Sáng ngày 12/10/2015, tại Phòng họp D, Học viện Hành chính Quốc gia đã diễn ra Hội thảo khoa học “Quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. PGS.TS Lê Thị Vân Hạnh – Phó Giám đốc Học viện, chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài khoa học “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” với mã số KX06.12/11-15 thuộc Chương trình nghiên cứu và phát triển hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ (KHCN).
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ KHCN, có: PGS. TS. Mai Hà; TS. Tạ Bá Hưng; TS. Nguyễn Thanh Thịnh; TS. Bạch Tân Sinh – Viện Chiến lược và Chính sách KHCN; PGS. TS. Đoàn Năng – Chủ tịch Hội đồng Công nhận, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế; ThS. Lương Văn Thắng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án FIRST. Bên cạnh đó, Hội thảo còn thu hút sự quan tâm tham gia của các học giả, các nhà quản lý đến từ các cơ quan bộ, ngành trung ương khác, như: TS. Doãn Công Khánh – Giám đốc Trung tâm Thương mại Môi trường, Bộ Công thương; TS. Phạm Chí Trung – Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội,… cùng với các nhà khoa học của một số khoa, ban và các cán bộ, giảng viên của Học viện cùng tham gia.
Mở đầu buổi Hội thảo , PGS. TS. Lê Thị Vân Hạnh đã trình bày đề dẫn hội thảo. Trong đó, nhấn mạnh tới vai trò của hội nhập quốc tế về Khoa học công nghệ, coi đây là một yếu tố không thể thiếu trong chính sách đối ngoại nói chung và chính sách phát triển KHCN của mỗi quốc gia nói riêng. Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc tiến hành hội nhập quốc tế về KHCN còn là một động lực thúc đẩy các hoạt động KHCN trong nước nhằm khai thác có hiệu quả những thành tựu KHCN của thế giới, thu hút nguồn lực và công nghệ nước ngoài để phát triển trình độ KHCN trong nước, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để thúc đẩy được tiến trình hội nhập quốc tế về KHCN đòi hỏi Nhà nước cần phải có những định hướng và giải pháp phù hợp, xứng tầm. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCN vẫn còn nhiều hạn chế trên nhiều mặt.
PGS. TS. Lê Thị Vân Hạnh phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS. TS. Lê Thị Vân Hạnh bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để góp phần cung cấp thêm những luận cứ cho việc đổi mới chính sách hội nhập quốc tế về KHCN, đồng thời cung cấp thêm tri thức cho những người làm công tác QLNN về KHCN nói chung và về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHCN nói riêng.
Tại buổi hội thảo, thông qua các tham luận các đại biểu đã tập trung làm rõ nhiều nội dung liên quan tới đề tài, như: đánh giá về thực trạng QLNN trong hội nhập quốc tế về KHCN trên các phương diện về chính sách, thể chế, năng lực của chủ thể QLNN,… Bên cạnh đó, xác định rõ những thời cơ, thách thức đang đặt ra đối với các cơ quan QLNN trong tiến trình hội nhập quốc tế về KHCN. Đặc biệt, những định hướng và giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của QLNN về KHCN cũng được các đại biểu đề xuất và cùng trao đổi tại Hội thảo.
PGS.TS. Mai Hà trình bày tham luận tại Hội thảo
PGS.TS. Võ Kim Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Bạch Tân Sinh trình bày tham luận tại Hội thảo
PGS.TS. Đoàn Năng trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Phạm Chí Trung trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Doãn Công Khánh trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Nguyễn Thanh Thịnh phát biểu tại Hội thảo
ThS. Lương Văn Thắng trình bày tham luận tại Hội thảo
TS. Tạ Bá Hưng đại diện cho Văn phòng chương trình phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh gửi lời cảm ơn trân trọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của các nhà khoa học, các nhà quản lý. Qua đây, giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có thêm những luận cứ khoa học để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện đề tài KX06.12/11-15. Chủ nhiệm đề tài khoa học cũng cho rằng, Hội thảo còn là dịp để chúng ta cùng chia sẻ những nhận định, đánh giá về quá trình hội nhập quốc tế về KHCN của Việt Nam, góp tiếng nói của cộng đồng khoa học với Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế về KHCN. Từ đó, góp phần vào quá trình thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà nước ta đang hướng tới.
Hoài Thu