Xếp thứ 8/19 cơ quan được xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) Par Index năm 2012, Bộ Tài chính nằm trong nhóm đạt kết quả khá. Để vươn lên một vị trí cao hơn, giành được sự ghi nhận tốt hơn từ các tổ chức, DN, đòi hỏi ngành Tài chính cần nỗ lực hơn nữa.
Par Index là chỉ số theo dõi đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hàng năm giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Par Index được xác định trên 7 lĩnh vực tương ứng với tiêu chí gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế; Cải cách TTHC; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; Hiện đại hóa hành chính.Thang điểm đánh giá Par Index là 100 điểm gồm: 60 điểm các bộ tự đánh giá dựa trên các tiêu chí và 40 điểm đánh giá qua điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ gửi phiếu đến các cơ quan, tổ chức. |
Kết quả
Năm 2012 là năm đầu tiên triển khai việc xác định Par Index của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Theo công bố của Bộ Nội vụ, tổng số điểm Par Index của Bộ Tài chính là 77,03 điểm, trong đó 46,3 điểm là điểm tự đánh giá có sự thẩm định của Bộ Nội vụ, 30,73 điểm là điểm điều tra xã hội học. Với số điểm này, Bộ Tài chính xếp thứ 8/19 bộ (sau Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chênh lệch điểm giữa Bộ Tài Chính với Bộ Tư pháp- đơn vị xếp hạng cao nhất là 5,14 điểm.
Phân tích thành phần điểm có thể thấy, một số tiêu chí chấm điểm của Bộ Tài chính đạt kết quả cao là: Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế (90,55%); Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) (88,43%); Cải cách tổ chức bộ máy (82,57%); Hiện đại hóa hành chính (77,71%). Điểm điều tra xã hội học của Bộ Tài chính do Bộ Nội vụ thực hiện là 30.73 điểm, chỉ đứng sau Bộ Ngoại giao và Thanh tra Chính phủ. Điều đó ghi nhận sự đánh giá cao của các cơ quan, tổ chức đối với công tác CCHC của Bộ Tài chính trong thời gian qua. Nhóm tiêu chí đạt điểm chưa cao là: Công tác chỉ đạo điều hành (56,56%); Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC (62,18%).
Thực tế, Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành nghề, đa lĩnh vực, các đơn vị trực thuộc từ Trung ương đến địa phương và có mức độ “va chạm” đến người dân và các tổ chức nhiều hơn các bộ khác, do vậy trong quá trình chấm điểm gặp nhiều sức ép và phản ứng từ phía tổ chức, DN. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng, nhận thức, hiểu biết của CBCC về CCHC nói chung và Par Index chưa cao. Bên cạnh đó, mặc dù công tác chỉ đạo luôn được lãnh đạo các đơn vị quan tâm chú trọng, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, có tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, tuy nhiên, theo yêu cầu các hoạt động trên phải gắn với việc xây dựng kế hoạch CCHC tổng thể, trong tổ chức thực hiện chưa đồng bộ giữa các đơn vị có liên quan; báo cáo CCHC chưa đầy đủ, thiếu hoạt động CCHC đã làm, không có sáng tiến, cải tiến nào về CCHC được ghi nhận mặc dù trên thực tế có không ít; sự gắn kết giữa yêu cầu nhiệm vụ CCHC với đào tạo đội ngũ CBCC, công tác quy hoạch, bổ nhiệm CBCC chưa cao…
Tăng cường tuyên truyền
Nhằm đẩy mạnh công tác CCHC, qua đó cải thiện chỉ số Par Index, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.
Trước hết là đẩy mạnh việc phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến nhiệm vụ CCHC, phương pháp đánh giá, xác định Par Index cho CBCC nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo, CBCC đối với công tác này. Cùng với đó, Bộ Tài chính xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác chỉ đạo phải đảm bảo rõ các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, coi việc hoàn thành nhiệm vụ CCHC là tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị và cũng là một trong các tiêu chí đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Việc hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC theo hướng củng cố và bổ sung giảng dạy các chuyên đề về CCHC; giúp CBCC làm nhiệm vụ CCHC nắm vững các nội dung cải cách, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tích cực trong các nhiệm vụ được giao cũng sẽ được Bộ Tài chính tập trung.
Một tồn tại nữa cũng sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới là công tác xây dựng kế hoạch hàng năm của Bộ Tài chính, trong đó xác định kế hoạch CCHC là một kế hoạch thành phần quan trọng. Kế hoạch CCHC phải được ban hành chậm nhất vào nửa đầu tháng 1 hàng năm, đồng thời, kế hoạch phải bao quát đủ các lĩnh vực cải cách, cụ thể hóa phạm vi trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện hàng tháng, quý, sơ kết 6 tháng và tổng kết năm. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hàng năm; nghiên cứu nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT của Ngành bao gồm hệ thống mạng thông tin, trang thiết bị máy tính, đẩy mạnh thực hiện ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Việc ban hành các TTHC cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào các TTHC thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán để tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao sự hài lòng cho cá nhân, tổ chức tham gia, thực hiện.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, là một giải pháp được Bộ Tài chính chú trọng trong nỗ lực cải thiện Par Index của mình.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai:
Một nhiệm vụ quan trọng mà công tác pháp chế năm 2014 phải tiếp tục triển khai, đó là cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho DN thông qua công tác hỗ trợ pháp lý cho DN. Công tác này phải được cụ thể hóa thông qua những hoạt động đối thoại, tuyên truyền phổ biến pháp luật, trả lời vướng mắc, tổng kết, rà soát quá trình thi hành; củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo cán bộ cho hệ thống pháp chế ngành Tài chính.
Ông Đinh Duy Hoàng – Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ:
Để công tác CCHC được triển khai hiệu quả tại tất cả các bộ, ngành, địa phương, điều quan trọng là phải thống nhất được cách hiểu đúng bản chất của hoạt động này từ cấp lãnh đạo Bộ xuống đến các CBCC tại đơn vị cơ sở. Bên cạnh đó, với báo cáo chỉ số hiệu quả CCHC, Bộ Tài chính nên rà soát kỹ số điểm của các tiêu chí để thấy rõ tiêu chí nào đạt điểm cao, tiêu chí nào đạt điểm thấp, từ đó phát huy những kết quẩ tốt và khắc phục tồn tại, cải thiện chỉ số chung.
Ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp:
Được xác định là năm cải cách thể chế, công tác pháp chế bước sang năm 2014 với những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Trong bối cảnh đó, để thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC nhằm góp phần nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả, Bộ Tài chính cần quan tâm và dành sự đầu tư thích đáng cho hoạt động truyền thông về các hoạt động kiểm soát TTHC, nhất là truyền thông nội bộ để thay đổi nhận thức, thái độ của các CBCC đối với công tác này; từ đó nâng cao chất lượng công tác CCHC, kiểm soát TTHC của Bộ Tài chính nói riêng và trên phạm vi toàn quốc nói chung.
(Hải Quan 13/4/2014)
H.V (ghi)