Hội thảo khoa học quốc tế: “Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính: Kinh nghiệm của Việt Nam và Cu-ba”

(napa.vn) – Tối ngày 21/12 (theo giờ Việt Nam), Học viện Hành chính Quốc gia đã phối hợp với Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cuba tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính: Kinh nghiệm của Việt Nam và Cu-ba”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Cu-ba, Hà Nội và 3 phân viện của Học viện từ TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế.

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Cu-ba có: Giáo sư Mercedes Delgado Fernández, Hiệu trưởng Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba; GS. Ana Gloria Navarro Pentón, Phó hiệu trưởng cùng cán bộ, giảng viên của Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba.

Tại điểm cầu Hà Nội có: ông Joy Puentes Saldise, Đại diện lâm thời, Đại sứ quán Cộng hòa Cu-ba tại Việt Nam; TS. Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia, có: TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện, Chủ trì Hội thảo; Đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện, các diễn giả, nhà khoa học tham dự Hội thảo.

z4999731428385_710c740e27e6af0d623b16e75cdecbd6

 TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Lại Đức Vượng đã thay mặt lãnh đạo và viên chức Học viện trân trọng gửi lời cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, đại diện Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam, các đại biểu, các nhà khoa học của Cu-ba và Việt Nam tới tham dự Hội thảo do Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba phối hợp tổ chức.

Đối với Học viện Hành chính Quốc gia, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba trong đào tạo và bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý là một trong những nội dung ưu tiên của Học viện, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Từ năm 2020 trở lại đây, hằng năm, hai bên đều tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo và bồi dưỡng công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo, quản lý.

Trên cơ sở yêu cầu về khoa học và thực tiễn đã trao đổi, thảo luận giữa hai bên, Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Trường cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba thống nhất phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ngày hôm nay. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và Cu-ba trao đổi, làm rõ bối cảnh cải cách hành chính và những yêu cầu đặt ra đối với công chức lãnh đạo, quản lý; kinh nghiệm của Việt Nam và Cu-ba trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm, các thực tiễn tốt có thể áp dụng ở mỗi quốc gia.

Với kinh nghiệm nhiều năm đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và đổi mới đất nước, Học viện Hành chính Quốc gia sẵn sàng chia sẻ cùng Trường những bài học kinh nghiệm của Học viện, đồng thời cũng rất mong muốn học hỏi những kinh nghiệm quý báu của Trường để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý và cùng Cu-ba đồng hành phát triển, xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và hạnh phúc ở mỗi quốc gia.

Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của Việt Nam và Cu-ba:  

 z4999731440153_3503f5550613d8fee275ea10d0145e60

TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày tham luận.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Cải cách hành chính và yêu cầu đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam”. TS. Đinh Duy Hòa đã đưa ra 4 nội dung chính của tham luận: (1) Tại sao Việt Nam phải cải cách hành chính; (2) Quá trình cải cách hành chính ở Việt Nam; (3) Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; (4) Yêu cầu đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý.

Qua đó TS. Đinh Duy Hòa khẳng định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong các mục tiêu cụ thể của cải cách hành chính, trong đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò quan trọng trong hoạt động công vụ. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý qua đào tạo, bồi dưỡng là hết sức cần thiết. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo ra sự thay đổi tư duy về vai trò, chức năng của Nhà nước và của các cơ quan hành chính trong điều kiện kinh tế thị trường; nâng cao năng lực xây dựng thể chế, hoạch định chính sách của đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

 z4999731505444_f43e8ccedc4c0916c929032dab74ba4f

 Các đại biểu tại điểm cầu Cu-ba.

Với tham luận “Kinh nghiệm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý tại Cu-ba”, Giáo sư Mercedes Delgado Fernández, Hiệu trưởng Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba cho biết: Tại Cu-ba, Pháp luật 13 năm 2020 và Sắc lệnh 208 năm 2021 của Chủ tịch nước về hệ thống việc làm đối với công chức nhà nước và lực lượng dự bị được ban hành, trong đó quy định những cán bộ trước khi đảm nhiệm vị trí, chức vụ quản lý phải là cán bộ dự bị và trải qua các hoạt động dự bị. Bên cạnh sự chuẩn bị toàn diện để đảm nhận vị trí mới còn phải trang bị các kiến thức, kỹ năng cũng như tuân thủ nghiêm các thủ tục, quy định của pháp luật để bảo đảm được năng lực lãnh đạo, quản lý nhằm phát huy các kỹ năng liên quan đến vị trí chức vụ sắp được đảm nhận. Việc chuẩn bị toàn diện cho các cán bộ trước khi đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý được Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba hỗ trợ thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đến năm 2030, theo hướng dẫn xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội (5 năm một lần). Theo đó, chính sách cán bộ của Cu-ba được quy định từ quy trình lập pháp chặt chẽ theo Hiến pháp mới của Cu-ba phù hợp với bối cảnh phát triển trong nước và quốc tế. Tương tự, việc chuẩn bị toàn diện cho cán bộ này nhằm mục đích giúp các cán bộ tiếp thu các kỹ năng chung về quản lý và kỹ năng cụ thể về hành chính công và quản lý kinh doanh tùy theo từng vị trí việc làm của mỗi cán bộ được bố trí. Để có được các kỹ năng, phương pháp quản lý đổi mới, Trường Cán bộ cấp cao của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba sẽ thiết kế và xác nhận chương trình sẽ được sử dụng phục vụ cho công tác bồi dưỡng cán bộ nhằm bảo đảm rằng chương trình này không gặp vấn đề gì hoặc sẽ tiếp tục được cải tiến và được phê duyệt đưa vào hoạt động bởi lãnh đạo của Trường. Phương pháp được phê duyệt bao gồm các giai đoạn: khâu chuẩn bị, đưa ra các khái niệm về đổi mới nhằm thiết kế và thực hiện các quy định về hoạch định chính sách công cũng như tạo ra và đưa vào thực tiễn việc đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quy trình và công tác tổ chức.

