cơ sở.

truyền

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ “Một số kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về chính quyền địa phương xã, thị trấn ở nước ta đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia”. Theo ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền, quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương xã, thị trấn ở nước ta hiện nay đang có một số bất cập, như: quy định về tổ chức và hoạt động của CQĐP xã, thị trấn vẫn giống nhau, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của CQĐP xã, thị trấn không có nhiều điểm khác biệt, chưa có sự phân định tổ chức chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn; quy định về số lượng và tiêu chuẩn cán bộ, công chức CQĐP xã, thị trấn vẫn còn bất cập; các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho CQĐP xã, thị trấn chưa đầy đủ.

ThS. Nguyễn Đặng Phương Truyền kiến nghị một số giải pháp: (1) phải tiếp tục hoàn thiện thể chế về CQĐP cấp xã nói chung, CQĐP xã, thị trấn nói riêng; (2) tiếp tục hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã; (3) sửa đổi quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp tính chất từng ĐVHC; (4) ban hành các quy định cụ thể để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, uỷ quyền cho CQĐP xã, thị trấn; (5) sửa đổi, bổ sung quy định xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh để tạo ra cơ chế liên thông.

trân

TS. Ngô Văn Trân trình bày tham luận tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo về chủ đề “Đánh giá của người dân về đổi mới hoạt động của chính quyền cấp xã qua sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, TS. Ngô Văn Trân – Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn khi thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2022. Kết quả bước đầu khá khả quan, nhận sự đồng tình, ủng hộ của đa số cán bộ, công chức và nhân dân, tuy nhiên cũng nhiều khó khăn, bất cập được đánh giá, phản ánh cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh, đảm bảo hiệu quả cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian đến trên phạm vi rộng hơn.

Trên cơ sở những hạn chế từ đánh giá của nhân dân qua sắp xếp đơn vị hành chính từ thực tiễn Thừa Thiên Huế, TS. Ngô Văn Trân gợi ý một số giải pháp sau: (1) tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện qui trình xếp ĐVHC đúng qui định; (2) hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính; (3) phát huy trách nhiệm và sự quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; (4) chú trọng sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; (5) sớm đầu tư, sắp xếp, sử dụng cơ sở vật chất và tài chính hợp lý.

IMG_9440

TSVũ Đăng Minh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ khẳng định, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn cần dựa trên bộ tiêu chí cụ thể (khuôn khổ pháp lý) để sắp xếp các đơn vị hành chính; xây dựng quy trình, quy phạm, thủ tục hành chính cụ thể khi tiến hành việc thực hiện sắp xếp đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, trên cơ sở đánh giá tác động đa chiều, trong đó có yếu tố về lịch sử, văn hóa, địa hình…; Bộ Nội vụ và các cơ quan phải tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch tổng thể của việc sắp xếp, các quy trình, thủ tục và các hồ sơ liên quan; cần có lộ trình, bước đi cụ thể cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân; giải quyết chế độ chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ dôi dư; tập huấn cho đội ngũ các cán bộ, công chức làm công tác sắp xếp đơn vị hành chính.

