(napa.vn) – Sáng ngày 6/7/2021, tại Phòng hội thảo Tầng 6, nhà 11 tầng, Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học cấp Học viện “Giải pháp xây dựng thư viện điện tử tại Học viện Hành chính Quốc gia”. Đây là nội dung quan trọng trong khuôn khổ thực hiện đề án Xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số tại Học viện Hành chính Quốc gia.
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên trong và ngoài Học viện, các đối tác công nghệ thông tin của Học viện- đại diện của Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L và Công ty CP giải pháp thiết bị Sao Mai Hà Nội.
Nội dung tọa đàm tập trung vào những vấn đề liên quan đến Luật Thư viện và các văn bản quản lý nhà nước liên quan đến thư viện điện tử; những kinh nghiệm thực tiễn, bài học rút ra từ các thư viện trường đại học trên thế giới và Việt Nam; việc xây dựng và phát triển tài nguyên số trong thư viện đại học ở Việt Nam; ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thông tin – thư viện, đặc biệt là giải pháp phần mềm mã nguồn mở để quản lý thư viện, giải pháp thư viện thông minh trong khối trường đại học, học viện.
Thành phần tham dự trực tiếp buổi tọa đàm gồm có TS. Nguyễn Tiến Hiệp – Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học và Thông tin – Thư viện (chủ trì tọa đàm); PGS.TS. Ngô Thúy Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm; PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh, Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia. Phía khách mời gồm có: ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; TS. Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện các Trường Đại học phía Bắc, ThS. Dương Thị Thu Thủy- Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L; Ông Nguyễn Hồng Kỳ- Trưởng phòng dự án Công ty CP giải pháp thiết bị Sao Mai Hà Nội.
TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và Thông tin - Thư viện phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Hiệp giới thiệu những vấn đề trong xây dựng thư viện điện tử tại Học viện Hành chính Quốc gia trong bối cảnh hiện nay và bày tỏ mong muốn được các cấp lãnh đạo Học viện, Liên Chi hội Thư viện các trường Đại học phía Bắc quan tâm, hỗ trợ H Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện xây dựng đề án; đồng thời cùng với sự hợp tác của các công ty phần mềm sẽ khảo sát và đề ra các giải pháp cho xây dựng thư viện điện tử phù hợp với mô hình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện.
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã tham luận nhiều khía cạnh khác nhau. Về góc độ pháp lý, ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly đã phát biểu về Luật Thư viện đã được thông qua ngày 21/11/2019 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển sự nghiệp thư viện điện tử và chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin. Những nội dung liên quan đến Thư viện số, thư viện điện tử, các chức năng, nhiệm vụ của Thư viện cũng như tổ chức, cá nhân và các hoạt động triển khai về thư viện số, thư viện điện tử,… là những nội dung quan trọng, là hướng đi tất yếu đối với sự phát triển của ngành thư viện. Đáng chú ý là Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, hướng tới mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ luôn gắn chặt với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi lúc, mọi nơi.
ThS. Nguyễn Thị Khánh Ly, Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu.
TS. Nguyễn Huy Chương trình bày vấn đề “Xây dựng và phát triển tài nguyên số trong Thư viên ĐH Việt Nam”. Trước đó, TS. Nguyễn Huy Chương đã có bài viết về “Sử dụng phần mềm mã nguồn mở – Giải pháp tối ưu cho thư viện quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam” được đăng trong kỷ yếu Tọa đàm liên quan đến nội dung này. Để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đại học, hiện nay, hệ thống LIC- thư viện điện tử dùng chung cho các trường đại học đang chú trọng phát triển các bộ sưu tập số. Bài phát biểu đã chia sẻ tình hình tạo lập, quản trị và khai thác tài nguyên số trong thư viện đại học Việt Nam, và phân tích những lợi thế, tiềm năng khai thác, ứng dụng của tài liệu số, thư viên số đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong các trường đại học nói chung và Học viện Hành chính Quốc gia nói riêng. Đại biểu tập trung vào khía cạnh giải pháp công nghệ, kỹ thuật và chuẩn nghiệp vụ thông tin – thư viện và đánh giá cao phần mềm nguồn mở Dspace với nhiều ưu thế và thuận lợi hơn. Dù áp dụng giải pháp công nghệ nào thì việc lựa chọn công nghệ phải phù hợp với điều kiện thực tế về khả năng tài chính, trình độ cán bộ thư viện và cơ sở hạ tầng CNTT của mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Dự án Thư viện số dùng chung của Hiệp hội các Thư viện phía Bắc (NALA) đang trong quá trình triển khai, hy vọng sẽ là nguồn tài liệu đầy đủ cho tất cả các thành viên trong Chi hội, trong đó có Thư viện Học viện Hành chính Quốc gia.
