Hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực”

(napa.vn) – Chiều ngày 24/7/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện và PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện chủ trì và điều hành Hội thảo. 

Đại biểu dự Hội thảo.

Đại biểu, khách mời tham dự Hội thảo, có: PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; PGS.TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Sau Đại học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS.TS. Đỗ Thị Tươi, Trưởng khoa Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Lao động – Xã hội; TS. Phùng Thế Hùng, Trưởng khoa Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Công đoàn; TS. Ngô Minh Đức, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Nhàn, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và đối ngoại, Trường Đại học Thương mại.

Các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học nguyên là lãnh đạo Bộ Nội vụ, các vụ, viện các cơ quan trung ương: TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ; TS. Nguyễn Ngọc Vân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Phạm Thanh Tùng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Tổ chức Trung ương.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện. Lãnh đạo Ban Quản lý đào tạo, Khoa Quản trị nhân lực, lãnh đạo một số đơn vị, khoa, ban thuộc và trực thuộc Học viện đã tham dự Hội thảo. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh, quản trị nhân lực rất quan trọng vì nhân lực là tài sản quan trọng nhất của mỗi tổ chức. Chính nhân lực là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của tổ chức. Quản trị nhân lực lực nhằm bảo đảm tổ chức có đủ nhân lực có chất lượng và năng lực phù hợp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ ngành Quản trị nhân lực theo định hướng của Học viện Hành chính Quốc gia nhằm đào tạo nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và có trách nhiệm xã hội; có kiến thức nâng cao và kỹ năng thành thạo trong lĩnh vực quản trị nhân lực; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo; có tư duy phản biện, phát hiện và giải quyết vấn đề, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ công tác.

Với chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 và Quyết định số 06/2024/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 27/19/12/2022, cùng với yêu cầu thực tế của xã hội ngày càng cần nguồn nhân lực chất lượng cao… Trong bối cảnh đó, Học viện đã xây dựng chiến lược phát triển và xác định sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi. Trong đó, sứ mệnh đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao với giá trị cốt lõi là: “Trí tuệ – Chất lượng – Hiện đại” ; trong đó, lấy mục tiêu chất lượng làm trọng. Vì vậy xây dựng chương trình đào tạo thạc sỹ ngành Quản trị nhân lực là tất yếu, thể hiện tầm nhìn, tư duy đổi mới và phát triển Học viện; đồng thời, tạo điều kiện tốt hơn để người học có cơ hội phát triển, phục vụ chính cơ quan, tổ chức của mình.

Giám đốc Học viện mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia Hội thảo sẽ có những ý kiến đóng góp thiết thực vào dự thảo để giúp cho Học viện và ban soạn thảo dự thảo có những bổ sung, chỉnh lý kịp thời, hợp lý với thực tiễn đào tạo và yêu cầu của thực tế về phát triển nguồn nhân lực của các ngành, lĩnh vực trong bối cảnh mới.

GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham gia góp ý dự thảo tại Hội thảo.

Tham gia góp ý cho dự thảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển đồng ý và đánh giá cao dự thảo đã thể hiện rõ nội dung mục tiêu chung nhằm vào các yêu cầu cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng; đã xác định được nhóm nhận thức về chính trị, trách nhiệm xã hội và phẩm chất. Các mục tiêu cụ thể cơ bản đã thể hiện chi tiết việc xây dựng mục tiêu chung. Nội dung, kết cấu cơ bản đáp ứng theo đúng yêu cầu của kết cấu chung và có ứng dụng vào kiến thức, kỹ năng, kết quả đầu ra của đối tượng đào tạo. Do mới đang là bản mô tả trong dự thảo nên ban soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến và bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện thông qua thực hành trong thực tiễn công tác.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tham gia góp ý dự thảo.

Theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc, với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện đã được xác định thì việc Học viện Hành chính Quốc gia mở mã ngành đào tạo Quản trị nhân lực trình độ thạc sỹ là rất phù hợp, đặc biệt là theo định hướng nghiên cứu. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và thang đo năng lực gồm: chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng, yêu cầu về năng lực tự chủ và trách nhiệm đều bảo đảm yêu cầu chuẩn đầu ra về kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; các kỹ năng và yêu cầu về năng lực tự chủ và trách nhiệm đạt ở mức độ năng lực 4 là thích hợp. Ban soạn thảo dự thảo cần bổ sung yêu cầu nhân lực sau đào tạo cần đạt trình độ, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế theo tình thần Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

PGS.TS. Nguyễn Thị Vân Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện góp ý dự thảo tại Hội thảo

PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh đánh giá cao dự thảo đã được xây dựng công phu, cập nhật và mang tính đặc thù của Học viện. Nhóm xây dựng chương trình đã tham khảo các chương trình đào tạo thạc sỹ trong lĩnh vực tương tự của một số cơ sở đào tạo để so sánh và chỉ ra những nội dung có tính định hướng của Học viện, đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ cho cả khu vực công và tư. Đây cũng là điểm mới so với các chương trình được xây dựng trước đây chỉ tập trung vào đối tượng là cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, để chương trình được hoàn thiện hơn, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh đã đề xuất một số gợi ý: (1) Để học viên có thể phát triển hết năng lực của bản thân thì ngay cả chương trình định hướng nghiên cứu cũng cần có tính ứng dụng cao và ngược lại; (2) Nhấn mạnh kết quả đầu ra; (3) Cân nhắc đưa học phần Lý luận về quản lý công thay cho học phần Mô hình quản trị nhân lực ở phần Kiến thức cơ sở ngành bắt buộc vì đây là điểm mạnh của Học viện…

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ góp ý tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Trần Anh Tuấn đã đưa ra ý kiến đồng tình cao với bản dự thảo cả về các nội dung tự chọn và chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ, trách nhiệm) và nêu trong bối cảnh hiện nay, “con người” có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động, đóng vai trò then chốt với mỗi cơ quan, tổ chức. Do vậy, vấn đề quản trị nhân lực là rất cần thiết để cơ quan, tổ chức có thể tồn tại và phát triển.

Theo TS. Trần Anh Tuấn, quản trị nhân lực là vấn đề chung cả trong khu vực công và khu vực tư, do vậy, cần tập trung xây dựng, chỉnh lý nội dung đào tạo cho hợp lý và mang tính thực tiễn cao đối với người học.

PGS. TS. Đỗ Thị Tươi, Trưởng khoa Khoa Quản trị nhân lực, Trường Đại học Lao động – Xã hội góp ý dự thảo tại Hội thảo

Góp ý cho dự thảo tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Tươi cơ bản đồng ý với bản dự thảo mà ban soạn thảo xây dựng. Mục tiêu chung của chương trình đáp ứng yêu cầu của Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021. Đã gắn mục tiêu chương trình đào tạo với sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi. Chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm bảo đảm theo yêu cầu của chương trình đào tạo thạc sỹ quản trị nhân lực theo định hướng nghiên cứu (chuẩn kiến thức và chuẩn năng lực tự chủ và trách nhiệm nên để mức năng lực là 5). Cần có một số rà soát chỉnh sửa về số tín chỉ, bổ sung đầu ra có ngoại ngữ, thống nhất cách trình bày về tài liệu học tập và bổ sung thêm các giáo trình có tính cập nhật hiện nay.

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện kết luận Hội thảo.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn các đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý nhà nước, quản trị nhân lực đã tham gia Hội thảo cũng như góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quý báu của mình liên quan đến nội dung Hội thảo. Các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được lãnh đạo Học viện, ban soạn thảo chương trình tiếp thu đầy đủ và chắt lọc bổ sung, chỉnh lý kịp thời từ những góp ý xác đáng, tâm huyết của các nhà khoa học. Phó Giám đốc Học viện hy vọng, Học viện sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm, tin tưởng và đồng hành của các chuyên gia, các nhà khoa học trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như nghiên cứu khoa học của Học viện trong thời gian tới.

PV

Comments are closed.