(napa.vn) – Sáng ngày 05/7/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia phối hợp với Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA) tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế: “Đảm bảo sự cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng hành chính công”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại các điểm cầu trực tuyến.
Tham dự Tọa đàm, về phía Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA) có TS. Alex Brillantes, Tổng Thư ký EROPA và các cộng sự.
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; các nhà khoa học, giảng viên, viên chức Học viện.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp TS. Alex Brillantes, Tổng Thư ký EROPA và các cộng sự trong khuôn khổ Tọa đàm khoa học quốc tế do Học viện phối hợp cùng Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới tổ chức. Đây là Tọa đàm đã được hai bên cùng trao đổi, cân nhắc kỹ lưỡng về hình thức và nội dung.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến khẳng định, cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng về hành chính nói riêng và đào tạo, bồi dưỡng nói chung là vấn đề căn bản, mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Từ việc thiết kế chương trình đến các giảng viên vận hành, triển khai chương trình đều cần sự tư duy, coi trọng sự cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, việc cân đối này trước nay còn nhiều bất cập, người nghiên cứu, giảng dạy thường ôm đồm nhiều lý thuyết. Hơn nữa, việc thiết kế chương trình hiện nay còn khá nặng về lý thuyết. Người nghiên cứu, giảng dạy nếu không có phương pháp, không bám lấy đời sống thực tiễn, không liên hệ thực tiễn từ học viên, từ các cơ quan, tổ chức thì bài giảng sẽ thiếu đi hơi thở cuộc sống. Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Và sự phản hồi của người học là vừa được trang bị, bổ sung, làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận, nhưng lại thiếu thực tiễn. Điều này cho thấy ý nghĩa và sự cần thiết của việc phải đảm bảo được sự cân đối giữa lý thuyết và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng về hành chính.
TS. Alex Brillantes, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến và PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đồng chủ trì Tọa đàm.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến mong muốn, TS. Alex Brillantes – một chuyên gia nghiên cứu sâu về hành chính công và có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học lớn, cũng như tư vấn cho các tổ chức sẽ có những trao đổi hữu ích trong Tọa đàm. Đồng thời các nhà khoa học, các giảng viên tham dự Tọa đàm sẽ có những chia sẻ, trao đổi, kinh nghiệm thực tiễn đang triển khai về những nội dung còn bất cập của Việt Nam để trong thời gian tới Học viện cần dịch chuyển để cân đối giữa lý luận và thực tiễn trong thiết kế và vận hành chương trình đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện.
TS. Alex Brillantes, Tổng Thư ký Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA) phát biểu chào mừng và trình bày tham luận tại Tọa đàm.
Tham luận tại Tọa đàm, TS. Alex Brillantes Jr. Tổng Thư ký EROPA trao đổi về bảo đảm sự cân đối giữa lý luận và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng hành chính công. Theo đó, có nhiều nội dung về kết nối với các cơ sở đào tạo trong khối ASEAN về hành chính công, quản trị công với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Trong đó có 4 vấn đề đặt ra liên quan trực tiếp đến đào tạo, bồi dưỡng của Học viện: (1) Vai trò của lý thuyết và thực tiễn trong giảng dạy hành chính công và quản lý công. (2) Nhấn mạnh giá trị cơ bản và cốt lõi trong xu thế hiện nay của các quốc gia trên thế giới là 5Es (kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, công bằng) và A (đạo đức và trách nhiệm giải trình). (3) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải hướng đến sứ mệnh bảo đảm giá trị công bằng, đạo đức và trách nhiệm. (4) Cân bằng giữa lý luận và thực tiễn được thể hiện ở kết quả đào tạo, bồi dưỡng, học viên lĩnh hội được kiến thức, kỹ năng nhận thức mới; học viên có được kỹ năng để tham mưu chính sách, tác động bảo đảm mục tiêu công bằng, bình đẳng, trách nhiệm, đạo đức trong hoạt động khu vực công.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cho rằng, thực tiễn phải gắn liền với bối cảnh của Việt Nam, làm thế nào để cân bằng giữa lý luận với thực tiễn từ các mô hình của các nước trên thế giới với Việt Nam; lý thuyết có gắn liền với tính chính trị, tính pháp lý, cơ sở pháp lý để triển khai ở Việt Nam hay không, đó là sự phù hợp. PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải đánh giá cao hai yếu tố quan trọng mà TS. Alex Brillantes Jr. nhắc đến đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và bối cảnh hội nhập quốc tế, trách nhiệm của các quốc gia, các thành viên trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, các giảng viên tham dự đã có những trao đổi đối với các đồng chủ trì Tọa đàm.
