Hội thảo Khoa học quốc tế “Quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số – Chính sách chính phủ số: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo trong quản trị số ở Việt Nam”, phối hợp giữa Học viện Hành chính Quốc gia, OECD và Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc

(napa.vn) – Chiều ngày 29/9/2021, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số – Chính sách chính phủ số: Kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo trong quản trị số ở Việt Nam”, dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự Hội thảo, về phía OECD có: bà Elsa Pilichowski, Giám đốc Văn phòng Quản trị Nhà nước OECD tại Paris, ông Hong Tack Chun, Giám đốc Điều hành Trung tâm chính sách OECD Hàn Quốc.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có TS. Đặng Xuân Hoan, Giám đốc Học viện, TS. Nguyễn Đăng Quế và PGS.TS Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện.

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của gần 100 học giả, chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu, giảng viên trong nước và quốc tế với 7 tham luận từ các chuyên gia Pháp, Canada, Hàn Quốc, Colombia, Việt Nam và trên 90 bài viết được gửi đến Ban Tổ chức Hội thảo với những quan điểm khoa học, góc nhìn và thông tin phong phú.

Elsa

Bà Elsa Pilichowski, Giám đốc Văn phòng Quản trị Nhà nước OECD tại Paris phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, bà Elsa Pilichowski, Giám đốc Văn phòng Quản trị Nhà nước OECD tại Paris thể hiện sự vui mừng được phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, Việt Nam và Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc tổ chức Hội thảo quốc tế về quản trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số. Bà nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của Hội thảo trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế   và hợp tác đa phương, tạo điều kiện cho các quốc gia học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm trong chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bà Elsa Pilichowski tin rằng, với tầm nhìn trở thành một trong các quốc gia phát triển hàng đầu về chính phủ điện tử và chính phủ số theo xếp hạng toàn cầu của Chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc, chiến lược xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025 là căn cứ quan trọng để Việt Nam đưa ra các quyết sách và kiến tạo các giá trị công phục vụ nhân dân. OECD rất sẵn sằng hỗ trợ và hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển một chính phủ có mức độ trưởng thành về số.

14

TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo và giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện nhiệt liệt chào mừng các chuyên gia quốc tế, các đại biểu, các nhà khoa học đã tham dự Hội thảo. TS. Nguyễn Đăng Quế nêu bật ý nghĩa của Hội thảo đối với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam với mục tiêu “ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội”, “phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. TS. Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh: “Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực số hóa cũng là nhân tố góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới”. Hội thảo nhằm tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quản trị số và xây dựng chính phủ số, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao năng lực quản trị số ở Việt Nam. Hội thảo cũng tạo diễn đàn để các giảng viên, các nhà nghiên cứu, các nhà thực tiễn của Việt Nam tham gia các sinh hoạt khoa học quốc tế, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và làm việc trong môi trường quốc tế.

1. Hong-Tack Chun

Ông Hong-Tack Chun, Giám đốc điều hành Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo, ông Hong-Tack Chun cảm ơn các diễn giả là các chuyên gia của OECD, chuyên gia Hàn Quốc, Canada và Colombia đã nhiệt tình tham gia trình bày tại Hội thảo. Ông vui mừng chào đón các đại biểu, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đã tham gia Hội thảo, bất chấp những khác biệt về không gian và thời gian. Ông Hong-Tack Chun bày tỏ lời cảm ơn đặc biệt tới OECD, Học viện Hành chính quốc gia đã hết sức nỗ lực phối hợp tổ chức Hội thảo. Ông Hong-Tack Chun tin tưởng rằng, Hội thảo là diễn đàn để các học giả, các chuyên gia, các nhà thực tiễn chia sẻ quan điểm, đề cập đến các vấn đề mấu chốt, các khuynh hướng và thực tiễn điển hình về chính phủ số, là cơ hội thú vị để học hỏi kinh nghiệm xác định và triển khai các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi số của mỗi quốc gia.

4.Tham luan 1. Barbara

Bà Barbara Ubaldi, Trưởng ban, Ban Chính phủ mở và đổi mới, Văn phòng Quản trị nhà nước, OECD tại Pháp tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, bà Barbara Ubaldi, Trưởng Ban Chính phủ mở và đổi mới, Văn phòng Quản trị nhà nước, OECD tại Pháp trình bày tham luận: “Xây dựng chính phủ có năng lực và mức độ trưởng thành số: sử dụng Khung chính sách Chính phủ số OECD”. Tham luận nêu rõ, những thách thức về kinh tế – xã hội và môi trường ngày càng phức tạp đi kèm với kỳ vọng lớn hơn của người dân về khả năng ứng phó của Chính phủ đối với những thách thức mới nổi và bất ngờ. Chính phủ số dựa trên một hệ sinh thái bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức/hiệp hội của người dân và các cá nhân hỗ trợ quá trình tạo ra và truy cập dữ liệu, dịch vụ và nội dung thông qua các tương tác với chính phủ. Chính phủ số đề cập đến việc ứng dụng công nghệ số như một phần tích hợp trong chiến lược hiện đại hóa của các chính phủ nhằm tạo ra các giá trị công. Bà  Ubaldi đã giới thiệu Khung chính sách chính phủ số của OECD gồm 6 trụ cột:  áp dụng công nghệ số từ khi thiết kế, khu vực công hoạt động dựa trên dữ liệu, chính phủ như một nền tảng số, mặc định mở, định hướng người dùng và sự chủ động. Bà Ubaldi cũng chia sẻ các điều kiện tiên quyết để phát triển chính phủ số, bao gồm sự nỗ lực dài hạn, sự thay đổi về văn hóa và phương thức làm việc, áp dụng công nghệ để hỗ trợ cho các giải pháp, kết hợp hiệu quả giữa quản lý, chiến lược, dữ liệu và các yếu tố hỗ trợ, nhận thức được tầm quan trọng của tiến trình tìm hiểu và học hỏi không ngừng.

