Xây dựng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia

(napa.vn) – Sáng ngày 08/11/2023, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm: “Xây dựng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên, góp phần  thực hiện chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia”. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện dự và chủ trì Tọa đàm.

z4862001308587_4c3772e5fbeb02dc3686a7c6fec32c47

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm về phía chuyên gia có TS. Phạm Thanh Thảo, giảng viên, chuyên gia tư vấn cao cấp của Cộng hòa Pháp; ông Olivier Lefevre, giảng viên, chuyên gia về tư duy thiết kế, phân tích và giải quyết vấn đề.

Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện cùng các nhà khoa học, giảng viên, viên chức của Học viện.

 HKV_8907 (1)

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến bày tỏ sự vui mừng trước sự hiện diện và tham gia tích cực của các chuyên gia quốc tế, các viên chức giảng viên Học viện tại Tọa đàm. PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến nhấn mạnh để phát huy tính tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình cụ thể về năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các cấp. Đây là một thách thức rất lớn đối với các chủ thể quản lý và cán bộ công chức, đòi hỏi các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch phát triển năng lực hội nhập quốc tế cho cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị và với Sứ mệnh, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi của Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện đã xác định Tầm nhìn “Đến năm 2045, Học viện trở thành trung tâm quốc gia ngang tầm khu vực châu Á- Thái Bình Dương về đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách về hành chính, lãnh đạo, quản lý”. Để hiện thực hóa Tầm nhìn này, Học viện cần xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên có năng lực nghiên cứu khoa học, giảng dạy ngang tầm khu vực châu Á- Thái Bình Dương và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia và tổ chức quốc tế.

Để có cơ sở xây dựng Đề án phát triển năng lực nghiên cứu, giảng dạy và làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viện, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Tọa đàm quốc tế “Xây dựng năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên, góp phần thực hiện chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia”.

PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ và trả lời các câu hỏi sau:

1. Tính cấp thiết của việc phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viện.

2. Bối cảnh quốc tế và những yêu cầu đặt ra, năng lực cần có đối với viên chức, giảng viên Học viện.

3. Khảo sát năng lực và nhu cầu phát triển năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của viên chức, giảng viên Học viện.

4. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế của viên chức, giảng viên Học viện.

HKV_8926

Ông Olivier Lefevre chia sẻ tại tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Olivier Lefevre đã có những chia sẻ về môi trường làm việc quốc tế, về bối cảnh toàn cầu với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, đại dịch, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế… và tất cả những vấn đề này đều có mối liên hệ với nhau, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết bất kỳ thách thức toàn cầu nào hiện nay, hợp tác là bắt buộc để tìm ra con đường dẫn tới các giải pháp toàn cầu.

Trong thế giới kết nối ngày nay, môi trường làm việc quốc tế đòi hỏi một tập hợp kỹ năng và kiến thức đặc biệt. Môi trường làm việc quốc tế tập hợp mọi người từ nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và nền tảng khác nhau, và điều đó tạo ra nhiều quan điểm khác nhau, nhiều phong cách làm việc khác nhau, các thách thức xuyên biên giới. Chấp nhận sự đa dạng trong môi trường làm việc quốc tế có thể mang lại nhiều cơ hội khác nhau như tiếp cận nguồn nhân tài rộng lớn hơn, nhiều quan điểm đa dạng và các giải pháp sáng tạo, tiếp cận thị trường toàn cầu,… Khi các quốc gia hợp tác với nhau, đa dạng văn hóa trở thành yếu tố trung tâm. Đa dạng văn hóa tác động đến giao tiếp, đàm phán, giải quyết vấn đề. Làm việc hiệu quả trong bối cảnh mới này đòi hỏi phải có một tập hợp các  kỹ năng mềm đặc thù.

Ông Olivier Lefevre cũng đưa ra những thách thức chung trong môi trường làm việc quốc tế như những thách thức do khác biệt về văn hóa, rào cản ngôn ngữ, sai lệch và hiểu lầm trong giao tiếp, định kiến và ông cũng chia sẻ các kỹ năng cần thiết để hiểu biết văn hóa tốt hơn như: Hiểu các sắc thái, chuẩn mực và giá trị văn hóa, giao tiếp đa văn hóa hiệu quả, nhạy cảm và tôn trọng văn hóa, khả năng thích ứng với các bối cảnh văn hóa khác nhau, giải quyết xung đột trong môi trường đa văn hóa, cởi mở với những quan điểm khác nhau, nhận thức về những sai lệch và định kiến văn hóa, kiến thức về nghi thức toàn cầu, đồng cảm và lắng nghe tích cực trong tương tác đa văn hóa, xác định và giải quyết những hiểu lầm về văn hóa.