Bên cạnh đó, các điểm khác của quá trình đào tạo tại Trường là sự kết hợp giữa các nhà quản lý hành chính công, các chuyên gia trong hoạt động quản lý kinh doanh đến từ các địa phương, các ngành sẽ đảm nhận giảng dạy mà các học viên, sinh viên thông qua các chương trình hội thảo gồm: hội thảo trao đổi, hội thảo tích hợp mô phỏng đa chiều, giảng dạy trực tuyến (nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra) đan xen với các chuyến tham quan thực tế sẽ giúp người học được trải nghiệm tốt nhất, chân thực nhất khi tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Trường. Cách làm có hệ thống này sẽ thúc đẩy khả năng trao đổi và học hỏi giữa giảng viên và học viên, sinh viên.

Quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, học viên, sinh viên của trường đã đạt được những thành tựu nhất định, như: 12 năm kể từ khi Trường được thành lập, đã có hơn 14.000 nhà quản lý đã tốt nghiệp theo nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Có 259 người từ 7 khóa học đào tạo sau đại học chuyên ngành hành chính công tốt nghiệp. Có 1.815 cán bộ Nhà nước và Chính phủ đã tốt nghiệp trong 26 khóa học (với 3 chương trình có cấp bằng khác nhau với thời gian bồi dưỡng kéo dài từ 10 – 12 tuần). Trường còn có nhiệm vụ tư vấn về mặt phương pháp cho 27 cơ quan được ủy quyền trong nước trong việc nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực hành chính công và quản lý kinh doanh.

Giáo sư nhấn mạnh, việc đào tạo các nhà quản lý với cách tiếp cận toàn diện, có chiến lược và với định hướng đổi mới mà Trường đang hoạt động và hướng đến sẽ tạo điều kiện cho sự thay đổi về tâm lý để đạt được một nền quản trị công và doanh nghiệp phục vụ người dân với tính minh bạch, nhanh nhẹn, hiệu lực và hiệu quả góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng thể chế, chính sách hướng đến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia đến năm 2030 và sự phát triển bền vững và thịnh vượng của chủ nghĩa xã hội ở Cu-ba trong thời gian tới.

So sánh, bình luận và rút ra các giá trị tham khảo đối với mỗi cơ sở đào tạo:

 z4999731417574_2f2023c6be8a391f7c774a119a93271c

TS. Bùi Huy Tùng, Trưởng ban, Ban Quản lý bồi dưỡng, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Đổi mới hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở Việt Nam”,  TS. Bùi Huy Tùng cho biết: Hội nhập quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, đòi hỏi các quốc gia phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các quốc gia phải nhanh chóng chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính công khai, trách nhiệm giải trình trong thực thi nhiệm vụ công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp.

Đối với các công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý, xu hướng trên đòi hỏi họ phải được trang bị, cập nhật kiến thức mới về Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, quản trị quốc gia, hội nhập quốc tế, công nghệ số, ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng theo vị trí việc làm, về kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế; đồng thời cũng tạo ra áp lực để Học viện Hành chính Quốc gia trong quá trình thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo quản lý các ngành, các cấp phải luôn phát huy tối đa nguồn lực nội tại cũng như tiếp cận với chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các nước tiên tiến, tiếp thu tinh hoa, cập nhật kịp thời các kiến thức, kỹ năng mới, phục vụ cho yêu cầu đa dạng của người học và yêu cầu cải cách hành chính nhà nước trong từng thời kỳ.

