(napa.vn) – Sáng ngày 26/9/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia”. PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật chủ trì Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội; Tạp chí Nhà nước và Pháp luật.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; TS. Trương Cộng Hòa, Phó Giám đốc Phân viện Học viện tại thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật; các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.
PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa, Khoa Nhà nước và Pháp luật khẳng định, cùng với sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của Nhà nước trong xu thế chuyển đổi, hội nhập và hợp tác quốc tế đã kéo theo những đòi hỏi về việc xác định vai trò và những yêu cầu đối với pháo luật nói chung, pháp luật hành chính nói riêng trong mối quan hệ với nhà nước và xã hội. Pháp luật cần được xây dựng theo hướng không chỉ là sản phẩm do Nhà nước ban hành, để phục vụ ý chí cực quyền của Nhà nước mà còn là sự thừa nhận của Nhà nước về những giá trị khách quan, những chuẩn mực xử sự vốn dĩ đã được thừa nhận như những giá trị của văn hóa và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định mục tiêu “Xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia”. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả… tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp…
Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện chính xác vị trí, vai trò của pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia, trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ của Học viện Hành chính Quốc gia trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật nói chung, pháp luật hành chính nói riêng – phục vụ nền công vụ và sự phát triển xã hội.
Tham dự Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung trao đổi, chia sẻ các nội dung xoay quanh: (1) Nhận diện những vấn đề lý luận của quản trị quốc gia hiện đại; (2) Sự phát triển của khoa học luật hành chính Việt Nam và vị trí của luật hành chính trong quản trị quốc gia hiện đại; (3) Kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, hoàn thiện mô hình quản trị quốc gia hiện đại và những gợi mở hoàn thiện chính sách pháp luật ở Việt Nam; (4) Nhận diện về quản trị quốc gia hiện đại trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; (5) Nghiên cứu một số khía cạnh về quản trị quốc gia và các vấn đề cần hoàn thiện của pháp luật hành chính; (6) Nhu cầu, tầm quan trọng của đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính trên cơ sở nghiên cứu sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia.
GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham luận tại Hội thảo.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề cập vấn đề “Khoa học luật hành chính, luật hành chính trong quản trị quốc gia trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Trên cơ sở những nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9 tháng 11 năm 2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra đối với nghiên cứu và đào tạo luật hành chính trong quản trị quốc gia ở nước ta trong giai đoạn mới, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã làm sáng tỏ những nội dung liên quan đến Khoa học luật hành chính, Luật Hành chính Việt Nam trong quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay.
GS.TS. Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo.
Với tham luận: “Sự phát triển của khoa học luật hành chính Việt Nam” GS.TS. Phạm Hồng Thái, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày về sự hình thành và phát triển của khoa học luật hành chính Việt Nam từ năm 1945 đến nay, với những tiền đề hình thành, nghiên cứu của các nhà khoa học chuyên ngành Luật Hành chính. GS.TS. Phạm Hồng Thái cũng cho rằng, để nghiên cứu, phát triển khoa học hành chính, rất cần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính nhà nước, phương thức, cách thức, hình thức, phương pháp làm việc, hoạt động bộ máy hành chính nhà nước với sự tham gia phối hợp của các thiết chế trong hệ thống chính trị.
TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp trình bày tham luận.
Chia sẻ “Một số vấn đề về quyết định hành chính – Sự cần thiết ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính”, TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng quyết định hành chính là một loại văn bản áp dụng pháp luật – chủ yếu do cơ quan hành pháp thực hiện – được ban hành với số lượng lớn và tác động trực tiếp tới quyền, lợi ích và nghĩa vụ của công dân nhưng còn thiếu các quy định có tính nguyên tắc cơ bản để điều chỉnh, nhất là thiếu các nguyên tắc về bảo đảm công khai, minh bạch, thiếu quy trình cơ bản tạo khuôn khổ pháp luật để ràng buộc các cơ quan nhà nước phải tuân theo khi ban hành quyết định hành chính. Điều đó cũng có nghĩa là pháp luật còn đang thiếu cơ chế kiểm soát hoạt động ban hành quyết định hành chính của các cơ quan công quyền, đặc biệt là các cơ quan hành chính – chủ thể chính ban hành các quyết định hành chính tác động ra bên ngoài. Nói cách khác, hoạt động ban hành quyết định hành chính chưa được điều chỉnh đầy đủ, thống nhất trong phạm vi toàn quốc bởi thiếu vắng một văn bản ở tầm luật. TS. Nguyễn Thị Kim Thoa đề xuất ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính để giải quyết những bất cập trong quá trình ban hành quyết định hành chính.
PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật chia sẻ tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật cho rằng, cần tiếp thu kiến thức Luật Hành chính của Việt Nam từ giai đoạn trước và học tập kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia phát triển, như Đức, Nga. Cần đưa vào những kiến thức mới như Hợp đồng hành chính; quan niệm về Luật Hành chính có mối quan hệ bình đẳng giữa cơ quan nhà nước với người dân; quan điểm phòng, chống tham nhũng đối với thủ tục hành chính; những kiến thức về kiểm soát quyền lực về hành chính nhà nước.
GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, nguyên Trưởng khoa, Khoa Pháp luật hành chính nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Bên cạnh 30 bài tham luận được in trong kỷ yếu Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã có những thảo luận, chia sẻ xoay quanh những nhiệm vụ cần nghiên cứu trong thời gian tới của khoa học luật hành chính: tiếp tục thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật hành chính, khoa học luật hành chính; nghiên cứu những vấn đề cơ bản đặt ra, các trường phái khoa học luật hành chính ở Việt Nam, pháp luật về ngành, lĩnh vực bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cách tiếp cận xây dựng luật hành chính, từ đó có những thay đổi trong nghiên cứu về pháp luật hành chính; quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia, quản trị địa phương; lịch sử phát triển của luật hành chính; pháp luật hành chính ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra phát biểu.
Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Diệu Oanh trân trọng cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận tích cực được các nhà khoa học trình bày trực tiếp tại Hội thảo, cùng 30 tham luận kỷ yếu Hội thảo, qua đó làm đầy đủ, sâu sắc và thấu đáo hơn nữa nhận thức về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia. Những tham luận đầy tâm huyết, có giá trị cao tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, phát triển đầy đủ, hiệu quả, góp phần tham vấn, hoàn thiện chính sách, pháp luật về pháp luật hành chính trong quản trị quốc gia, đồng thời, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật nói riêng và Học viện Hành chính Quốc gia nói chung; là gợi mở trong việc mở mã ngành đào tạo tiến sĩ ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội thảo.
Như Ngọc