Hội thảo khoa học: Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức ngành Nội vụ trên môi trường số

(napa.vn) – Sáng ngày 15/11/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức ngành Nội vụ trên môi trường số”. Hội thảo trong khuôn khổ nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ năm 2023 của Bộ Nội vụ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ”, mã số đề tài: ĐT.19/23.

A1

TS. Nguyễn Thị Trang và ThS. Nghiêm Xuân Mừng, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia đồng chủ trì Hội thảo.

A2

ThS. Nghiêm Xuân Mừng, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia giới thiệu đại biểu, chương trình Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu, nhà khoa học đến từ Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Công an quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội, Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang, Đại học Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; các thành viên nhóm nghiên cứu đề tài; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện Hành chính Quốc gia; giảng viên, học viên, sinh viên Học viện. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu Phân viện Học viện tại TP. Hồ Chí Minh, Phân viện khu vực miền Trung, Phân viện khu vực Tây Nguyên.

IMG_4772

TS. Nguyễn Thị Trang, Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Trang, chủ nhiệm đề tài khẳng định, quá trình chuyển đổi số đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ cần có nhận thức đúng đắn, tư duy và hành động phù hợp với yêu cầu của thời đại số. Xây dựng và phát triển văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ là một trong những giải pháp quan trọng để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận các nội dung chính:

(1) Quan điểm của Đảng, quy định của Nhà nước về văn hóa số trong bối cảnh chuyển đổi số;

(2) Yếu tố tác động đến xây dựng văn hóa số cho đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh chuyển đổi số;

(3) Thực trạng chuyển đổi số và thực tiễn thực hiện văn hóa công vụ trên môi trường số của cán bộ, công chức ngành Nội vụ;

(4) Xây dựng khung năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ; xây dựng các tiêu chí văn hóa số trong thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ;

(5) Kinh nghiệm, quan điểm của một số quốc gia về xây dựng văn hóa số trong thực thi công vụ và bài học có thể vận dụng cho Việt Nam;

(6) Các nội dung khác có liên quan tới chủ đề Hội thảo.

A4

PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chánh Văn phòng Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ sự quan tâm, tâm huyết với đề tài cũng như chủ đề Hội thảo. Chuyển đổi số có tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực trong đời sống, đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn đối với các cơ quan, tổ chức ở cả khu vực tư và khu vực công. Trong đó, mỗi công chức, viên chức có vai trò đặc biệt quan trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, gắn chuyển đổi số với quá trình thực thi công vụ, đặc biệt là xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa số trên môi trường số. PGS.TS. Hậu nhấn mạnh, chuyển đổi số là tất yếu, xây dựng văn hóa số là vấn đề sống còn, qua đó, cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hình thành công chức số, văn hóa số trong mỗi cơ quan hành chính nhà nước.

A5

PGS.TS. Ngô Thành Can, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

PGS.TS. Ngô Thành Can, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia trao đổi sâu về các chuẩn mực văn hóa số, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa các yếu tố thể chế và con người trong quá trình hoàn thiện chuẩn mực văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức trong môi trường số. Theo ông, để xây dựng chuẩn mực văn hóa số của đội ngũ cán bộ, công chức cần lưu ý một số nội dung, như: tính hệ thống của các chuẩn mực văn hóa trong môi trường số; các mối quan hệ và tác động của các chủ thể; vai trò của công tác tuyên truyền, định hướng xây dựng chuẩn mực văn hóa số…

A6

TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận về các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến quá trình xây dựng văn hóa số của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa số đối với đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội vụ, bao gồm: (1) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; (2) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử trong môi trường số; (3) Xây dựng và triển khai các quy định, quy chế về văn hóa số; (4) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, thu hút sự tham gia của đội ngũ công chức, viên chức ngành Nội vụ trong triển khai quá trình chuyển đổi số.

A7

ThS. Nguyễn Minh Dũng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận tại Hội thảo.

