(napa.vn) – Sáng ngày 24/6/2021, tại Phòng Truyền thống, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trọng điểm theo hình thức Giám đốc Học viện đặt hàng, năm 2021.
TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm, về phía đại biểu khách mời có các nhà khoa học nguyên là lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia: TS. Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện; GS.TS. Nguyễn Đăng Thành, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện; TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách, điều hành Học viện; TS. Lê Như Thanh, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Học viện; GS.TS. Đinh Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Học viện.
Về phía Học viện có TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; các ông, bà thành viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trọng điểm theo hình thức Giám đốc Học viện đặt hàng, năm 2021; các nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
TS. Nguyễn Đăng Quế phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Trải qua 62 năm xây dựng, phát triển, Học viện Hành chính Quốc gia đã đi qua một hành trình lịch sử với không ít những đổi thay, đổi thay về địa vị pháp lý, về cơ quan chủ quản, về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức. Trong chặng đường đã qua, gắn với yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, Học viện có nhiều tên gọi, thuộc nhiều cơ quan quản lý, trong đó có hơn 25 năm trực thuộc Chính phủ. Tên gọi và cơ quan trực thuộc từng lúc khác nhau, nhưng từ nội dung hoạt động và những thành tựu mà tập thể Học viện thuộc nhiều thế hệ đã nỗ lực đều đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ, cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước của đất nước 62 năm qua, thể hiện vị trí xuyên suốt và nhất quán: Là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt hướng tới ngang tầm khu vực và thế giới.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước định hướng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Học viện, phát triển Học viện thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý ngang tầm khu vực; đặc biệt Học viện Hành chính Quốc gia đang có nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ quan chủ quản với mục tiêu tìm ra mô hình tổ chức và hoạt động phù hợp với Học viện. Gần đây nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia để mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực, tiết kiệm chi tiêu và cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Thêm nữa, sau 03 năm triển khai Quyết định số 05/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với việc dừng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học từ năm 2018, việc đánh giá kết quả thực hiện, những hạn chế, tìm ra những định hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Học viện cần được đặt ra trong giai đoạn hiện nay để hiện thực hóa Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045.
Trong bối cảnh trên, đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trọng điểm theo hình thức Giám đốc Học viện đặt hàng, năm 2021 với tên gọi “Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” được triển khai nhằm nghiên cứu, giải quyết những vấn đề, thách thức đang đặt ra đối với Học viện.
Trong khuôn khổ tọa đàm được tổ chức, để tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Học viện phục vụ đề tài nghiên cứu, TS. Nguyễn Đăng Quế đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận các nội dung:
- Những bài học kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Học viện trong 62 năm qua.
- Mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước và một số quốc gia trên thế giới, các giá trị có thể tham khảo trong tổ chức và hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia.
- Mô hình tổ chức và hoạt động của Học viện Hành chính Quốc gia để thực hiện tốt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm: Đào tạo đại học, sau đại học; bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác theo nhu cầu; nghiên cứu khoa học, kiểm định chất lượng đầu vào công chức…
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến tâm huyết, những đóng góp chuyên môn sâu sắc và gợi mở giúp cho Ban Giám đốc Học viện, chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài có cái nhìn tổng thể, toàn diện về thực trạng Học viện Hành chính Quốc gia, những vấn đề đặt ra, cần đổi mới trên hết, trước hết.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều là các nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Học viện nhiều năm liền nên có sự am hiểu thấu đáo về những vấn đề nội tại của Học viện. Đứng trước việc triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 90/TB-VPCP ngày 03/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, trong đó có nội dung “sáp nhập Trường Đại học Nội vụ vào Học viện Hành chính Quốc gia để mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực, tiết kiệm chi tiêu và cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; quá trình nghiên cứu phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”, các đại biểu đều đánh giá đây là vấn đề mang tính tất yếu của xã hội, là cơ hội để Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cùng phát triển, cùng lớn mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật, khẳng định sức mạnh, giá trị cốt lõi của hai đơn vị làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Nội vụ và việc thay đổi quy mô, cơ cấu, tổ chức của một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức như Học viện Hành chính Quốc gia cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo.
Các đại biểu đã có những ý kiến cụ thể trong việc xác định địa vị pháp lý, vị thế của Học viện, khẳng định Học viện luôn là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt của Chính phủ trong thời gian trước đây, hiện tại và cả sau này. Việc sáp nhập Trường Đại học Nội vụ Hà Nội vào Học viện là cơ hội, đồng thời là thách thức đối với Bộ Nội vụ, Học viện trong việc thống nhất một đầu mối của Bộ, của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ, cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước của đất nước. Việc sắp xếp bộ máy, cơ cấu tổ chức, nhân sự cần phải được triển khai đồng bộ trên cơ sở nghiên cứu mô hình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường hành chính trên thế giới để rút ra kinh nghiệm cho Học viện Hành chính Quốc gia.
TS. Đặng Xuân Hoan phát biểu tại buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Đặng Xuân Hoan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn sự có mặt của các nhà khoa học, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia, cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu tham dự đối với Học viện. Những nội dung này sẽ được Ban Giám đốc Học viện, chủ nhiệm và các thành viên tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trọng điểm năm 2021 tiếp thu đầy đủ, tổng hợp thành đề án để báo cáo Bộ trưởng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
TS. Nguyễn Ngọc Hiến phát biểu tại tọa đàm.
GS.TS. Nguyễn Đăng Thành phát biểu tại tọa đàm.
GS.TS. Đinh Văn Tiến phát biểu tại tọa đàm.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều phát biểu tại tọa đàm.
TS. Lê Như Thanh phát biểu tại tọa đàm.
PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh phát biểu tại tọa đàm.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Như Ngọc