Hội thảo khoa học “Góp ý Đề án Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

(napa.vn) – Sáng ngày 15/8/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Góp ý Đề án Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì Hội thảo.

quang canh

Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ; các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện; các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện qua các thời kỳ; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; đại diện lãnh đạo các tổ chức đoàn thể tại Học viện.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân viện tại thành phố Hồ Chí Minh, Phân viện khu vực Miền Trung và khu vực Tây Nguyên.

_DSC0033

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến – Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến khẳng định, đây là Hội thảo đặc biệt quan trọng, là nền tảng, cơ sở, định hướng để xác định quan điểm, sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và những nội dung căn bản cho sự phát triển Học viện giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến trân trọng cảm ơn các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Học viện qua các thời kỳ, các vị đại biểu đại diện các đơn vị chức năng của Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện đã dành thời gian đến dự và đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Giám đốc Học viện Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh, trên nhiều chặng đường phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đã có chiến lược phát triển qua nhiều giai đoạn. Gần đây nhất là Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia được ban hành theo Quyết định số 372/QĐ-BNV ngày 02/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong bối cảnh sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện, để đáp ứng mục tiêu quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả; đồng thời đứng trước sự thay đổi của tình hình chính trị – xã hội của đất nước cũng như trên thế giới, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, quá trình chuyển đổi số nhanh, mạnh, quyết liệt, đặt ra trọng tâm cần xây dựng chiến lược phát triển Học viện mới cho phù hợp. Bên cạnh đó, quan điểm lãnh đạo Bộ Nội vụ là xây dựng Học viện phát triển thành trung tâm quốc gia, đặt ngang tầm khu vực và phải có những giải pháp cụ thể để thực hiện. Một số nội dung cần làm rõ, như: cấp nào phê duyệt chiến lược phát triển của Học viện?; sứ mệnh của Học viện trong giai đoạn mới là gì?; nội dung đào tạo, bồi dưỡng không chỉ theo ngạch, bậc, theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo, quản lý mà còn theo nhu cầu, chuyên môn nghiệp vụ của xã hội; việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung vào các ngành trong khu vực công hay đa ngành. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tiếp tục kế thừa trong nhiều năm, theo phương châm kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; đẩy mạnh tham mưu tư vấn chính sách cho Bộ Nội vụ và các cơ quan trong hệ thống.

Phát triển Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực châu Á – Thái Bình Dương về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và tư vấn chính sách có uy tín trong khu vực và trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cũng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cùng thảo luận để làm rõ các vấn đề về việc xác định phương hướng, các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ, hướng tới xây dựng Học viện số; các quy định pháp lý trong đào tạo chính quy bậc đại học: 1. Đào tạo đại học, sau đại học tại các cơ sở Phân viện Học viện; 2. Tên gọi của các Phân viện Học viện phù hợp với Luật Giáo dục đai học; 3. Hoạt động của Hội đồng Trường/Học viện; vấn đề xây dựng các Học viện khu vực, trên cơ sở nâng tầm Phân viện Học viện; xác định rõ quan điểm về mô hình hoạt động của Học viện (theo mô hình cơ sở giáo dục đại học hay cơ sở đào tạo, bồi dưỡng bộ, ngành, định hướng giải quyết, đề xuất cơ chế đặc thù, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Học viện…).

Ban soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến quý báu của các đại biểu, các nhà khoa học nhằm hoàn thiện dự thảo, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển Học viện trong thời gian tới.

Ng Hữu Khiển

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển – nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện cho rằng, cần xác định cách tiếp cận của Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2023 – 2023, tầm nhìn đến năm 2045 là gì; xác định vị trí đặt ra, hướng xây dựng của chiến lược phát triển Học viện là chương trình hoạt động dài hạn hay đặt ra những vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển tổ chức. Nội dung cần khái quát được vị thế của Học viện, khẳng định vị trí của Học viện là đào tạo nguồn lực cho thể chế, hệ thống chính trị, khác với các cơ sở đào tạo nhân lực xã hội. Cần chú ý một số khái niệm, bám sát trong quá trình xây dựng chính sách, hướng chiến lược, như: vấn đề tự chủ, thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách năng động, sáng tạo; vị trí đặc biệt theo chức năng, nhiệm vụ của Học viện (thực hiện chức năng của thể chế). Hoạt động đào tạo đại học và các nhiệm vụ có liên quan theo chức năng của cơ sở giáo dục đại học. Phân viện Học viện được thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Hoàn thiện, nâng cao các điều kiện phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trọng tâm là đẩy mạnh chất lượng, hiệu quả; đồng thời nghiên cứu để xác định các mục tiêu lâu dài với trọng tâm xây dựng nguồn lực của Học viện.

Le Thanh Huyen

TS. Lê Thanh Huyền – Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo phát biểu tại Hội thảo.

TS. Lê Thanh Huyền, Trưởng ban, Ban Quản lý đào tạo đánh giá cao chất lượng hoàn thiện của dự thảo, đồng thời góp ý về một số nội dung, như: tầm nhìn của Học viện chưa thống nhất với nội dung, cân nhắc tính khả thi; sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi cần cô đọng, chắt lọc, thể hiện rõ mục tiêu. Cần làm rõ mô hình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, các nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý trong hoạt động đào tạo của Học viện. Cần bổ sung thêm sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, không nên quy lại trong một số ngành cụ thể; chiến lược cần có tính bao quát, dự báo. TS. Lê Thanh Huyền đề xuất giá trị cốt lõi của Học viện gồm: Khai phóng, sáng tạo, hiện đại, hội nhập.

