Ngại nhìn thẳng vào hạn chế

Công tác cải cách hành chính (CCHC) dù đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Tuy nhiên, tại các cuộc họp hay báo cáo chuyên đề của hầu hết đơn vị thường đề cập nhiều đến những mặt đã làm được và chỉ sơ lược về hạn chế. Thậm chí, ngay trong các kết quả báo cáo với đoàn kiểm tra của cấp trên cũng quá “màu hồng” khiến thành viên đoàn kiểm tra phải hỏi lại xem “có chính xác không”. Qua nhiều cuộc kiểm tra về công tác CCHC tại các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn, trên địa bàn Hà Nội có thể thấy đoàn kiểm tra mất khá nhiều thời gian để nghe đơn vị đọc báo cáo như kiểu “báo cáo thành tích”, khiến thành viên đoàn phải chủ động hỏi xem có gặp khó khăn, vướng mắc gì không. Nhiều lần, lãnh đạo Sở Nội vụ phải yêu cầu: Nói ít về những việc đã làm được, tập trung vào những việc chưa làm được và nêu rõ nguyên nhân vì sao.

Tâm lý ngại nói ra những việc chưa làm được đã ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng trong việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Chẳng hạn trong cách giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị không phải lúc nào cũng trơn tru, cũng có những vướng mắc về cơ chế chính sách khiến cán bộ lúng túng trong cách xử lý nhưng rất hiếm khi đơn vị chủ động hỏi. Thậm chí, đoàn kiểm tra công vụ đến tận nơi nhưng luôn là đoàn phát hiện có trường hợp cơ sở giải quyết không thỏa đáng thì đơn vị mới giải thích là do vướng mắc trong luật định. Hay như các đề án của Chương trình 08-CTr/TU ngày 18-10-2011 của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015″ mấy năm qua đều có một số đề án chậm từ năm này sang năm khác, từ quý này sang quý khác. Chỉ đến khi Ban Chỉ đạo hỏi đến mới được nghe báo cáo là đang “vướng” điều này điều khác nên chưa xong.

Gần đây, báo cáo kết quả thực hiện CCHC của các đơn vị thực hiện định kỳ để gửi về Sở Nội vụ đã được thực hiện theo biểu mẫu nên thể hiện rất rõ kết quả đơn vị đã thực hiện được những gì. Vì thế, trong các cuộc họp chuyên đề, đại diện mỗi đơn vị nên nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, tranh thủ dành thời gian thảo luận, trao đổi về nội dung cần tháo gỡ, tìm biện pháp giải quyết triệt để. Có như vậy mới chấm dứt được những hạn chế cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác CCHC.

Hà Nội Mới (8/4/2014)

Gửi phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>