ThS. Nguyễn Minh Dũng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận chủ đề: “Niềm tin số – yếu tố quan trọng thúc đẩy hình thành văn hóa số”. Tham luận làm sáng tỏ những nội dung: (1) Khái niệm và vai trò của chuyển đổi số và văn hóa số trong tổ chức; (2) Những thách thức trong quá trình xây dựng văn hóa số của tổ chức; (3) Niềm tin số và vai trò của niềm tin số đối với. Ông chia sẻ, hiện nay tình hình an toàn thông tin, an ninh mạng diễn ra phức tạp về mức độ và khả năng rủi ro, đe dọa, do đó niềm tin số sẽ là chìa khóa để người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia môi trường số an toàn; từng bước thúc đẩy hình thành một cách tự nhiên văn hóa số trong tổ chức, qua đó góp phần hiệu quả xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số.

A8

TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh thêm sự cần thiết của chuyển đổi số trong thực thi công vụ. Môi trường làm việc số với những đặc điểm: không giới hạn về thời gian, không gian và số lượng người tương tác; phạm vi tác động lớn… đòi hỏi kỹ năng an toàn thông tin, an ninh mạng; kiến thức, khả năng sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Theo ông, xây dựng văn hóa số cho công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần thực hiện thường xuyên, liên tục, trong đó nhất thiết phải xây dựng những tiêu chí năng lực làm việc gắn với vị trí, việc làm của công chức, viên chức trên cơ sở sự phù hợp và đánh giá tác động trong môi trường số.

A9

PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia tham luận tại Hội thảo.

Tham luận nội dung: “Chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình làm việc – cơ hội và thách thức cho ngành Nội vụ”, PGS.TS. Lê Thiên Hương, nguyên Trưởng Khoa Nhà nước – Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia tiếp tục khẳng định xu hướng chuyển đổi số là tất yếu trên quy mô toàn cầu. Văn hóa số trong thực thi công vụ có những đặc trưng cơ bản: (1) Tính hệ thống; (2) Tính giá trị; (3) Tính nhân sinh; (4) Tính lịch sử. PGS.TS. Lê Thiên Hương nhận định việc xây dựng, phát triển văn hóa số trong thực thi công vụ là yếu tố quyết định thành công trong quá trình xây dựng chính phủ số, xã hội số ở Việt Nam hiện nay.

Đồng quan điểm với ThS. Nguyễn Minh Dũng về vai trò của yếu tố “niềm tin” trong quá trình xây dựng văn hóa số, TS. Vũ Hoàng Mạnh Trung, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực miền Trung đóng góp tham luận: “Xây dựng niềm tin của người dân vào chính quyền số”, trong đó tập trung một số nội dung, như: khái niệm niềm tin của người dân và chính quyền số; các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng niềm tin của người dân; chính quyền số, chính phủ số; một số giải pháp để tăng niềm tin của người dân. Ông đưa ra 4 nhóm giải pháp nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền số: (1) Cung cấp dịch vụ đúng hạn, chất lượng, chủ động, hiệu quả; (2) Huy động được sự tham gia của người dân; (3) Tạo cho người dân có quyền truy cập, tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, toàn diện; (4) Minh bạch và chịu trách nhiệm.

A10

ThS. Đỗ Văn Xuân, phụ trách Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ tham luận tại Hội thảo.

ThS. Đỗ Văn Xuân, phụ trách Văn phòng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong xây dựng và phát triển văn hóa số trong thực thi công vụ hiện đại. Nền tảng văn hóa số trong thực thi công vụ của chính phủ Hàn Quốc là tập hợp các quan điểm về chính trị, quan niệm lãnh đạo của người đứng đầu, sự phát triển của công nghệ, phát triển song song với quá trình chuyển đổi số là chuyển đổi về tư tưởng số, thể chế số. Chuyển đổi số ở Hàn Quốc gắn liền với quan điểm xây dựng chính phủ kiến tạo và chính phủ thông minh, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

A11

Trung tá, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Đội trưởng Đội Tổng hợp, Công an Quận Bắc Từ Liêm tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, Trung tá, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Đội trưởng Đội Tổng hợp, Công an Quận Bắc Từ Liêm chia sẻ nội dung: “Chuyển đối số và giao tiếp ứng xử trên môi trường số của lực lượng công an nhân dân”. Trung tá, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số, với nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), Bộ Công an đã triển khai thực hiện quyết liệt, tính toán thấu đáo các nguồn lực sức mạnh, thực hiện nhiệm vụ sáng tạo, đột phá và hiệu quả, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong bối cảnh chuyển đổi số, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triển khai một số giải pháp, như:

Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng dữ liệu dân cư cho các cán bộ, chiến sĩ, người dân trên địa bàn quận.

