Sáng ngày 10/11/2017, tại Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Quan hệ với báo chí – truyền thông của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước – Thực trạng và giải pháp”. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân – Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính chủ trì Tọa đàm. GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tham dự với vai trò diễn giả chính của Tọa đàm. PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo một số khoa, ban, đơn vị thuộc Học viện và cán bộ, giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính tham dự.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân khẳng định báo chí – truyền thông là cầu nối thông tin quan trọng, chuyển tải thông tin kịp thời đến người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua đó, giúp định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của ngành, lĩnh vực nói riêng và của đất nước nói chung. Để báo chí thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đó, đòi hỏi phải có sự đồng thuận, hợp tác tích cực từ phía các cơ quan nhà nước (mà trực tiếp là các cán bộ, công chức – CBCC) trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vẫn còn những hạn chế liên quan đến phát ngôn công vụ và cung cấp thông tin cho báo chí của một số CBCC, phần nào gây ảnh hưởng không tốt tới uy tín và hình ảnh của cơ quan nhà nước. Do đó, cần nâng cao nhận thức và tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng trong cung cấp thông tin cho báo chí đối với đội ngũ này. Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính mong muốn, thông qua Tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu xung quanh chủ đề này để cung cấp thêm thông tin hữu ích cho cán bộ, giảng viên của Khoa trong nghiên cứu, giảng dạy về nội dung này tại các chương trình đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) của Học viện Hành chính Quốc gia.
Là diễn giả chính của Tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí, truyền thông… trên cơ sở chia sẻ những tình huống thực tiễn hết sức sinh động. GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, CBCC là những chủ thể được truyền thông nói chung và báo chí nói riêng hết sức quan tâm. Bởi lẽ, họ là những người có trách nhiệm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giải đáp những vấn đề mà dư luận đang quan tâm, đồng thời thông qua báo chí – truyền thông để xây dựng hình ảnh của cơ quan, đơn vị và của bản thân CBCC. Đặc biệt, trong đội ngũ CBCC có nhiều người có uy tín và hiểu biết rộng, nên thông qua việc tiếp xúc, phỏng vấn các cán bộ này, cơ quan báo chí cũng sẽ thu hút được sự chú ý của độc giả, khán giả, thính giả, qua đó xây dựng uy tín của cơ quan báo chí mình.
Với kinh nghiệm của một đại biểu Quốc hội, từng nhiều lần được tiếp xúc và trả lời báo chí, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cũng chia sẻ về một số nguyên tắc và kỹ năng cần có trong giao tiếp và trả lời phỏng vấn với báo chí của CBCC mà theo ông được đúc kết ngắn gọn trong 8 chữ T, đó là: Thân thiện, Thẳng thắn, Tỉnh táo và Tự tin.
Trao đổi tại Tọa đàm, PGS.TS. Văn Tất Thu – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: hiện nay, có một số cơ quan nhà nước và CBCC chưa thực sự nhận thức đúng và xứng tầm về vai trò cũng như ưu thế của truyền thông. Do đó, chưa tận dụng, khai thác được các thế mạnh của truyền thông để làm công cụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công cuộc cải cách hành chính nhà nước và thực trạng công tác quản lý và phát triển ngành, lĩnh vực của mình.
Bàn về kỹ năng trong tiếp xúc và trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS. Văn Tất Thu cũng nhất trí với quan điểm, CBCC khi trả lời báo chí cần phải bảo đảm tính khách quan. CBCC cần và chỉ được phép “nói những gì mình biết” và đúng với vị trí, trách nhiệm của mình. Đặc biệt, đối với những người có vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước, việc trả lời báo chí càng đòi hỏi tính trách nhiệm cao hơn, nội dung trả lời phải bảo đảm tính đại diện cho lợi ích của tổ chức, lợi ích của công chúng,…
Cùng trao đổi về kỹ năng trong tiếp xúc với báo chí – truyền thông của CBCC, PGS.TS. Bùi Huy Khiên – Phó Trưởng Khoa Hành chính học và TS. Nguyễn Thị Hường – Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa QLNN về xã hội cho rằng, hiện nay, không ít CBCC, trong đó có một số cán bộ lãnh đạo, quản lý khi trả lời trước báo chí và truyền thông còn thiếu tự tin, lúng túng… thậm chí trong số đó có nhiều người còn “phụ thuộc vào văn bản”. Do đó, cần quan tâm bồi dưỡng các kỹ năng đối thoại, thuyết trình, kỹ năng hùng biện và trả lời phỏng vấn cho đội ngũ CBCC.
Chia sẻ dưới góc độ của các nhà báo khi tham gia phỏng vấn đối với CBCC, nhà báo Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí QLNN và ThS. Hoàng Xuân Tuyền – Giảng viên Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính (nguyên là nhà báo trong lĩnh vực văn nghệ) đồng quan điểm cho rằng, khi tiếp xúc với báo chí, CBCC nói riêng và những người được phỏng vấn nói chung cần giữ thái độ bình tĩnh, thân thiện. Đặc biệt, cần hết sức cẩn trọng và phải cân nhắc kỹ lưỡng trong từng bối cảnh nhất định trước khi phát ngôn trên các phương tiện truyền thông – báo chí.
Tại Tọa đàm, một số ý kiến cũng cho rằng, các CBCC cần nhận thức đúng đắn về vai trò của báo chí và truyền thông. Đặc biệt, nhận thức đúng về trách nhiệm của bản thân với tư cách là một chiến sỹ trong lĩnh vực truyền thông, góp phần PR hình ảnh cho cơ quan hành chính nhà nước và cho Chính phủ. Từ nhận thức đó, ThS. Nguyễn Thị La – Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hành chính, Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính cho rằng, các cơ quan hành chính nhà nước cần có chiến lược và kế hoạch cụ thể để quản lý thông tin và thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông trong cơ quan, tổ chức nhà nước.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân trân trọng cám ơn GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết và các đại biểu đã dành thời gian tới chia sẻ và trao đổi với cán bộ, giảng viên của Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính về những vấn đề liên quan đến quan hệ với báo chí và truyền thông của CBCC trong các cơ quan nhà nước. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân khẳng định, Tọa đàm đã giúp các đại biểu tham dự hiểu rõ thêm về vai trò báo chí, truyền thông cũng như vai trò của CBCC với tư cách là đại diện của cơ quan nhà nước trong phát ngôn với báo chí. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Vân cũng đề xuất, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của Nhà nước về văn hóa công sở, trong đó bổ sung quy tắc ứng xử với báo chí của CBCC và hoàn thiện quy định về phát ngôn công vụ. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về chế tài đối với CBCC khi cung cấp thông tin không chính xác cho báo chí. Trưởng Khoa Văn bản và Công nghệ Hành chính cũng nhấn mạnh, Tọa đàm đã gợi mở thêm các nội dung cần tăng cường ĐTBD về kỹ năng của CBCC trong giao tiếp với báo chí. Đây là chủ đề có ý nghĩa thiết thực và là một trong những nội dung liên quan đến kỹ năng hành chính mà Khoa hiện đang đảm nhận giảng dạy./.
Đoàn Kim Huy