Hội thảo khoa học: “Quản lý rác thải sinh hoạt ở đô thị – Thực trạng và giải pháp”

(napa.vn) – Sáng ngày 26/6/2024, tại Hà Nội, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo “Quản lý rác thải sinh hoạt ở đô thị – Thực trạng và giải pháp”. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội chủ trì Hội thảo.

1. quang cảnh

Quang cảnh Hội thảo

Dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời, có: GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo một số đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Quản lý xã hội. Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới 3 phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Quảng Nam.

2. thầy Ánh

PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh nêu rõ, sau gần 40 năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm trở lại đây, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trong cả nước. Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn, chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính bền vững. Việc tập trung dân cư ở các đô thị hóa mạnh dẫn đến hệ lụy về ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải sinh hoạt.

Hiện nay Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác/ngày, trong đó có 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Rác thải chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường, đặc biệt nghiêm trọng tại các thành phố lớn.

Do vậy, nhằm tăng cường nhận thức về quản lý rác thải sinh hoạt ở các đô thị, góp phần vào việc đưa các vấn đề này vào xây dựng và thực thi chính sách; vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia đã có nhiều chuyên đề bồi dưỡng và môn học có liên quan đến vấn đề này.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những định hướng, giải pháp thích hợp tiếp tục nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với vấn đề rác thải sinh hoạt đô thị, từng bước nâng cao chất lượng sống ở đô thị ở nước ta hiện nay.

3. Thắng

TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham luận tại Hội thảo

Tham luận nội dung “Chính sách pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Trung Thắng nêu rõ, hiện nay tổng lượng chất thải rắn thải ra hằng ngày tại 61/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam là khoảng gần 68 nghìn tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 38 nghìn tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng gần 30 nghìn tấn/ngày). Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý và tăng cường tái chế, tận dụng tài nguyên. Nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án để tổ chức triển khai thực hiện.

Tuy Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, luật và các quy định về quản lý chất thải rắn, phòng ngừa, giảm thiểu rác thải ra môi trường, tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Vẫn còn thiếu các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý chất thải rắn; thiếu hướng dẫn triển khai các chính sách. Một số địa phương chưa ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng, vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Từ những khó khăn, bất cập về xử lý chất thải rắn sinh hoạt nêu trên, TS. Nguyễn Trung Thắng gợi ý một số giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cụ thể: (1) Cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ từ phân loại, thu gom, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt; (2) Xây dựng các cơ chế, chính sách và bộ máy quản lý để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thu gom và tái chế chất thải rắn sinh hoạt; (3) Đối với chất thải nhựa, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về thuế, phí và xử lý vi phạm liên quan đến chất thải nhựa. Cần nghiên cứu sửa đổi Luật.

4. Vượng

TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số trong bảo vệ môi trường, trong đó có ứng dụng thiết bị hiện đại, công nghệ cao vào xử lý chất thải sinh hoạt tại đô thị. Chuyển đổi số gắn với bảo vệ môi trường là chuyển đổi xanh để phát triển môi trường bền vững. Việc chuyển đổi số trong xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt là xu hướng tất yếu để tiết kiệm nhân lực, chi phí cũng như giảm tác hại đến sức khỏe con người, đồng thời nâng cấp mô hình quản lý rác thải thông minh tại đô thị.

Theo TS. Lại Đức Vượng, cần đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm và số hóa dữ liệu trong quản lý rác thải. Đây là phương án khả thi giúp quản lý thu gom, xử lý rác thải tại đô thị hiệu quả, dễ dàng hơn. Rất mong Hội thảo sẽ có những đóng góp thiết thực từ những chia sẻ, ý kiến đóng góp mang tính thực tiễn cao từ các chuyên gia về lĩnh vực bảo vệ môi trường, góp phần thực tiễn vào kinh nghiệm trong giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên cũng như sinh viên Học viện trong thời gian tới.

5. Dũng

GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Chia sẻ nội dung “Giải pháp phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các nhà ở cao tầng tại các đô thị”, GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng nêu ra những lo lắng về thực trạng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các công trình nhà ở cao tầng hiện nay. Qua những đánh giá hiện trạng và tình hình rác thải của cả nước nói chung và các khu nhà cao tầng nói riêng đã cho thấy một hình ảnh thực tại đáng báo động về sự ô nhiễm trầm trọng trong môi trường sống của các khu đô thị, sự thiếu hụt và xuống cấp của hệ thống hạ tầng các khu chung cư, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển chung của toàn xã hội.

Do vậy, rất cần thiết các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống ống thu rác trong nhà chung cư cao tầng. Hệ thống này phải được áp dụng các ống công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn phòng chống cháy và vệ sinh môi trường. Mô hình quản lý và thu gom rác thải phù hợp là sự kết hợp giữa các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trên thế giới và giải pháp xã hội mang tính cộng đồng phù hợp với phong tục tục tập quán và phong cách sống chung của người Việt Nam. Vị trí của hệ thống ống thu rác phải phù hợp cho việc đổ rác của người dân và thuận tiện cho việc vận chuyển rác của công nhân vệ sinh môi trường. Phải có phương án vận chuyển thực tế các loại rác không thể vứt bỏ bằng ống thu rác, phương thức hữu hiệu nhất là phải có biện pháp thu gom thủ công các loại rác cồng kềnh, có khối tích lớn… Các yêu cầu chung của hệ thống ống thu rác cho nhà chung cư cao tầng là phải phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu và nếp sống của cư dân Việt Nam kết hợp với các công nghệ tiên tiến của thế giới, tiện lợi cho việc đổ rác cũng như dễ dàng vận chuyển rác ra khỏi tòa nhà cao tầng. Hệ thống ống thu rác nhà chung cư cao tầng là hệ thống đổ rác theo kiểu trọng lực, được sử dụng cho các nhà cao tầng, đặc biệt phù hợp cho các loại rác thải. Hệ thống ống thu rác nhà chung cư cao tầng phải phù hợp cho xây dựng bên trong, bên ngoài. Hệ thống ống thu rác nhà chung cư cao tầng có thể được cung cấp theo một bộ hoàn chỉnh.