TS. Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện các Trường Đại học phía bắc, phát biểu.
PGS.TS. Lê Thị Vân Hạnh có những lời chia sẻ, phát biểu về những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, quản lý đào tạo bồi dưỡng của Học viện. Thực tế cho thấy, các giải pháp công nghệ cho việc xây dựng thư viện điện tử (thư viện số) trên thị trường công nghệ là không thiếu. Tuy nhiên, việc lựa chọn giải pháp công nghệ thích hợp cho thư viện điện tử của Học viện Hành chính Quốc gia lại phụ thuộc tuyệt đối vào năng lực chuyên môn và mức độ chủ động, sẵn sàng của Học viện. Vì vậy, Học viện nên quan tâm đến mô hình thư viện điện tử mong muốn và chuẩn bị lộ trình xây dựng, triển khai áp dụng mô hình này. Cụ thể, mô hình này phải phù hợp với Học viện Hành chính Quốc gia (đối tượng sử dụng, cấu trúc thư viện, hệ thống tài nguyên đặc thù của Học viện,…), chính Học viện là người thiết kế đề bài cho các đối tác cung cấp giải pháp công nghệ. Việc xây dựng lộ trình thực hiện bao gồm việc xác định mục tiêu từng giai đoạn, các nguồn lực cần thiết, các giải pháp công nghệ và đối tác cung cấp, các tiêu chí đánh giá cho từng giai đoạn và khi kết thúc, đồng thời xác định những thách thức phải đối mặt để đảm bảo tiến độ, đáp ứng kịp thời nhu cầu và tránh lãng phí; xác định các kịch bản đối phó với những rủi ro liên quan đến vấn đề bảo mật, bản quyền và an ninh mạng. Tiếp đến, đào tạo, bồi dưỡng chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý và sử dụng thư viện điện tử hiện đại là công việc rất quan trọng. Vì đặc thù nguồn tài nguyên số chủ yếu của Học viện là từ các công trình nghiên cứu, các luận án, luận văn của Học viện, việc hình thành văn hóa nói không với vi phạm bản quyền và sẵn sàng chia sẻ tài nguyên trên môi trường số là những điều hết sức chú ý.
PGS. TS. Lê Thị Vân Hạnh, Giảng viên cao cấp, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu.
Các đại diện Công ty đối tác đều hướng tới việc giới thiệu giải pháp phần mềm mã nguồn mở để quản lý thư viện hiện nay, đây là xu hướng được sử dụng phổ biến nhất vì tính hội nhập quốc tế, tính bền vững, tiết kiệm chi phí, dễ triển khai,… Giải pháp phần mềm mã nguồn mở là sự lựa chọn tối ưu nhất cho các Trung tâm Thông tin – thư viện hiện đại trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Đó là những phần mềm Koha, Dspace,… có đầy đủ các tính năng đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của các Thư viện hiện đại trong xu thế phát triển chung của thế giới, với chi phí triển khai hợp lý, tính mềm dẻo trong việc tùy biến. Giải pháp thư viện thông minh trong khối các trường cao đẳng, đại học, học viện và đánh giá hiệu quả mà bộ giải pháp đem lại cũng là những đóng góp tham khảo cho Học viện trong việc xây dựng mô hình thư viện điện tử. Hy vọng trong tương lai, Học viện được tạo điều kiện đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn nhân lực, nguồn lực thông tin,.. để Trung tâm có thể triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình thư viện hiện đại, phù hợp với đặc thù đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Hành chính Quốc gia.
ThS. Dương Thị Thu Thủy – Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L phát biểu.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ – Trưởng phòng dự án Công ty CP giải pháp thiết bị Sao Mai Hà Nội phát biểu.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Tiến Hiệp trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện đã đóng góp những ý kiến quý báu để Học viện nghiên cứu, hoàn thiện đề án xây dựng thư viện điện tử/ thư viện số tại Học viện Hành chính Quốc gia trong thời gian tới. Trung tâm sẽ đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Học viện nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống các giải pháp xây dựng thư viện điện tử tại Học viện Hành chính quốc gia, đáp ứng với yêu cầu, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong thời kỳ hội nhập.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Phòng Quản lý Thông tin – Tư liệu (Trung tâm NNTH – TTTV)