(napa.vn) – Sáng ngày 23/02/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính chủ trì Hội thảo.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các phân viện Học viện tại: thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lăk và thành phố Huế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng giảng viên Học viện tại Hà Nội và các phân viện.
TS. Đặng Thành Lê phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính nhấn mạnh yêu cầu và tầm quan trọng của việc tham gia góp ý kiến sửa đổi Luật Đất đai hiện nay. Ngày 06/01/2023, Văn phòng Quốc hội đã công bố Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai lần 2 (sửa đổi) với nhiều nội dung mới nhằm cụ thể hóa các vấn đề đặt ra từ thực tiễn quản lý và sử dụng đất để phù hợp với xu thế phát triển, cũng như phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất đai trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai và bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phượng – giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật góp ý về hướng đến mục tiêu sử dụng đất đai bền vững tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các nội dung: cần làm rõ khái niệm một số thuật ngữ tại Khoản 14, Khoản 45 Điều 3 Dự thảo. Mục phân loại đất tại Điều 10, cần bổ sung thêm một số loại đất của công trình cấp nước sạch, thoát nước mưa và nước thải; về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất tại Khoản 1 Điều 31, cần làm rõ độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không là bao nhiêu mét; cần làm rõ các quy định thu hồi đất, bồi thường, tái định cư tại Điều 77 – 110 về mục đích, tiêu chí các trường hợp thu hồi đất; cần cụ thể hóa quan điểm tại Khoản 2 Điều 89 “bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Dự thảo cần bổ sung thêm định chế trách nhiệm của cơ quan đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình thu hồi, bồi thường, tái định cư, gồm trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm công vụ ngoài Khoản 2 Điều 110.
TS. Đặng Xuân Hoan góp ý các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào Dự thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan – nguyên Giám đốc Học viện tập trung vào 3 vấn đề lớn trong Dự thảo: (1) Quy hoạch sử dụng đất; (2) Định giá đất đai, thuế và phí khi sử dụng đất; (3) Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trong đó, TS. Đặng Xuân Hoan nhấn mạnh yếu tố quy hoạch sử dụng đất có 5 đặc điểm cần chú ý khi sửa đổi Luật Đất đai, gồm: phải đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thành phần kinh tế, các đối tượng và chủ thể của nền kinh tế; phải bảo đảm thống nhất giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch tại các tỉnh, thành phố và các đơn vị hành chính cấp dưới; bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, công bằng, minh bạch và hài hòa về lợi ích giữa các thành phần kinh tế và khu vực kinh tế; cân đối giữa nhu cầu sử dụng đất của hiện tại và tương lai, tránh tình trạng quy hoạch không có tầm nhìn, dẫn đến hậu quả bồi thường, giải phóng mặt bằng không thỏa đáng khi lấy đất làm công trình công cộng; quy hoạch phải tính đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Về vấn đề định giá đất đai, thuế và phí khi sử dụng đất, cần quy định chặt chẽ, toàn diện các yếu tố liên quan như: điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, kinh tế, văn hóa – xã hội, phong tục, tập quán, thuế đất và lãi suất tín dụng…
TS. Nguyễn Thế Tài phát biểu tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Thế Tài, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, bồi dưỡng, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh góp ý một số nội dung cần chỉnh sửa trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: cần thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thay vì vẫn giữ nguyên như hiện nay tại Khoản 2, Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đainăm 2013; đề nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm; nên thực hiện kế hoạch sử dụng đất 5 năm (như cấp quốc gia, cấp tỉnh) để tránh gây tiêu cực, bức xúc trong dân.
Về vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tài chính về đất được quy định tại chương 9, mục 1, 2 của Dự thảo là chưa chặt chẽ, rõ ràng, dễ gây xung đột với các quy định của Luật Quản lý tài sản công. Giải quyết tranh chấp đất đai tại Điều 225 tại Dự thảo nói về thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai quy định khác so với Luật Đất đai năm 2013, do đó, nên giữ nguyên như Luật Đất đai năm 2013, tức là phân 2 loại đất, đất có chủ quyền hợp pháp sẽ do tòa án giải quyết và đất không có chủ quyền hợp pháp sẽ do cơ quan hành chính giải quyết sẽ tạo thuận lợi cho tòa án và cơ quan hành chính trong việc thụ lý và giải quyết. Tại Điều 226 Dự thảo về hòa giải tranh chấp đất đai, ông đề xuất bổ sung hòa giải thương mại có thể được sử dụng trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải.
TS. Nguyễn Xuân Thu tham luận tại Hội thảo.
Về nội dung cần quan tâm trong Chương XI quy định tài chính về đất đai, giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Nguyễn Xuân Thu, giảng viên Khoa Quản lý kinh tế nhấn mạnh các vấn đề: Cần xem lại nội dung Điều 148: Điều tiết nguồn thu từ đất trong Dự thảo sửa đổi vì Luật Ngân sách nhà nước quy định rất rõ các khoản thu từ đất, khoản thu nào ngân sách trung ương hưởng 100%, khoản thu nào ngân sách địa phương hưởng 100%, khoản thu nào phân chia giữa trung ương và địa phương. Vì vậy, chỉ có thể điều tiết nguồn thu từ các địa phương có nguồn thu cao về trung ương để phân bổ cho các địa phương khác khi nguồn thu đó do ngân sách trung ương hưởng 100%, hoặc nguồn thu đó là nguồn thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Việc quy định chung như Dự thảo Luật Đất đai sẽ mâu thuẫn với Luật Ngân sách địa phương và khó khả thi với cách thức điều tiết nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương như hiện nay. Vì vậy, cần đánh giá kỹ tác động của quy định điều tiết nguồn thu từ đất (đặc biệt thu sử dụng đất) từ địa phương về trung ương. Nếu khả thi, thì chỉ nên quy định điều tiết nguồn thu sử dụng đất giữa trung ương và địa phương.