6. Luu Kiem Thanh

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

“Bình luận về khung chính sách chính phủ số của OECD” do  bà Barbara Ubaldi giới thiệu, PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã mang đến cho Hội thảo một góc nhìn trực quan hơn về khả năng áp dụng 6 trụ cột của khung chính sách chính phủ số của OECD vào thực tiễn Việt Nam với những minh họa cụ thể về những nỗ lực hiện hành và định hướng chính sách của Việt Nam trong xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Chính phủ từ trung ương tới địa phương.

7

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Hoàng Hữu Hạnh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính – Viễn thông với tham luận:“Xác định các yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính phủ số ở Việt Nam” gồm: hạ tầng kỹ thuật số hướng tới dịch vụ dựa trên điện toán đám mây; không gian dữ liệu quốc gia để việc ra quyết định hiệu quả hơn; trang bị kiến thức kỹ thuật số cho mọi người và sức mạnh tổng hợp của các sáng kiến để có sự can thiệp toàn diện. Ông cũng nêu bật những yếu tố cần để xây dựng khung pháp lý cho chuyển đổi kỹ thuật số gồm: quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về liên kết và chia sẻ dữ liệu cũng như xây dựng Luật về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…

10

Ông Mark Levene – Chuyên gia về Đối tác Chính phủ số, Trưởng ban Mạng lưới và Quan hệ liên chính phủ, Ủy ban Tư vấn Tài chính cho Chính phủ Canada tham luận tại Hội thảo.

Ông Mark Levene – Chuyên gia về Đối tác Chính phủ số, Trưởng ban Mạng lưới và Quan hệ liên chính phủ, Ủy ban Tư vấn Tài chính cho Chính phủ Canada đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ số của Ca-na-đa với tham luận: “Hành trình đến chính phủ số của Ca-na-đa” thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược thực thi số gồm 4 trụ cột: hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin hiện có, cải tiến trải nghiệm dịch vụ người dùng, triển khai áp dụng và tiến hành chuyển đổi số trong toàn bộ cơ quan, tổ chức.

11

Bà Lina Marcela Morales Moreno, Trưởng Ban Chuyển đổi số và Xây dựng năng lực, Cục Xây dựng năng lực số, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Colombia tham luận tại Hội thảo.

Bà Lina Marcela Morales Moreno, Trưởng Ban Chuyển đổi số và Xây dựng năng lực, Cục Xây dựng năng lực số, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Colombia với tham luận: “Năng lực và kỹ năng chính phủ số” nhằm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính phủ số của Colombia tới Việt Nam qua thực tiễn xây dựng chỉ số chính phủ số làm thước đo đánh giá chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Bài trình bày của bà nhấn mạnh tới chiến lược xây dựng năng lực chính phủ số và thách thức nâng cao năng lực số cho đội ngũ công chức trong xây dựng chính phủ số từ trung ương đến địa phương.

9

Ông Sung Joo Son, Trưởng Ban Hợp tác về Chính phủ số, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc tham luận tại Hội thảo.

Giới thiệu kinh nghiệm “Đổi mới chính phủ số ở Hàn Quốc”, ông Sung Joo Son, Trưởng Ban Hợp tác về Chính phủ số, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc đã trình bày tổng quan về chính phủ số ở Hàn Quốc, kế hoạch tổng thể chính phủ số đến năm 2025 của Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh những đổi mới hiện tại và tương lai  phản ánh khung chính sách chính phủ số của OECD.

Các tham luận của các chuyên gia quốc tế tại Hội thảo đã tạo diễn đàn để các đại biểu nghiên cứu, trao đổi về thực tiễn xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Việt Nam, cơ hội, thách thức và khả năng áp dụng khung chính sách chính phủ số của OECD và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chính phủ số, quản trị số ở Việt  Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Học viện, TS. Nguyễn Đăng Quế khẳng định những nội dung được trao đổi trong Hội thảo thực sự hữu ích cho Việt Nam trong hành trình thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. TS. Nguyễn Đăng Quế gửi lời cảm ơn chân thành tới OECD, Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc, các chuyên gia quốc tế, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo, đóng góp vào thành công chung của Hội thảo. Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc, các cơ quan, tổ chức của OECD nói chung và các đối tác Hàn Quốc, Canada, Colombia nói riêng trong xây dựng năng lực chuyển đổi số và năng lực quản trị số cho công chức lãnh đạo quản lý.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

3

Bà Ethel Hui Yan Tan – Cố vấn chính sách về Chính phủ số, Quản trị và đổi mới, OECD.

12

Bà Barbara Ubaldi, Trưởng ban, Ban Chính phủ mở và đổi mới, Văn phòng Quản trị Nhà nước, OECD phát biểu bế mạc Hội thảo.

13

Bà Hyunjeong Lee, Giám đốc Chương trình Quản trị công, Trung tâm Chính sách OECD Hàn Quốc phát biểu bế mạc Hội thảo.

15

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế trực tuyến.

Quỳnh Hoa – Như Ngọc

Comments are closed.