PGS.TS. Trần Nghị Thanh, Khoa Khoa học liên ngành phát biểu tại Tọa đàm.
PGS.TS. Trần Nghị Thanh, giảng viên Khoa Khoa học liên ngành cho rằng, Phi-lip-pin và Hoa kỳ có những nét tương đồng về cấu trúc chính quyền, mô hình quản lý, dịch vụ công, chính quyền địa phương, trách nhiệm giải trình và văn hóa hành chính. Vậy, nền công vụ của Phi-líp-pin có thành công gì vượt trội so với nền công vụ của Hoa Kỳ và ngược lại? Với kinh nghiệm của ông thì nhân tố nào quyết định đến hiệu quả bồi dưỡng công chức hiện nay?
TS. Alex Brillantes chia sẻ, Phi-lip-pin xây dựng mô hình hành chính dựa trên sự phù hợp với bối cảnh của đất nước và tính ưu việt phải có sự phù hợp và bối cảnh của đất nước, đòi hỏi có sự điều chỉnh của mô hình đó và xuất phát từ căn cứ khoa học, áp dụng mô hình này hướng tới đối tượng cũng như năng lực lãnh đạo của cấp quản lý… Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ giảng viên trong quá trình tham gia tương tác với người học, để từ đó chia sẻ cũng như nhận được nhiều kinh nghiệm thực tiễn có giá trị từ học viên.
PGS.TS. Huỳnh Văn Thới, Phó Giám đốc Phụ trách Phân viện tại TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề về những khó khăn khi giảng viên có nhiều kiến thức lý luận giảng dạy cho đối tượng học viên là đội ngũ công chức, viên chức đương nhiệm ở trung ương và địa phương có hiểu biết về thực tiễn. Vậy cách thức, cơ chế, biện pháp nào bảo đảm sự cân đối giữa lý luận và thực tiễn?
Trả lời câu hỏi trên, TS. Alex Brillantes Jr., cho rằng, chúng ta nên để cả giảng viên và học viên cùng nhau tạo ra tri thức. Giảng viên là người dẫn dắt, điều phối cuộc thảo luận để khai phá kho tàng tri thức từ học viên và yếu tố cốt lõi là sự gắn kết, tham gia của các học viên tương tác trong quá trình học…
ThS. Lê Văn Khải, Trưởng phòng, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính phát biểu tại Tọa đàm.
ThS. Lê Văn Khải nêu câu hỏi về kinh nghiệm cân bằng giữa lý luận và thực tiễn trong đào tạo, bồi dưỡng hành chính công đối với các nhóm đối tượng khác nhau (chưa có kinh nghiệm/có kinh nghiệm về quản lý nhà nước)?
TS. Tạ Quang Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước trao đổi tại Tọa đàm.
TS. Tạ quang Tuấn cho rằng phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở mỗi đối tượng khác nhau là khác nhau. Tuy nhiên tỷ trọng giữa lý thuyết và thực hành ở Việt Nam chưa tuân thủ theo nguyên tắc nào. Vậy, việc phát triển chương trình bồi dưỡng cần tuân theo nguyên tắc nào để cân bằng giữa lý luận và thực tiễn?