NN Hiến

TS. Nguyễn Ngọc Hiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Hiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện đặt ra yêu cầu trọng tâm trong việc xây dựng Chiến lược phát triển Học viện là cần xác định rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng của Học viện tương quan với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương… Làm rõ hơn nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo đại học, sau đại học lĩnh vực hành chính, công vụ.

Pham Quang Huy

TS. Phạm Quang Huy – nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.

Thống nhất với các ý kiến của các đại biểu tham dự, TS. Phạm Quang Huy – nguyên Phó Giám đốc Học viện bày tỏ niềm tin vào sự khả thi trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời đề nghị, trong phần thời cơ của Học viện cần đưa nội dung “Đảng và Nhà nước, xã hội luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” lên vị trí đầu tiên.

Vân Hạnh

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh – nguyên Phó Giám đốc Học viện phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh – nguyên Phó Giám đốc Học viện cho rằng, xác định quan điểm xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hướng tới xây dựng Học viện thống nhất, phát triển trong giai đoạn dài, cần chú trọng quan tâm đến tính dự báo, có kế hoạch, phương án rõ ràng; thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm khẳng định và bảo đảm vị thế của Học viện là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt. Theo đó, dự thảo Chiến lược cần điều chỉnh những nội dung chưa sáng tỏ giữa điểm yếu và thách thức, thời cơ và cơ hội; cân nhắc xác định giá trị cốt lõi, tạo khác biệt; quan tâm sứ mệnh của Học viện gắn với niềm tự hào truyền thống của Học viện, tạo nguồn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, khu vực công; giải pháp trong Chiến lược cần ngắn, gọn, chất lượng, tiêu điểm giải quyết những vấn đề trọng tâm, cản trở trong thực hiện các mục tiêu.

NTĐiều

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện phát biểu.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện cho rằng Đề án Chiến lược phát triển Học viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phù hợp. Học viện có sự độc lập, tự chủ tương đối trong sự quản lý của Bộ Nội vụ. Về cấu trúc Đề án, nên xây dựng mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Mục tiêu chung, tổng quát chiến lược có tính dự báo trong bối cảnh thích ứng với xã hội phát triển. Mục tiêu cụ thể có sự phân kỳ. Các mục tiêu cần được trình bày ngay phần đầu Đề án. Chiến lược phát triển cần nêu rõ đặc thù riêng biệt, cốt lõi, có bề dày lịch sử về nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho nền hành chính; đồng thời có sự phân quyền mạnh mẽ cho Học viện thực hiện nhiệm vụ; ngoài ra, mạnh dạn đề xuất xây dựng cơ sở trường đại học trực thuộc trong Học viện.

ĐX Hoan

TS. Đặng Xuân Hoan – nguyên Giám đốc Học viện phát biểu.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – nguyên Giám đốc Học viện cho rằng cần bổ sung bối cảnh xây dựng Chiến lược phát triển Học viện, trong đó nêu lên những đòi hỏi thay đổi trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng đặc điểm phát triển nhanh, mạnh của về quy mô, chất lượng của lục lượng sản xuất, bối cảnh địa chính trị thế giới thay đổi; cần mở rộng phạm vi hoạt động, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đối với khu vực tư, doanh nghiệp. TS. Đặng Xuân Hoan nhất trí nội dung sứ mạng của Học viện  ở phương án 2, giá trị cốt lõi theo phương án 1; phần giải pháp bổ sung việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Thuy

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Nội vụ đánh giá cao chất lượng dự thảo Chiến lược, bên cạnh đó góp ý  việc điều chỉnh cho phù hợp những nội dung liên quan công tác tự chủ tài chính, thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; điều chỉnh các nội dung tổ chức thực hiện một nhiệm vụ lớn như: đầu tư công, dự án xây dựng cơ bản trung và dài hạn; chuyển đổi số…

Khai

ThS. Lê Văn Khải – Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu.

Thống nhất với các nội dung được các đại biểu trình bày, ThS. Lê Văn Khải – Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính góp ý một số nội dung về kết cấu Chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp, khó khăn, hạn chế, giá trị cốt lõi của Học viện, xứng tầm nhiệm vụ trong giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cảm ơn các ý kiến phát biểu hết sức quan trọng của các đại biểu tham dự, với kinh nghiệm, trí tuệ, tầm nhìn trong sự phát triển Học viện. Các ý kiến đã làm sáng tỏ, cụ thể các nội dung nhằm khẳng định vị trí, tính chất đặc biệt, dự báo tốt hơn, làm rõ ràng hơn mục tiêu, quan điểm phát triển, hoàn thiện những nội dung về giá trị cốt lõi, giải pháp, ngôn ngữ sử dụng, thống nhất trình Thủ tướng ban hành. Giám đốc Học viện giao Ban Soạn thảo Đề án sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.

Như Ngọc

Comments are closed.