(napa.vn) – Sáng ngày 21/3/2022, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính - Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với sở Khoa học – Công nghệ và Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học: Báo cáo dự thảo kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu các giải pháp sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính chủ trì Hội thảo.
TS. Đặng Thành Lê chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Nội vụ có: TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước; TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước; ThS. Phạm Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính.
Về phía tỉnh Lạng Sơn có: ông Nguyễn Khắc Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ; bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ; ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường; bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn; ông Hoàng Anh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Lộc và đại diện các sở, ngành, huyện trên đại bàn tỉnh Lạng Sơn.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Học viện và các viên chức Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các đại biểu dự Hội thảo theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài “Nghiên cứu các giải pháp sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính – Học viện Hành chính Quốc gia và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn.
TS. Đặng Thành Lê đề nghị các đại biểu tập trung góp ý vào cơ sở khoa học và căn cứ pháp lý của việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố; thực trạng và những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, từ đó đề xuất một số giải pháp cho giia đoạn từ năm 2022 đến 2030.
TS. Nguyễn Thị Hường báo cáo tại Hội thảo.
Thay mặt các thành viên tham gia đề tài, TS. Nguyễn Thị Hường đã trình bày quá trình triển khai và tóm tắt những nội dung cơ bản của đề tài.
Hiện nay, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả được xác định là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo lộ trình, các địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trong Quý I/2020. Hiện tỉnh Lạng Sơn vẫn còn 11 đơn vị hành chính cấp xã đang đề nghị dừng chưa thực hiện sắp xếp, sáp nhập theo kế hoạch đề ra. Việc cần thiết là phải xác định những thách thức, khó khăn và đề xuất giải pháp để hoàn thành mục tiêu tinh giảm bộ máy, tinh giảm biên chế, đảm bảo phát triển và bền vững.
Đề tài nghiên cứu tập trung vào 02 vấn đề: sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, sáp nhập thôn, tổ dân phố và chính sách đối với nhóm đối tượng dôi dư do sắp xếp, sáp nhập của tỉnh Lạng Sơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có những ý kiến góp ý cho Đề tài.
Đa số các ý kiến góp ý đều đánh giá cao sự cần thiết, tính phù hợp, tính khoa học của Đề tài.
TS. Tạ Ngọc Hải phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, tuy nhiên cần có những nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện hơn cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý, ngoài ra, cần điều chỉnh thứ tự của các giải pháp như: hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, chỉ đạo, công nghệ thông tin…
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa Khoa Quản lý nhà nước về Xã hội khẳng định việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị là chủ trương lớn của Nhà nước, tuy nhiên để sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính hiệu quả thì cần có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, nhất là đối với các địa phương khác nhau thì phải có tiêu chí, tiêu chuẩn đặc thù chứ không nên đồng nhất giữa tất cả các địa phương.
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh phát biểu tại Hội thảo.
Cũng đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở cho rằng, việc sắp xếp phải dựa trên cơ sở pháp luật, khoa học, hiệu quả mục tiêu quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ngoài ra, cần phải có đánh giá cụ thể về văn hóa, dân tộc, địa lý… để xem xét sự cần thiết sắp xếp hay sáp nhập các đơn vị hành chính hay không.
Tại Hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Lạng Sơn cũng đã có những ý kiến phát biểu làm rõ thêm cơ sở thực tiễn và những khó khăn, vướng mắc trong việc sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo.
Để bảo đảm ổn định, phát triển các đơn vị hành chính được sắp xếp, sáp nhập, đồng thời khẳng định nguyên tắc của việc sắp xếp, sáp nhập phải có sự đồng thuận của người dân, bảo đảm sự phát triển bình thường của địa phương. Ông Nguyễn Khắc Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc sáp nhập có nhiều khó khăn nhất là về địa lý, văn hóa, dân tộc, tôn giáo và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội… do đó đề xuất các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu giúp địa phương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hoạt động sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2022 – 2030 hiệu quả.
PGS.TS. Lương Thanh Cường phát biểu tại Hội thảo.
Theo PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện, đây là một đề tài khó không chỉ đối với tỉnh Lạng Sơn mà còn đối với nhiều địa phương khác. PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cũng như Ban Chủ nhiệm đề tài cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện đề tài, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng đề tài.
Góp ý vào các nội dung của đề tài, PGS.TS. Lương Thanh Cường cho rằng, các thành viên đề tài nên mở rộng cách tiếp cận vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính, bởi nó không chỉ liên quan đến đơn vị hành chính, bộ máy, nhân sự, giải quyết chế độ chính sách mà còn liên quan đến tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương như thế nào; liên quan đến việc sắp xếp không gian phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, của đất nước; liên quan đến phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, những vấn đề địa văn hóa, địa chính trị; liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính không thuần túy mang tính cơ học mà cần tính đến vấn đề sau sắp xếp phát triển như thế nào. PGS.TS. Lương Thanh Cường đặt vấn đề sáp nhập theo hướng để cho địa phương tự quyết định nhằm giải quyết mối quan hệ giữa cái chung, cái phổ biến với cái đặc thù của địa phương.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu chân thành, cởi mở và đầy tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự Hội thảo đối với đề tài “Nghiên cứu các giải pháp sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Đây là những đóng góp quan trọng và rất có ý nghĩa để nhóm tác giả tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, tránh trùng lắp, nhằm đáp ứng được chất lượng của Đề tài cũng như mong muốn của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong việc đảm bảo tinh giản được đầu mối và biên chế, tiết giảm về ngân sách, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở và chỉ số hài lòng của người dân; đồng thời xây dựng lộ trình tiếp theo cho giai đoạn đến năm 2030./.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ông Hoàng Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng khoa, Khoa Nhà nước – Pháp luật và Lý luận cơ sở phát biểu tại Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo tại điểm cầu Học viện Hành chính Quốc gia.
Như Ngọc