Theo TS. Alex Brillantes Jr. chúng ta cần mời chính những nhà thực tiễn, nhà lãnh đạo khu vực công đã thành công và được vinh danh đến trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thành công tại các chương trình đào tạo để học viên được nghe từ thực tiễn để thay đổi tư duy, nhận thức. Đồng thời, thay đổi nhận thức của đội ngũ giảng viên bằng phương pháp lấy người học làm trung tâm để cùng nhau chia sẻ kiến thức, lắng nghe thực tiễn từ chính những người học đến từ các lĩnh vực, địa phương khác nhau để có thêm những hiểu biết về thực tiễn làm việc ở các địa phương nơi học viên công tác.
Với nội dung này, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến chia sẻ, việc xây dựng chương trình phải dựa theo nguyên tắc: chủ trương xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng; những yêu cầu của nền công vụ Việt Nam; khảo sát thực tiễn đối với từng đối tượng người học.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải cho rằng, làm thế nào để gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy về hành chính công và quản lý công là đề tài quan trọng đối với Học viện trong giai đoạn hiện nay. Tọa đàm được nghe trao đổi của TS. Alex Brillantes Jr. rất sâu sắc và những ý kiến phát biểu của các giảng viên, nhà lãnh đạo, quản lý, những người có trách nhiệm trong phát triển, với mong muốn Học viện có chương trình kết nối được lý luận và thực tiễn. Tập trung vào vấn đề trọng yếu:
Thứ nhất, tầm quan trọng giữa gắn kết lý luận và thực tiễn trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, cho cả nhóm có kinh nghiệm và không có kinh nghiệm quản lý nhà nước.
Thứ hai, khác với doanh nghiệp tư nhân, đối tượng tham gia vào nền công vụ, sứ mệnh của Học viện là đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hướng đến những giá trị cốt lõi của nền công vụ là yếu tố liên quan đến tính công bằng, bình đẳng, trách nhiệm trong bối cảnh của chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, hội nhập quốc tế, thích ứng nhu cầu của người học.
Thứ ba, gắn với thực tiễn phải thay đổi nhận thức, tư duy và khả năng hành động đối với những người học, biến nó thành cải cách, đổi mới trong lĩnh vực của mình cũng như đóng góp vào tham mưu chính sách, hoạch định chính sách của hành chính, nền công vụ nói chung
Thứ tư, vai trò của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người học và giảng viên là vô cùng quan trọng, vì vậy, cần quan tâm đến khâu thiết kế chương trình, nội dung. Căn cứ vào nguyên tắc, chủ trương, định hướng của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, căn cứ vào thực trạng và đích mong muốn của nền công vụ, nền hành chính hướng tới là gì? Khảo sát nhu cầu thực tiễn của người học để từ đó chuyển tải vào nội dung bồi dưỡng cũng như tính linh hoạt của đội ngũ giảng viên.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cảm ơn những chia sẻ thú vị và hữu ích của TS. Alex Brillantes Jr. và các giảng viên, đại biểu tham dự Tọa đàm đối với vấn đề làm sao để bảo đảm sự cân bằng giữa lý luận và thực tiễn. Theo Giám đốc Học viện, chính mỗi chúng ta cần thay đổi tư duy để theo kịp sự phát triển của xã hội, sự phát triển của Học viện. Đội ngũ giảng viên được trang bị kiến thức, tìm hiểu mô hình từ các nước trên thế giới nhưng phải “nội địa hóa” gắn với điều kiện của Việt Nam, gắn với hướng đi của Học viện trong xây dựng chương trình và vận hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần gắn thực tiễn với lý luận; xác định liều lượng của những vấn đề lý thuyết vừa đủ, để củng cố lý luận, đồng thời so sánh, đối chiếu lý thuyết với thực tiễn. Chúng ta cần tổng hợp sức mạnh tri thức, thay đổi tư duy, nâng tầm nhận thức của đội ngũ giảng viên và học viên.
Toàn cảnh Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.
Như Ngọc