TS. Bùi Huy Tùng cũng nêu ra 9 giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới của Học viện:

Một là, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về tư duy, nhận thức, quyết tâm, trách nhiệm và động lực đổi mới, sáng tạo, tăng cường tiếp cận, ứng dụng kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ hiện đại của quốc tế, trong đó, xác định triển khai tổng thể đề án chuyển đổi số, chương trình tổng thể cải cách hành chính, đẩy nhanh việc áp dụng các kinh nghiệm, quy trình số hóa bài giảng, tư liệu, học liệu và hoàn thiện thư viện số; thực hiện số hóa thông tin, quy trình quản lý phục vụ hỗ trợ quản lý và ra quyết định, xây dựng con người số có khả năng sử dụng đa ngôn ngữ; nhanh chóng hoàn thiện nền tảng số cho đào tạo, bồi dưỡng; đảm bảo phát triển, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo hướng cung cấp kiến thức phục vụ hội nhập và cải cách hành chính, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của từng vị trí công tác, từng khu vực, từng đối tượng người học để xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng phù hợp với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn theo hướng tăng cường yếu tố thực tiễn; áp dụng phương pháp, kỹ thuật xây dựng chương trình, tài liệu tiên tiến thông qua tham khảo, tiếp thu các kiến thức, chương trình, học liệu trong và ngoài nước; tổ chức hội thảo quốc tế, tăng cường mời chuyên gia có uy tín trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng, đánh giá chương trình, tài liệu bồi dưỡng…

Ba là, tăng cường sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau phù hợp với nội dung bài giảng, đối tượng người học, mục tiêu giảng dạy, tạo hứng thú, sự chủ động, tích cực học tập cho người học.

Bốn là, đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số; triển khai các mô hình bồi dưỡng mới dựa trên các nền tảng số; đổi mới từ cách thức tổ chức đến việc đánh giá kết quả, hiệu quả của công tác bồi dưỡng theo chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ đề ra.

Năm là, tăng cường nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên nghiên cứu khoa học thông qua hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, thời gian; học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong việc đa dạng hóa nghiên cứu khoa học phục vụ nâng cao chất lượng giảng dạy; tạo cơ hội cho giảng viên tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, từ đó cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào giảng dạy, phục vụ cải cách hành chính.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, tiếp thu kịp thời kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng tiên tiến của các nước trên thế giới. Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, chuyên gia trong và ngoài nước am hiểu sâu về kiến thức, kỹ năng về quản trị quốc gia, hành chính nhà nước và thông hiểu nền hành chính quốc tế, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, cập nhật kỹ năng giảng dạy chuyên nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn hữu ích trong nước và nước ngoài cùng khả năng làm việc trên môi trường số. 

Bảy là, tăng cường mời các cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân có kinh nghiệm, năng lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước tham gia hoạt động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu vị trí việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc phối hợp, đóng góp, cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng.

Tám là, tăng cường công tác quản lý, giám sát, đánh giá chất lượng bồi dưỡng lãnh đạo quản lý.

Chín là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng, từng bước mở rộng quy mô, phạm vi cung ứng dịch vụ về bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu học tập của người học ở mọi nơi, mọi lúc, đáp ứng yêu cầu người học và cơ quan quản lý.

 z4999731455847_a5f139ed36f7942afc39efb71274ea64

PGS.TS. Hoàng Mai, Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia trình bày tham luận.

PGS.TS. Hoàng Mai  trình bày tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số ở Việt Nam”.

Tham luận tập trung vào 3 vấn đề chính: (1) Năng lực của công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số; (2) Thực trạng bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý từ yêu cầu xây dựng chính phủ số; (3) Đổi mới bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số.

Qua đó PGS. TS. Hoàng Mai đã đưa ra các yêu cầu của chính phủ số đối với bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý; yếu tố tác động đến bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng chính phủ số.

Từ thực trạng bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam PGS. TS. Hoàng Mai đưa ra 6 giải pháp đổi mới bồi dưỡng bao gồm: Một là, xây dựng khung năng lực số; Hai là, hoàn thiện thể chế về bồi dưỡng; Ba là, đổi mới chương trình bồi dưỡng; Bốn là, nâng cao nặng lực cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; Năm là, bảo đảm nguồn lực bồi dưỡng; Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế trong bồi dưỡng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Lại Đức Vượng thay mặt lãnh đạo và viên chức Học viện Hành chính Quốc gia gửi lời cảm ơn chân thành tới Đại sứ quán Cu-ba tại Việt Nam, Ban lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trường Cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba đã phối hợp với Học viện tổ chức thành công Hội thảo. TS. Lại Đức Vượng gửi lời cảm ơn tới các học giả, các chuyên gia Cu-ba và Việt Nam đã không quản ngại sự khác biệt về không gian và thời gian, tham gia, trình bày tham luận tại Hội thảo. Trân trọng cảm ơn các báo cáo viên và các viên chức, giảng viên Học viện tham gia Hội thảo.

 z4999761362803_24bde72f4c2272f134fbf704d7b04f93

 Các đại biểu tham dự Hội thảo tại đầu cầu Hà Nội.

Phạm Hải Long

Comments are closed.