Tọa đàm khoa học: Mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính Quốc gia

(napa.vn) – Chiều ngày 11/7/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Tọa đàm khoa học: “Mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính Quốc gia”.

PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện dự và chủ trì toạ đàm, PGS. TS. Hoàng Mai – Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực đồng chủ trì tọa đàm. Tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các phân viện.

Tham dự Tọa đàm có TS. Đặng Xuân Hoan – Nguyên Giám đốc Học viện; TS. Thiều Huy Thuật – Phó Giám đốc phụ trách Phân viện Học viện khu vực Tây Nguyên; TS. Nguyễn Ngọc Vân – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ; TS. Vũ Thanh Bình- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo; PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và kiểm định chất lượng đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện, giảng viên, sinh viên của Học viện.

DSC05869

 PGS. TS. Hoàng Mai – Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS. TS. Hoàng Mai – Trưởng khoa, Khoa Quản trị nhân lực khẳng định: Nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt, quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của nền hành chính. Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam đang tích cực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế nhằm theo kịp xu hướng phát triển kinh tế – xã hội trên thế giới và dẫn dắt sự thay đổi trong nước. Quá trình đó đặt ra các yêu cầu cấp bách về cơ chế chính sách và các giải pháp để đào tạo, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền công vụ với mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kỹ năng hành chính tốt, kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn thông thạo; kỹ năng tin học, ngoại ngữ và phẩm chất đạo đức phù hợp theo yêu cầu của vị trí việc làm; có năng lực hoạch định, tư vấn, tham mưu, quản lý và tổ chức thực hiện những vấn đề cơ bản trong quá trình phát triển của mỗi vùng miền hoặc của cả nước một cách hiệu quả.

Với mục đích tạo ra diễn đàn khoa học nhằm thảo luận, tổng hợp ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn trong việc mở mã ngành đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia giao Khoa Quản trị nhân lực tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính Quốc gia”.

DSC05886

PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu – Phó Giám đốc Học viện trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã viết bài, tham dự và đóng góp ý kiến cho Tọa đàm và khẳng định: Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt, trực thuộc Bộ Nội vụ – cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ. Học viện là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các cơ quan nhà nước và phục vụ nhu cầu xã hội. Với truyền thống 64 năm thành lập và phát triển (1959 – 2023) cùng những lợi thế trong nghiên cứu, đào tạo về quản lý công, chính sách công trong đó có chính sách phát triển nguồn nhân lực, Học viện định hướng đa dạng hóa ngành đào tạo đại học, sau đại học, trong đó có mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực.

Việc mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính Quốc gia là hết sức cần thiết và phù hợp chức năng, nhiệm vụ và năng lực đào tạo của Học viện, đó là:

1. Đáp ứng nhu cầu của xã hội đối với lực lượng lao động thuộc lĩnh vực quản trị nhân lực

Đối với mọi tổ chức, đội ngũ người lao động có chuyên môn về Quản trị nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự thành công của tổ chức. Quản lý con người được coi là “giải pháp của mọi giải pháp”, do đó những nhân sự có chuyên môn sâu về lĩnh vực Quản trị nhân lực luôn có vị trí quan trọng trong tổ chức. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh về nguồn lực con người luôn tăng cao như hiện nay, công tác nhân sự càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Chính vì vậy, đào tạo Thạc sĩ Quản trị nhân lực là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội về lực lượng lao động có chuyên môn, có trình độ chuyên nghiệp về quản trị nhân sự.

2. Nhu cầu về nhân sự được đào tạo thạc sĩ quản trị nhân lực của các cơ quan, tổ chức ở cả khu vực công và khu vực tư ngày càng cao

Bên cạnh nhu cầu về nhân sự có chuyên môn sâu về quản trị nhân lực trong các cơ quan, đơn vị trong khu vực công từ trung ương đến địa phương ngày càng tăng cao để nâng cao hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong tổ chức, thì các doanh nghiệp tư nhân với lực lượng lao động ngày càng tăng thì nhu cầu cần có một lực lượng chuyên nghiệp có chuyên môn sâu để quản trị nhân lực trong doanh nghiệp là cấp thiết. Theo dự báo, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Như vậy, với sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh của các doanh nghiệp thì nhu cầu về một lực lượng nhân sự có chuyên môn sâu về quản trị nhân lực là hết sức cần thiết. Chính vì thế việc mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản trị nhân lực sẽ đáp ứng được nhu cầu trên.

3. Tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Học viện Hành chính Quốc gia

Theo Quyết định số 27/2022/QĐ-TTg ngày 19/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia thì Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và tổ chức đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định của Luật Giáo dục đại học và pháp luật hiện hành. Tại Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025 đã giao nhiệm vụ xây dựng Học viện Hành chính Quốc gia trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng ngang tầm khu vực. Vì vậy việc mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản trị nhân lực là một trong các bước đi nhằm từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ được qui định trên.

4. Tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả những thế mạnh và các giá trị truyền thống của Học viện Hành chính Quốc gia

Học viện Hành chính Quốc gia với truyền thống 64 năm xây dựng và phát triển (trong đó có trên 50 năm xây dựng và trưởng thành của trường Đại học Nội vụ Hà Nội) đã đào tạo cho nền công vụ và xã hội hàng trăm ngàn sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước bậc chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý… đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt Học viện đã xây dựng được đội ngũ giảng viên ngày càng lớn mạnh với gần 500 người trong đó có 24 giảng viên có học vị phó giáo sư và 237 giảng viên có trình độ tiến sĩ đủ sức đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong đó có đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Cho đến thời điểm hiện nay, Học viện đã có kinh nghiệm 27 năm tham gia đào tạo trình độ sau đại học và đào tạo trình độ đại học (từ năm 1996), trong đó có 11 năm tổ chức đào tạo cử nhân ngành Quản trị nhân lực. Học viện đã xây dựng được hệ thống giáo trình, tài liệu tương đối hoàn chỉnh cho các ngành đào tạo tại Học viện, kể cả đại học và sau đại học. Hệ thống giáo trình, tài liệu và đội ngũ giảng viên của Học viện được thiết lập và củng cố ngày càng vững chắc, là điều kiện cơ bản để Học viện thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực.

Khoa Quản trị nhân lực được thành lập theo Quyết định số 63/QĐ-HCQG ngày 18/01/2023 của Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, được tiếp nối truyền thống từ Khoa Quản trị nguồn nhân lực của Trường Đại học Nội vụ Hà Nội trước đây và Khoa Khoa học Hành chính và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia. Đội ngũ viên chức của Khoa gồm 29 giảng viên với 01 Phó giáo sư; 09 tiến sĩ; 18 thạc sĩ; 07 giảng viên đang học tập NCS; 02 giảng viên có chức danh GVCC và 07 giảng viên có chức danh GVC, được cơ cấu tổ chức gồm 03 Bộ môn (Bộ môn Lao động, tiền lương; Bộ môn Chính sách và phát triển nhân lực; Bộ môn Tâm lý lãnh đạo). Với lực lượng giảng viên có chất lượng, trình độ cao, có kinh nghiệm trong đào tạo ngành Quản trị nhân lực và luôn nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, bồi dưỡng trong lĩnh vực Quản trị nhân lực của Học viện.

Đây là những tiền đề quan trọng để Khoa Quản trị nhân lực, Học viện Hành chính Quốc gia đủ sức đảm nhận vai trò chủ trì trong đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực tại Học viện, tạo ra nét riêng đặc trưng trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ của Khoa và Học viện, thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong đào tạo, góp phần ngày càng khẳng định hơn nữa vị thế của Khoa và Học viện trong đào tạo thạc sĩ cho xã hội.

5. Hiện thực hóa qui hoạch nhân lực ngành Nội vụ, đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức nhân sự.

Mở ngành đào tạo thạc sĩ Quản trị nhân lực trong bối cảnh hiện nay tại Học viện Hành chính Quốc gia không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhu cầu người học, mà còn thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo bậc cao của Học viện Hành chính Quốc gia, tạo cơ hội cho người học có thể được tiếp cận với những kiến thức, phương pháp, kĩ năng mới, hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ.

Tại Tọa đàm các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ ba vấn đề cơ bản sau:

(1) Nhu cầu và sự cần thiết mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính Quốc gia;

(2) Điều kiện mở mã ngành đào tạo thạc sĩ Quản trị nhân lực và đề xuất chuẩn bị các điều kiện này ở Học viện Hành chính Quốc gia;

(3) Định hướng chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị nhân lực tại Học viện Hành chính Quốc gia.

DSC05907 DSC05916 DSC05939 DSC05952 DSC05963 DSC05970 DSC05990 DSC05996 DSC06004

 Các đại biểu phát biểu tại Tọa đàm

Ban tổ chức Tọa đàm đã tổng hợp được ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về các vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn trong việc mở mã ngành đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị nhân lực.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS. TS. Hoàng Mai – Trưởng Khoa Quản trị nhân lực một lần nữa gửi lời cảm ơn và kính chúc sức khỏe các chuyên gia, nhà khoa học và quý vị đại biểu đã tham dự và có những đóng góp thiết thực cho Tọa đàm.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm

z4508006908204_1234d6aaa4b7ef610f587ba555bf0bcd (1)

Toàn cảnh Tọa đàm

z4508006914438_2d4b9eacec4fc717602ae110527d8994 (1)

Tọa đàm được phát trực tuyến đến các Phân viện

DSC06026

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Phạm Hải Long

Comments are closed.