Tọa đàm khoa học: “Nền quản trị quốc gia trong thời đại ngày nay”

(napa.vn) – Sáng ngày 28/6/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm khoa học: “Nền quản trị quốc gia hiện đại trong thời đại ngày nay”. Tọa đàm khoa học số 6 trong khuôn khổ chương trình của Đề tài khoa học cấp quốc gia “Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả: Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chính sách” (mã số: KX04.05/21-25).

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có ông Nguyễn Mạnh Tuyền, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: TS. Đặng Thành Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; TS. Nguyễn Minh Sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; ThS, Lê Văn Khải, Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu khoa học hành chính; TS. Đoàn Văn Dũng, Trưởng phòng, Văn phòng Học viện; cùng nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên trong và ngoài Học viện. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

DSC02813

PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, việc đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là xu thế tất yếu. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”. Theo đó, đổi mới quản trị quốc gia là một trong những yếu tố rất quan trọng nhằm đổi mới thực chất quản trị hệ thống bộ máy nhà nước, trên quan điểm kiên định đường lối đổi mới; đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tọa đàm khoa học: “Nền quản trị quốc gia hiện đại trong thời đại ngày nay” là Tọa đàm khoa học số 6 trong khuôn khổ chương trình của Đề tài khoa học cấp quốc gia “Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả: Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chính sách” (mã số: KX04.05/21-25). Trước đó, Ban Chủ nhiệm đề tài phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học hành chính đã tổ chức 05 tọa đàm, bao gồm: (1) Nhận diện nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (2) Tiêu chí đánh giá nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (3) Năng lực quản trị quốc gia và nâng cao năng lực quản trị quốc gia; (4) Nền quản trị quốc gia hiện đại trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; (5) Mô hình quản trị quốc gia hiện đại tiêu biểu trên thế giới và những giá trị tham khảo ở Việt Nam.

Để Tọa đàm diễn ra thành công, PGS.TS. Lương Thanh Cường đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, chia sẻ để làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến nền quản trị quốc gia Việt Nam đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay; làm rõ bối cảnh Việt Nam hiện nay và dự báo bối cảnh của Việt Nam trong tương lai khi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, của xu hướng chuyển đổi số… tác động đến cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, cơ cấu năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; đặt trong bối cảnh đó, nền quản trị quốc gia chịu tác động của những vấn đề gì?

Trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện và những tác động đến đời sống kinh tế – xã hội, không chỉ trong nước và quốc tế (đại dịch Covid-19); những xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động tới địa chính trị và đời sống kinh tế – xã hội của toàn cầu cũng như của Việt Nam; những tác động vốn có và ngày càng đậm nét hơn: biến đổi khí hậu; những cách tiếp cận và sự xuất hiện, cũng như sự tác động càng ngày càng sâu rộng của khoa học và công nghệ tới đời sống kinh tế – xã hội; cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương liên quan đến quản trị quốc gia (Nghị quyết 18, 19 về đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa); các nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế xã hội, về sửa đổi chính sách an sinh xã hội, chính sách tiền lương, chính sách đất đai…; về mặt thể chế, nhiều luật được ban hành để thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng và phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế từng bước đi vào chiều sâu và có những kết quả nhất định.

DSC02880

TS. Đặng Thành Lê phát biểu tại Tọa đàm.

Trong thời gian gần 3 giờ làm việc, Tọa đàm đã nhận được 11 lượt ý kiến phát biểu. Các đại biểu, các nhà khoa học tham dự Tọa đàm đều khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay, vấn đề dân tộc, con người, đặc biệt là con người phải là trọng tâm của vấn đề quản trị quốc gia, hướng tới nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu về việc định vị quốc gia, dân tộc đang ở đâu, đang đi như thế nào và sẽ đi về đâu. Nền quản trị quốc gia chịu tác động của các các yếu tố nội tại, và ngoại tại, như quá trình hội nhập, sự phát triển của khoa học công nghệ, vấn đề già hóa dân số… Những bối cảnh mới đó tác động tới quá trình xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, hiệu lực. Các nhà khoa học cũng đã gợi mở các vấn đề: để thích ứng với sự thay đổi bối cảnh đó thì việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả chính là yêu cầu nội tại. Sự lãnh đạo của Đảng là một yếu tố khách quan, tạo nên đặc trưng riêng của mỗi quốc gia, do vậy, đòi hỏi cần phải có những chính sách, tầm nhìn phù hợp và thích ứng.

DSC02845

ThS. Nguyễn Mạnh Tuyền phát biểu tại Tọa đàm.

Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Lương Thanh Cường cảm ơn những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham gia Tọa đàm. Đây là những ý kiến rất quan trọng, thiết thực, có tính chất gợi mở để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, tổng hợp, định hướng nghiên cứu, hoàn thiện đề tài khoa học. Qua đó, có những tham vấn thiết thực, hiệu quả trong quá trình xây dựng nền quản trị quốc gia Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, khát vọng mục tiêu vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

DSC02853

TS. Đoàn Văn Dũng phát biểu tại Tọa đàm.

DSC02865

TS. Nguyễn Thị Hường phát biểu tại Tọa đàm.

DSC02872

TS. Nguyễn Minh Sản phát biểu tại Tọa đàm.

DSC02819

ThS. Lê Văn Khải phát biểu tại Tọa đàm.

DSC02831

Quang cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Như Ngọc

Comments are closed.