Từ những ý kiến đã nêu, GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các nhà ở cao tầng tại các đô thị đã và đang là vấn đề cần thiết đối với các khu đô thị, đang được xây dựng nhà càng nhiều tại các đô thị. Vì vậy, với các hướng dẫn về phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các nhà ở cao tầng tại các đô thị là hết sức cần thiết cũng như các giải pháp về phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong các nhà ở cao tầng tại các đô thị, nhằm hướng tới góp phần xây dựng đô thị văn minh, xanh sạch đẹp.

6. Kim

TS. Hoàng Sỹ Kim, nguyên Trưởng khoa, Khoa Quản lý nhà nước về Đô thị và Nông thôn, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo, TS. Hoàng Sỹ Kim đã trình bày một số kinh nghiệm xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam. Các kinh nghiệm được nêu ra trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị trên thế giới, gồm: (1) Ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải: thực hiện biện pháp này giúp các quốc gia giảm thiểu được luợng phát thải. Việc xử lý sẽ trở nên đơn giản hơn khi các tổ chức, cá nhân có thể giảm chất thải ra ngay từ giai đoạn đầu và giảm tính độc hại của rác thải bằng cách giảm thải rác có chứa chất nguy hiểm trong sản phẩm được sản xuất hoặc lựa chọn tiêu dùng của người dân; (2) Sử dụng lại và tái chế quay vòng: nếu không thể giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm sinh hoạt sẽ thải ra môi trường thì nên dùng các sản phẩm có tính tái sử dụng một cách tốt nhất; (3) Cải thiện và giám sát tiêu hủy, loại bỏ những chất thải rắn còn lại: với những rác thải không thể tái chế thì phải được đốt một cách an toàn, bãi chôn lấp chỉ nên sử dụng như phương án cuối cùng. Cả 2 phương án này đều cần được giám sát chặt chẽ vì đều có thể gây hại nghiêm trọng cho môi trường; (4) Sử dụng hiệu quả các kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị.

TS. Hoàng Sỹ Kim đưa ra một số giải pháp, như: tăng cường tái sử dụng và tái chế rác triệt để; đốt rác thải để phát điện; phân loại rác và đổ rác đúng nơi quy định; đốt rác thải một cách triệt để bằng công nghệ CFB (công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi); cải thiện hệ thống và quy trình thu gom nguyên liệu để tái chế; cải thiện chất lượng vật liệu tái chế để sản xuất.

7. Định

TS. Nguyễn Viết Định, giảng viên Khoa Quản lý xã hội tham luận tại Hội thảo

Với tham luận “Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị thích hợp ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Viết Định nêu ra một số công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay đang áp dụng tại các đô thị: công nghệ chôn lấp; công nghệ sinh học chế biến phân vi sinh; công nghệ đốt, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, điện rác và một số công nghệ xử lý tái chế/tái sử dụng CTRSH khác. Tuy nhiên các công nghệ này mới chỉ được sử dụng tại một số đô thị và chưa tiếp cận được phương thức quản lý tổng hợp trên quy mô lớn, chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp để giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp (hoạt động nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải rắn là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong quản lý chất thải).

Từ những công nghệ và phương thức xử lý đã nêu, TS. Nguyễn Viết Định nhấn mạnh, các thành phần trong chất thải sinh hoạt có thể được tái chế. Chỉ còn lại một tỷ lệ chất thải rất nhỏ phải đem chôn lấp. Điều này sẽ tiết kiệm chi phí xử lý rất nhiều so với việc đem chôn lấp, hoặc đốt hoàn toàn để phân hủy mà không thu hồi năng lượng. Tái chế chất thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Tái chế rác thải là một trong những cách giúp hạn chế việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tái chế có thể ở dạng tái sinh hoặc tái tạo lại giá trị hoặc tiếp tục tận dụng giá trị. Từ đó, có thể áp dụng, lựa chọn công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị Việt Nam một cách phù hợp nhất, trong đó, cần phải xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý, lựa chọn công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt theo hướng phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Học viện để Khoa tổ chức Hội thảo thành công tốt đẹp. Bện cạnh gần 40 bài tham luận đã được in Kỷ yếu, Hội thảo còn được nghe những ý kiến của các chuyên gia, giảng viên chia sẻ trực tiếp tại Hội thảo về các nội dung: thu gom xử lý rác thải, phân loại rác, đầu tư công nghệ, máy móc xử lý rác; truyền thông về thu gom, phân loại rác còn hình thức… Các ý kiến đều mang tính thực tiễn và ứng dụng cao trong hoạt động xử lý, thu gom rác thải rắn sinh hoạt hiện nay. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiếp thu các góp ý, chia sẻ của các chuyên gia, các nhà khoa học và chọn lọc, triển khai trong xây dựng giáo trình chuyên ngành, tài liệu liên quan phục vụ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dành cho các học viên, sinh viên Học viện.

8. tập thể

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Như Ngọc – Hải Long

Comments are closed.