tiến

TS. Trần Văn Tiến trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Trần Văn Tiến – Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới về tổ chức và hoạt động chính quyền cấp xã”. TS. Trần Văn Tiến cho rằng việc tiến hành cải cách bộ máy hành chính nhà nước đã làm cho chính quyền xã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với các điều kiện mới. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề nổi cộm như: người dân chưa thực sự đóng vai trò làm chủ, thành quả dân chủ trong quan hệ giữa chính quyền địa phương và người dân chưa rõ ràng; tính tự chủ, chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền xã còn hạn chế… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân thuộc về tổ chức và hoạt động của chính quyền xã. Theo TS. Trần Văn Tiến, đánh giá mức độ đổi mới về tổ chức và hoạt động chính quyền cấp xã cần dựa trên một số tiêu chí sau: (1) tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã phải được thực hiện trên cơ sở một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất. Pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã phải tạo thành một hệ thống; (2) tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã phải phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội, phù hợp với đặc điểm của đối tượng điều chỉnh. Đây là tiêu chí quan trọng về mặt định tính để đánh giá mức độ hoàn thiện của tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã. Chỉ khi đạt được tiêu chí phù hợp, tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã mới có tính khả thi, mới đảm bảo cho chính quyền cấp xã tổ chức và hoạt động có hiệu quả; (3) pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã phải được xây dựng ở trình độ kỹ thuật pháp lý cao. Trình độ kỹ thuật pháp lý trong quá trình xây dựng pháp luật về tổ chức và hoạt động chính quyền cấp xã được thể hiện ở việc xây dựng các văn bản pháp luật và cần tuân theo qui trình khoa học nhất, hợp lý nhất. Việc xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã để đảm bảo tiêu chí này cần phải nghiên cứu, xác định các qui luật và các hiện tượng chính trị, kinh tế, xã hội để xác định nhu cầu cần điều chỉnh những vấn đề gì trong tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã; (4) tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã phải đảm bảo thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã trong giai đoạn hiện nay; (5) tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã phải đảm bảo cho nhân dân tham gia rộng rãi vào việc tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã, mở rộng dân chủ ở cơ sở nhất là các hình thức dân chủ trực tiếp.

IMG_9447

ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa phát biểu tại Hội thảo.

Đặt vấn đề “Làm thế nào để nâng cao tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp xã”, ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa – Trưởng ban, Ban Hợp tác quốc tế cho rằng, trong hoạt động của UBND, vai trò của chủ tịch UBND đặc biệt quan trọng. ThS. Phạm Thị Quỳnh Hoa đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, trong đó có 2 tiêu chí lớn là phát triển kinh tế và an sinh xã hội, và một trong những giải pháp đầu tiên là bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu UBND; tiếp tục đẩy mạnh phân quyền gắn liền với giao quyền, nâng cao năng lực tương ứng cho chủ tịch xã và tạo cơ chế cho chủ tịch thực hiện quyền của mình, đảm bảo các điều kiện để thực hiện quyền đó ở cơ sở (nguồn nhân lực, cơ sở vật chất); cần xuất phát từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để có những quyết sách về chủ trương; cần có những tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở; cần có thiết chế phối hợp giữa HĐND và UBND để chủ tịch HĐND và UBND phát huy được hiệu quả hoạt động; xây dựng cơ cấu giới cho đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền địa phương một cách hợp lý.

IMG_9448

ThS. Lê Văn Khải phát biểu tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ThS. Lê Văn Khải, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho rằng cần hết sức thận trọng trong việc sáp nhập đối với các xã biên giới, hải đảo, trong đó cần tính tới các điều kiện cụ thể để việc sáp nhập thực sự đáp ứng được việc quản trị nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả; cần có sự tổng kết đánh giá giữa kết quả dự kiến thu được trong quá trình sáp nhập với các vấn đề về kinh tế sau khi sáp nhập để hoàn thiện chủ trương, chính sách của việc sáp nhập; vừa thực hiện việc sáp nhập theo lộ trình vừa tính tới việc phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được các tham luận gửi đến và ý kiến của các giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài Học viện về các vấn đề, như: Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở phường trong bối cảnh thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng; Áp dụng mô hình quản lý dựa vào cộng đồng trong khu vực công ở Việt Nam; Tiến trình sắp xếp lại huyện xã giai đoạn 2019-2021 và vấn đề dôi dư nhân sự; Quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả; Đổi mới phương thức quản lý và điều hành tại xã, thị trấn khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xu hướng tổ chức chính quyền địa phương trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam.

IMG_9465

TS. Nguyễn Minh Sản phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Sản – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính chân thành cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo. Các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về mặt học thuật cũng như những nhìn nhận từ thực tiễn rất quan trọng để ban nghiên cứu đề án hoàn thiện nội dung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm tham mưu Chính phủ để có những quyết sách trong đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn.

IMG_9420

Toàn cảnh Hội thảo.

Như Ngọc

Comments are closed.