Hội thảo khoa học: Quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp

(napa.vn) – Sáng ngày 24/10/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học thảo luận về chủ đề: Quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp. TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía khách mời, có: ông Hà Khắc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Tổng hợp Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính; ông Đặng Quốc Việt, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính; PGS. TS. Lương Ngọc Trịnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Về phía Học viện, có: TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thao, nguyên Trưởng Khoa Quản lý nhà nước về kinh tế; đại diện lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện; các chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên cùng toàn thể giảng viên, viên chức, người lao động Khoa Quản lý kinh tế tham dự.

z4815547697594_9c1fa779d0c58260dcf062d4fe2d99ec

TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Toàn Thắng, Trưởng khoa, Khoa Quản lý kinh tế cho biết: Việt Nam đã và đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với quan điểm coi thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhà nước; trong đó, doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước được xem là lực lượng nòng cốt.

Tuy vậy, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước sở hữu nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối, các doanh nghiệp nhà nước chưa có vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước tuy chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng lại đang sở hữu nguồn vốn lớn, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Thêm nữa, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu thiên về “hướng nội”. Các chỉ tiêu, kế hoạch còn thiên về lượng, chưa chú trọng đến chất. Việc đổi mới quản trị doanh nghiệp triển khai chậm, chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại. Việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hình thức, chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Xuất phát từ những bất cập trên, Hội thảo mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ về các chủ đề:

1. Tổng quan về doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước; kết quả hoạt động và những khó khăn còn tồn tại

2. Kinh nghiệm quốc tế về mô hình quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp và hệ thống tiêu chí, các biện pháp quản lý giám sát đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…)

3. Các nhân tố ảnh hưởng chủ yếu đến hiệu quả quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới mô hình nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn của nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp có vốn của nhà nước.

 z4815548319764_30a2301d9399173c9e2112df84b02c0d

Ông Hà Khắc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp trình bày tham luận tại Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Tổng quan về doanh nghiệp nhà nước – Lựa chọn mô hình quản lý và giám sát”, ông Hà Khắc Minh cho biết tại Điều 51 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Trong đó nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nồi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ti nhà nước hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo phương thức khép kín, thực hiện gần như toàn bộ các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín nội bộ, chưa tạo nhiều điều kiện đê doanh nghiệp khác tham gia. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Hiệu quả đầu tư trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng khi phê duyệt dự án, một số dự án có lỗ lũy kế lớn, lỗ liên tiếp trong nhiều năm, phương thức tái cấu trúc chưa hiệu quả. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai; công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đấy. Trách nhiệm thực thi quyền chủ sở hữu nhà nước chưa thật sự rõ ràng; cơ quan đại diện chủ sở hữu thiếu nguồn lực để hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả thể hiện qua việc chưa thực hiện triệt để việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại; chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn; công nghệ và công cụ quản trị kinh doanh chậm đổi mới. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm như đối với viên chức nhà nước, không tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường…

Ông Hà Khắc Minh cũng đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp của doanh nghiệp nhà nước; xử lý dự án thua lỗ, kém hiệu quả, rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng dự án và có phương án xử lý hợp lý, kịp thời, giảm thiếu tối đa tổn thất cho nhà nước và xã hội; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động, kiểm tra, giảm sát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế giám sát, Đẩy mạnh công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp nhà nước; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; thúc đẩy vai trò giám sát của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

 z4815548458151_b348d6a6494036db8ae7b0735a928de4

Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Tổng hợp Cục Tài chính doanh nghiệp trình bày tham luận tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Duy Long với tham luận: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp” đã đưa ra 5 tồn tại, hạn chế của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 sau gần 9 năm thực hiện và các văn bản hướng dẫn cho thấy đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: tên, phạm vi điều chỉnh của Luật; đối tượng áp dụng; xác định nội hàm quản lý; công tác quản lý vốn nhà nước chưa được tách bạch, rõ ràng theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII); phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Ông Long cũng đưa ra đề xuất nhằm hoàn chỉnh pháp luật về quản lý vốn đầu tư tại doanh nghiệp: Điều chỉnh tên Luật “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, Phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đối tượng áp dụng chưa bao gồm các doanh nghiệp có vốn nhà nước góp dưới 100% vôn điều lệ, các doanh nghiệp có vốn góp của các tô chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các doanh nghiệp có vốn góp của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp dẫn đến khoảng trống về pháp lý, việc tổ chức thực hiện không đảm bảo thống nhất. Việc xác định nội hàm quản lý đối với vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xuyên suốt, còn đồng nhất vốn, tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước đâu tư là vốn, tài sản của Nhà nước… Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của cơ quan quản lý chủ sở hữu cho ý kiên đối với việc quyết định huy động vốn của doanh nghiệp, quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp).

z4815547840002_d21080d1aef84c1eb698e73a218c3079

PGS. TS. Lương Ngọc Trịnh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

PGS.TS. Lương Ngọc Trịnh với tham luận “Một vài suy nghĩ những yếu tố cơ bản tác động đến quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp” cho biết tại Việt Nam, thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp nhà nước đang được tích cực đổi mới, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đến từ cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan:

Một là, các doanh nghiệp nhà nước (nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn) về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác; các doanh nghiệp nhà nước chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Hai là, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; khu vực doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm dần quy mô và tỷ lệ đóng góp ở tất cả các chỉ tiêu về hiệu quả trong giai đoạn 2016 – 2021. Các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung đang có chỉ số nợ cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp; chỉ hoạt động hiệu quả ở rất ít ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc viễn thông, tài chính-ngân hàng, chưa thực sự làm tốt vai trò nòng cốt của nền kinh tế.

Ba là, năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (kể cả của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn) vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Bốn là, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thiên về “hướng nội”; các chỉ tiêu, kế hoạch còn thiên về lượng, chưa chú trọng đến chất; công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tiệm cận theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại.

Năm là, công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chưa được quan tâm nghiêm túc; còn chịu tác động của các nhóm lợi ích, dẫn tới tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm.

Sáu là, công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa xứng tầm, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường…

 z4815548546312_c97e82004a0beeaa3488ce2c9d118036

TS. Đặng Xuân Hoan, nguyên Giám đốc Học viện chia sẻ một số nội dung tại Hội thảo.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Đặng Xuân Hoan khẳng định những nội dung các chuyên gia trao đổi tại Hội thảo mang tính thời sự của những vấn đề quản lý nguồn vốn; đánh giá, phân tích những hạn chế dưới nhiều góc độ, như: văn hóa, tâm lý, điều kiện, yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đổi mới quản lý và đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn là nguồn tài liệu quý phục vụ cho giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Học viện. TS. Đặng Xuân Hoan cũng đưa ra những nguyên nhân sâu xa của chế độ sở hữu; những ưu đãi độc quyền đã thủ tiêu động lực tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng khoa học – công nghệ cũng như tính chủ động; những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa…

z4815548248987_2381063443f1f5fc908d4043501f5965

Toàn cảnh Hội thảo

Qua các ý kiến phát biểu và trao đổi trong Hội thảo đều ghi nhận rằng trong giai đoạn tiếp theo, nhất là những năm tới, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế trở nên mạnh mẽ, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… thì vấn đề đa dạng hoá hình thức sở hữu và đổi mới phương thức quản lý vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp là hai yếu tố có tính chất cấp thiết, sống còn đối với sự phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế ở nước ta.

 z4815547640432_46267d4ba66a92202485e633491e6666

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.

Tổng kết Hội thảo, TS. Lê Toàn Thắng trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, giá trị xuất phát từ lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học đã tiếp tục khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp.

Phạm Hải Long

Comments are closed.