Tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, yếu tố con người thực thi cũng rất quan trọng. Thực tế cho thấy nhũng nhiễu và “đẻ” thêm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp là do con người tạo ra. Vì vậy, cần phải có chính sách để giám sát cơ chế hoạt động thực thi chính sách, pháp luật. Có như vậy những cải cách thủ tục, những chế định của luật mới vận hành đúng hướng và hiệu quả.
Vướng ở thủ tục
Không thể phủ nhận rằng với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2005 và các nghị định hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy việc huy động vốn, phát triển mở rộng kinh doanh của các thành phần kinh tế, góp phần duy trì tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm triển khai thực hiện, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Những ảnh hưởng đó đến từ chính các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nội dung của một số điều, khoản trong Luật Doanh nghiệp 2005 chưa đủ rõ ràng và cụ thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế. Chính điều này tạo ra sự thiếu nhất quán và chưa công bằng khi áp dụng. Bên cạnh đó, một số điều, khoản còn thiếu tính khả thi, gây cản trở, thậm chí tăng thêm chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, không đạt được mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người góp vốn. Luật cũng chưa quy định một số vấn đề mang tính đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội…
So với quốc tế và khu vực, mặc dù thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay theo Luật Doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là có nhiều cải cách, dễ dàng hơn so với trước đây và so với các thủ tục hành chính khác. Nhưng đứng ở góc độ bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp thì đây vẫn là vấn đề đáng bàn, và cần phải tiếp tục cải cách khi mà thủ tục vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Chúng ta không khỏi giật mình khi Ngân hàng Thế giới đánh giá trong năm 2013, khởi sự kinh doanh ở nước ta gồm 10 thủ tục với tổng thời gian vào khoảng 34 ngày, và xếp thứ 109/189 quốc gia và nền kinh tế. Do đó, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh là hết sức cần thiết.
Thực tế cho thấy vướng về thủ tục là vấn đề chưa khi nào hết “nóng”. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp than rằng, muốn “khai tử” mà không thể thực hiện được vì vướng một số thủ tục. ĐBQH đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Thái Bình Dương Phan Văn Quý cho rằng, trước đây để thành lập doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian nhưng giờ đây tính bằng ngày. Đây là bước đột phá trong thành lập doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc thành lập doanh nghiệp không khó, kinh phí thành lập không lớn nhưng giải thể doanh nghiệp rất khó và mất nhiều thời gian và chi phí. Nếu như thành lập doanh nghiệp mất khoảng 3 triệu với khoảng thời gian là 10 ngày thì đối với giải thể, chi phí có thể lên tới 30 triệu và thời gian ít nhất là 3 tháng. Đại biểu Phan Văn Quý mong muốn Luật lần này không những tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Gỡ từ con người
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này chính là doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm. Đã có sự thay đổi trong việc quy định doanh nghiệp được kinh doanh những gì đã đăng ký sang được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Quy định mới này nhằm giảm rủi ro cho doanh nghiệp trước những thủ tục pháp lý.
Có thể nói, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã thể hiện nhiều điểm mới về cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thành lập, hoạt động, tổ chức và giải thể doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hơn để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Dự thảo Luật đã bãi bỏ yêu cầu về văn bản xác nhận vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; bãi bỏ thủ tục thông báo cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên đối với công ty cổ phần. Đồng thời, dự thảo luật cũng bãi bỏ thủ tục thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính. Ngoài ra, tư tưởng, định hướng cải cách thủ tục hành chính cũng được thể hiện thông qua việc chú trọng liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính…
Xóa bỏ những thủ tục, những nhiêu khê cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng qua thực tế giám sát, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch cho rằng, nhiêu khê thủ tục không hẳn là do pháp luật trói buộc mà do chính con người tạo ra. Nếu không “sửa con người” mà cứ đi sửa luật thì cũng không giải quyết được vấn đề, đại biểu Lịch nhấn mạnh. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta giảm thiểu được các thủ tục nhưng không có cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, công chức thực thi vấn đề thủ tục thì chính những con người đó vẫn tìm cách để gây khó cho doanh nghiệp. Đây là một trong những vấn đề gây bức xúc đối với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.