Thứ hai, chủ động trang bị và chú trọng hoạt động bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn quận nhằm nâng cao năng lực, trình độ, trang bị kỹ năng số, văn hoá số (lề lối, tác phong làm việc, giao tiếp, ứng xử trên môi trường số), xây dựng phiên bản chuẩn về hình ảnh, giao diện của người chiến sĩ công an trên môi trường số, không gian mạng.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; tận tụy phục vụ nhân dân, luôn giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng; Hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; vận dụng linh hoạt “Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng công an” trong tình hình mới; chủ động trang bị thêm kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc trong môi trường số, đồng hành, hỗ trợ để mỗi người dân có thể sẵn sàng trở thành một “công dân số” trên mặt trận chuyển đổi số.

A12

Đồng chí Lê Như Thái Sơn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.

Với tham luận: “Vai trò của đoàn viên thanh niên trong xây dựng môi trường văn hóa số trước bối cảnh chuyển đổi số ngành Nội vụ”, đồng chí Lê Như Thái Sơn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ nhấn mạnh vai trò của đoàn viên thanh niên trong xây dựng môi trường văn hoá số trước bối cảnh chuyển đổi số ngành Nội vụ. Trong đó tập trung làm rõ cơ sở pháp lý công tác chuyển đổi số tại Bô Nội vụ; vai trò của đoàn thanh niên ngành Nội vụ trong chuyển đổi số và đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về môi trường số, xây dựng văn hoá số cho đoàn viên thanh niên ngành Nội vụ là cán bộ, công chức.

Theo đồng chí Lê Như Thái Sơn, mỗi cán bộ, công chức, viên chức trẻ Bộ Nội vụ nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong cả nước nói chung cần có nhận thức đúng về chuyển đổi số và hành động đúng trong môi trường số. Nhóm giải pháp trong thời gian tới cần được xem xét thực hiện nhằm xây dựng văn hoá số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ tại Bộ Nội vụ là: (1), cần tăng cường đổi mới công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm thống nhất nhận thức về văn hoá số trong thực thi công vụ Bộ Nội vụ; (2), hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hoá thực thi công vụ trong bối cảnh chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ; (3), nâng cao hiệu quả phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác xây dựng văn hoá số Bộ Nội vụ; (4), tổ chức đánh giá và xếp hạng về văn hoá số trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức Bộ Nội vụ; (5), tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nghiên cứu khoa học về văn hoá số trong bối cảnh chuyển đổi số.

Hội thảo đã nhận được 34 bài tham luận và 9 ý kiến tham luận trực tiếp trao đổi, thảo luận sôi nổi, tâm huyết về các nội dung liên quan đến chủ đề Hội thảo, như: sự chuyển tiếp và chuyển đổi từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường số; chuyển đổi số và giao tiếp, ứng xử của lực lượng công an trên môi trường số; định hướng của Đảng, chương trình hành động của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia và vấn đề văn hóa số…

A13

Đại biểu, nhà khoa học dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Tại Hội thảo, chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu đã dành tặng những bó hoa tươi thắm đến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu tham dự Hội thảo thay lời tri ân nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Trang gửi lời cảm ơn các nhà khoa học đã dành sự quan tâm, tham gia Hội thảo và đóng góp ý kiến tham luận có giá trị, hàm lượng khoa học cao, góp phần làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa số, văn hóa giao tiếp, ứng xử trên môi trường số. Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo là nền tảng, luận chứng khoa học có ý nghĩa to lớn sẽ được nhóm nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu và tổng hợp đầy đủ, đóng góp vào quá trình tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài.

Như Ngọc

Comments are closed.