Bổ sung một khoản trong Điều 149 quy định về quản lý thu từ dịch vụ công về đất đai; bổ sung thêm một khoản trong Điều 150 quy định về tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuế tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng theo hướng hạn chế đầu cơ đất, tăng hiệu quả sử dụng đất đai.
Đề xuất sửa cụm từ trong Khoản 2 Điều 153: “tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định” theo hướng: “tại một khu vực có điều kiện tương tự và trong một khoảng thời gian nhất định”, có tính đến yếu tố phát triển trong tương lai, để bảo đảm giá đất có tính đến yếu tố phát triển kinh tế – xã hội.
TS. Lê Thị Hoa phát biểu tại Hội thảo.
TS. Lê Thị Hoa, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật góp ý tập trung vào vấn đề về kiểm soát quyền lực trong quản lý nhà nước về đất đai; hòa giải trong tranh chấp đất đai; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quản lý nhà nước về đất đai.
PGS.TS. Bùi Huy Khiên góp ý tại Hội thảo.
PGS.TS. Bùi Huy Khiên, giảng viên Khoa Khoa học hành chính chú trọng vào vấn đề bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi. Theo đó, Dự thảo cần thể chế hóa quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, chỉ ra các tiêu chí “tốt hơn nơi ở cũ” như thế nào? Công tác xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. PGS.TS. Bùi Huy Khiên cũng nêu ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thiếu những quy định về vai trò giám sát, phản biện xã hội, do đó, cần quy định rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
TS. Nguyễn Minh Sản đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật.
Theo TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính: cần sửa đổi quy định về áp dụng pháp luật của Dự thảo cho phù hợp và bảo đảm về nguyên tắc áp dụng pháp luật; đề xuất bổ sung các loại đất như: công trình cấp nước sạch, đất thoát nước mưa, đất nước thải tại điểm e, Khoản 2 Điều 10 Dự thảo; điều chỉnh lại quy định của Luật Đất đai cho phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản về quyền của người sử dụng đất; cần quy định rõ mục đích và tiêu chí thu hồi đất được quy định tại Điều 78 quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; cần thể chế hóa nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất bằng các quy định cụ thể hơn và trách nhiệm bảo đảm thu nhập và tiêu chí đánh giá điều kiện sống thế nào là “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại khoản 2 Điều 89 Dự thảo; cần nghiên cứu bổ sung quy định hòa giải thương mại tại Khoản 1 Điều 224 về hòa giải tranh chấp đất đai.
ThS. Lê Văn Khải phát biểu tại Hội thảo.
ThS. Lê Văn Khải, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính đưa ra một số kiến nghị về việc khuyến khích tích tụ đất đai nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại: sau khi Luật Đất đai mới được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thực hiện việc tích tụ đất đai; Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thực hiện chính sách tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; cần quy định các hình thức cho thuê, góp vốn để sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân; cần đưa tiêu chí số lượng đất sản xuất nông nghiệp của các địa phương (tỷ lệ %) vào tiêu chí công nhận xã đạt danh hiệu nông thôn mới…
PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện quan tâm đến các vấn đề cần sửa đổi tại Dự thảo Luật như: (1) Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ chi phí tổ chức thực hiện, vận hành Luật sau khi sửa đổi, do vậy cần làm rõ chi phí này; (2) Cần thêm điều, khoản quy định chính sách về giải quyết biến động đất đai thích ứng với những biến đổi bất thường trong tương lai (biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, sạt lở, đất bị ngập mặn, chiến tranh…) trong Dự thảo Luật; (3) Đề xuất xem lại phân loại đất đai hiện nay cần sửa đổi theo mục đích sử dụng đa chức năng, tích hợp nhiều mục đích sử dụng trên một mảnh đất; (4) Đề xuất mở rộng cơ chế giải tranh chấp đất đai theo hướng định hình dần cho người dân, xã hội nhận thức được vấn đề ra tòa giải quyết tranh chấp đất đai là phương thức tối ưu, văn minh; (5) Đề xuất tăng cường vai trò của người dân trong Luật Đất đai hiện nay, nhằm tăng tính dân chủ, sự tham gia của người dân trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai do hiện nay vai trò của người dân trong Luật khá mờ nhạt; (6) Cần xây dựng Luật Đất đai có tầm nhìn, định hướng lâu dài theo thời gian người dân được giao quyền sử dụng đất (20 năm, 30 năm, 50 năm…) thay vì quy luật 10 năm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai một lần như hiện nay.
Hội thảo cũng đã nhận được hơn 10 tham luận cùng các ý kiến đóng góp tâm huyết về các nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến đóng góp, tham luận sẽ góp phần hoàn thiện hơn cho Luật Đất đai khi đi vào thực tiễn cuộc sống. Đây cũng sẽ là cơ sở khoa học rất có giá trị, phục vụ trực tiếp quá trình nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên Học viện và có giá trị thực tiễn đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.
Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
Như Ngọc