(napa.vn) – Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022, sáng ngày 12/7/2022, tại Hà Nội, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự trang trọng tổ chức Tọa đàm khoa học “Năng lực đáp ứng của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – Bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự chủ trì Tọa đàm.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có: PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Học viện và tập thể giảng viên, viên chức Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự đã nêu sự tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống, từ y tế, văn hóa đến kinh tế – xã hội của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đồng thời nhấn mạnh, ở Việt Nam, dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 và đến nay, với mỗi đợt bùng phát dịch đều có xu hướng lây lan phức tạp và mạnh hơn cả về phương diện số lượng, địa bàn lẫn độ tăng nặng của bệnh nhân. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu chống dịch. Đến nay, trên cơ sở đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng, chống dịch; tích cực xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia nhận định trong năm 2022, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được, có thể xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, làm cho dịch diễn biến phức tạp. Do vậy, việc tổ chức Tọa đàm để đúc rút một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua là một việc làm cần thiết, nhằm nâng cao năng lực ứng phó của chính quyền trước diễn biến phức tạp của đại dịch cũng như trước những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tương lai, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ giảng viên về những vấn đề lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa làm cơ sở cho việc nâng cao năng lực của chính quyền các cấp nhằm ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề khẩn cấp nảy sinh từ nhiều bối cảnh.
Để Tọa đàm diễn ra thành công, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đề nghị các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận các nội dung sau:
- Vai trò của chính quyền các cấp trong giải quyết các vấn đề phát sinh từ bối cảnh đại dịch Covid-19 và bài học kinh nghiệm;
- Các chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 – thực tiễn và bài học kinh nghiệm;
- Năng lực đáp ứng của chính quyền một số quốc gia trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và giá trị tham khảo cho Việt Nam;
- Một số nội dung liên quan.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tham dự đã có nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc và gợi mở.
PGS.TS. Trần Đắc Phu phát biểu tại Tọa đàm.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ vấn đề “Năng lực đáp ứng của chính quyền trong bối cảnh đại dịch Covid-19 – Bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước”. Trên cơ sở thực tiễn dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên thế giới và tại Việt Nam thời gian qua, PGS.TS. Trần Đắc Phu đã nêu vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng khoa học, hợp lý để không xảy ra tình trạng quá tải giường bệnh và tử vong cao. Dựa vào tình hình diễn biến của dịch bệnh, Chính phủ của các quốc gia cần điều chỉnh chiến lược quan trọng để giải quyết sự đa dạng lây truyền Sars-CoV-2, giảm bớt tác động của dịch bệnh và chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch Covid-19. Cần có những giải pháp phù hợp trên tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” vào từng thời điểm, từng địa điểm, từng loại hình hoạt động, từng địa phương để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Theo ông, trong thời điểm hiện nay, cần khuyến khích, tăng cường trách nhiệm cá nhân trong phòng bệnh cho bản thân và gia đình, cộng đồng là vô cùng quan trọng. Các ngành, các cấp, các địa phương không chủ quan, không bị bất ngờ trước mọi tình huống dịch xảy ra. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như sự tham gia đồng bộ của các bộ, ban, ngành cùng toàn dân, kết hợp với công nghệ thông tin, truyền thông là vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển phát biểu tại Tọa đàm.
GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc điều hành Học viện tham luận tại Tọa đàm với chủ đề “Năng lực của chính quyền trong ứng phó với tình huống bất thường từ thực trạng xử lý dịch Covid-19 ở Việt Nam – Bài học kinh nghiệm trong quản trị nhà nước”. Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, Nhà nước nắm phương tiện của xã hội gồm nguồn nhân lực và tài lực. Nhà nước là một thiết chế quản trị có khoa học, kinh nghiệm, kỹ năng và sự minh bạch trong giải trình. Vì vậy, những quyết sách của Nhà nước trong dịch bệnh có sức mạnh xã hội to lớn, bên cạnh những kết quả đạt được trong những quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, thì những hạn chế, bất cập cũng được bộc lộ, đó là: một số cơ quan, địa phương còn lúng túng trong việc ra các quyết định điều hành liên quan đến giải pháp ứng phó; tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng trong giai đoạn đầu của dịch; sự thiếu thống nhất giữa các địa phương; sự tư vấn, tham mưu của các cơ quan chuyên môn về các biện pháp ứng phó dịch cho Chính phủ còn chậm… Từ những hạn chế đó, rất cần những giải pháp tháo gỡ khó khăn, cả về chủ trương, chính sách cho đến những quyết định hành chính nhằm tạo sự kích thích, thúc đẩy hoạt động quản lý ứng phó. Đồng thời với đó là công tác kiểm tra, giám sát hành chính của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành trong việc kịp thời, khẩn trương đưa ra các giải pháp ứng phó dịch bệnh sớm nhất trong cộng đồng.
PGS.TS. Bùi Huy Khiên phát biểu tại Tọa đàm.
Chia sẻ tại Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Huy Khiên, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự nêu vấn đề “Chính sách an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19 – thực tiễn và bài học kinh nghiệm”.
TS. Hoàng Vĩnh Giang phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Hoàng Vĩnh Giang, Giảng viên Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự chia sẻ tại Tọa đàm về nội dung “Quản trị linh hoạt và thích ứng từ thực tiễn đối phó với đại dịch Covid-19 của Việt Nam”.
Tại buổi Tọa đàm, các giảng viên, các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi nhiều nội dung liên quan, như: một số vấn đề về kiểm soát ủy quyền lập pháp trong phòng, chống dịch Covid-19; một số ứng dụng về quản trị tốt trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam; việc bảo đảm tính minh bạch trong thực thi chính sách phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam; những thách thức đối với chính quyền cơ sở từ đại dịch Covid-19; một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn hậu Covid-19; công tác khen thưởng, động viên kịp thời đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch…
Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải chân thành cảm ơn những đóng góp, những chia sẻ, những kinh nghiệm quý báu của các đại biểu, các nhà khoa học đã phát biểu tại Tọa đàm; cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia đối với Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự. Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự sẽ nghiêm túc tiếp thu hoàn thiện nội dung, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhằm tham mưu cho Chính phủ, bộ, ban, ngành để có những quyết sách trong đổi mới quản trị nhà nước nhằm ứng phó với dịch bệnh và những tình huống khẩn cấp trong tương lai một cách linh hoạt và đạt hiệu lực, hiệu quả cao./.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa, Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.
NGƯT.TS. Vũ Thanh Xuân, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu tại Tọa đàm.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải, Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu tại Tọa đàm.
TS. Lê Văn Hòa, Trưởng Bộ môn, Bộ môn Khoa học chính sách – Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự phát biểu tại Tọa đàm.
ThS. Lê Văn Khải, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu – Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu tại Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Như Ngọc