Sáng ngày 27/10/2017, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý công chức theo vị trí việc làm – thách thức và giải pháp”. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải – Trưởng Khoa chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: TS. Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; nguyên Phó Giám đốc Học viện: GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh; GS.TS. Phạm Hồng Thái – nguyên Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Võ Kim Sơn – nguyên Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự; PGS.TS. Ngô Thành Can – nguyên Phó Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự; PGS.TS. Vũ Duy Yên – Giảng viên cao cấp, Khoa Hành chính học; TS. Đinh Duy Hòa – nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; ông Thái Quang Toản – Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Ngọc Vân – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ; TS. Tạ Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước; PGS.TS. Vũ Thị Loan – Giảng viên cao cấp, Đại học Hải Phòng; TS. Đỗ Thị Tươi – Phó Trưởng Khoa Quản lý nguồn nhân lực, Đại học Lao động – Xã hội; lãnh đạo các khoa, ban, đơn vị của Học viện; cán bộ, giảng viên Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự cùng các nghiên cứu sinh và sinh viên chuyên ngành.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải nhấn mạnh: đội ngũ cán bộ, công chức đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước ở bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam hiện nay, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này là một trong những nội dung mà chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 đề ra. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện đó là cải cách quản lý công vụ, công chức.
Vận dụng xu hướng chung của thế giới trong cải cách hành chính, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản làm cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi quản lý công chức từ mô hình chức nghiệp sang mô hình vị trí việc làm (VTVL). Trên cơ sở đó, các cơ quan hành chính nhà nước đã và đang tiến hành thực hiện một số hoạt động, như: xây dựng đề án VTVL, tuyển dụng công chức theo VTVL, thi tuyển chức danh lãnh đạo, bồi dưỡng công chức theo VTVL… Tuy nhiên, quá trình thực hiện trong những năm qua cho thấy, đây là việc không đơn giản bởi có nhiều khó khăn, thách thức nảy sinh. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo, các đại biểu sẽ tích cực trao đổi và đưa ra các luận cứ khoa học để có cơ sở kiến nghị giải pháp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị khi thực hiện quản lý công chức theo VTVL. Đây cũng là nội dung hữu ích giúp giảng viên của Khoa có điều kiện tiếp cận và nâng cao năng lực trong nghiên cứu, giảng dạy về tổ chức và quản lý nhân sự trong cơ quan hành chính nhà nước tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận và các ý kiến đóng góp liên quan đến chủ đề Hội thảo, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề của quản lý công chức theo VTVL một cách tổng thể trên cả phương diện lý luận và thực tiễn triển khai ở Việt Nam. Nhìn chung, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, quản lý công chức theo mô hình VTVL có nhiều ưu điểm hơn so với mô hình chức nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng các ưu điểm của mô hình này khi áp dụng vào thực tiễn ở Việt Nam hiện vẫn còn là vấn đề khó. Đặc biệt, khi mà hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra không chỉ liên quan đến mặt nhận thức về khái niệm VTVL mà còn liên quan đến những khó khăn, thách thức và cách thức triển khai trên thực tế. Trước những khó khăn, thách thức đó, các đại biểu cũng cho rằng, để có thể thực hiện thành công việc chuyển đổi cách thức quản lý công chức từ mô hình cũ sang mô hình quản lý theo VTVL đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải trân trọng cám ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo. Đồng thời khẳng định, Hội thảo đã cung cấp dung lượng kiến thức lớn không chỉ về mặt lý luận mà còn cả về mặt thực tiễn của việc chuyển đổi sang mô hình quản lý công chức theo VTVL ở Việt Nam hiện nay. Đây là những gợi mở bước đầu cho chặng đường tiếp theo ở Việt Nam trong nghiên cứu về mặt lý luận cũng như trong nghiên cứu, giải quyết những vấn đề đặt ra của thực tiễn cải cách chế độ công vụ, công chức, đặc biệt là cải cách cách thức quản lý công chức ở nước ta hiện nay nhằm đáp ứng những yêu cầu, mục tiêu của cải cách hành chính nhà nước.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 25 bài tham luận có giá trị được gửi đến, đồng thời biên tập và xuất bản Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý công chức theo vị trí việc làm – Thách thức và giải pháp”. Nội dung Kỷ yếu được xây dựng hệ thống với 3 nhóm vấn đề: (1) Những khó khăn, thách thức, giải pháp chung khi thực hiện quản lý công chức theo VTVL; (2) Hoạt động cụ thể áp dụng quản lý công chức theo VTVL; (3) VTVL, khung năng lực – công cụ quan trọng để quản lý công chức theo VTVL. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý đã và đang trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý công chức theo VTVL và các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đang nghiên cứu, giảng dạy chuyên môn liên quan đến chủ đề này. Đặc biệt, đây còn được coi tài liệu khoa học phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, giảng dạy các nội dung liên quan tại Học viện Hành chính Quốc gia mà Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự đảm trách./.
Đoàn Kim Huy