HKV_8921

TS. Phạm Thanh Thảo chia sẻ tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Phạm Thanh Thảo chia sẻ về vấn đề phát triển đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia kế cận của Học viện Hành chính Quốc gia trong đó việc nhấn mạnh đầu tư vào vốn con người, nguồn nhân lực là nền tảng của hợp tác quốc tế thành công, chiến lược đầu tư vào cá nhân xây dựng một lực lượng lao động có kiến thức và kỹ năng, các cá nhân được chuẩn bị tốt sẽ nâng cao uy tín và tầm ảnh hưởng của các tổ chức trên trường quốc tế. Cần chú trọng vào đào tạo và phát triển kỹ năng, các chương trình đào tạo chuyên biệt trang bị cho các cá nhân những năng lực chuyên môn cần thiết. Học tập liên tục giúp các cá nhân có thể vượt trội trong môi trường quốc tế, những cá nhân được chuẩn bị tốt sẽ thu hẹp khoảng cách văn hóa và tạo thuận lợi cho hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia, nuôi dưỡng một quan điểm toàn cầu sẽ nuôi dưỡng sự hiểu biết về những thách thức toàn cầu, năng lực đa văn hóa cho phép hợp tác hiệu quả trong môi trường quốc tế đa dạng, trang bị cho các nhà lãnh đạo tương lai những kỹ năng này sẽ nâng cao năng lực của họ trong giải quyết các vấn đề phức tạp xuyên biên giới và các nhà lãnh đạo tương lai được chuẩn bị tốt có tiềm năng tạo ra tác động có ý nghĩa đối với những thách thức toàn cầu, các nhà lãnh đạo được chuẩn bị sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một thế giới bền vững hơn và kết nối hơn. Họ đóng vai trò chất xúc tác cho các giải pháp đổi mới và hợp tác quốc tế, thúc đẩy một tương lai toàn cầu tốt đẹp hơn.

TS. Phạm Thanh Thảo cũng đưa ra những nhóm kỹ năng cần thiết như: Kĩ năng giao tiếp, giao tiếp đa văn hóa hiệu quả là chìa khóa, kỹ năng này bao gồm việc lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi làm rõ và sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và súc tích; Thành thạo ngoại ngữ, việc thành thạo các ngôn ngữ khác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp đa văn hóa; Kiến thức văn hóa, nâng cao kiến thức văn hóa để tương tác đa văn hóa tốt hơn; Sự đồng cảm và nhạy cảm văn hóa, hiểu và tôn trọng các giá trị, phong tục và tín ngưỡng của các nền văn hóa khác là điều thiết yếu; Tự nhận thức, hiểu những thành kiến và giá trị văn hóa của riêng bạn cũng như cách các thành kiến và giá trị văn hóa này có thể ảnh hưởng đến tương tác của bạn với người khác; Tư duy cởi mở, sẵn sàng chấp nhận và đón nhận những ý tưởng, quan điểm và thực tiễn khác nhau; Cởi mở với thay đổi, liên quan đến việc cởi mở với thay đổi và cởi mở với những cách làm mới, thừa nhận rằng cách của bạn có thể không phải lúc nào cũng là cách tốt nhất hoặc duy nhất; Khả năng thích ứng, khả năng điều chỉnh hành vi, phong cách giao tiếp và ra quyết định của bạn cho phù hợp với bối cảnh văn hóa khác nhau; Khả năng phục hồi, luôn kiên cường khi đối mặt với những hiểu lầm hoặc thách thức về văn hóa và không bỏ cuộc trong xây dựng các mối quan hệ đa văn hóa; Kỹ năng làm việc nhóm đa văn hóa, khả năng làm việc hiệu quả trong các nhóm đa văn hóa, thúc đẩy sự hợp tác và hòa nhập; Kỹ năng thu thập và phân tích dữ liệu, thu thập và phân tích dữ liệu rất quan trọng vì nó cung cấp nền tảng ra quyết định dựa trên bằng chứng và đưa ra các chiến lược sáng suốt để giải quyết các thách thức toàn cầu; Kỹ năng giải quyết xung đột, biết cách đương đầu và giải quyết xung đột có tính đến tính nhạy cảm về văn hóa; Học tập liên tục, luôn không ngừng học hỏi để thích ứng tốt hơn với các nền văn hóa khác nhau và trở thành một chuyên gia cập nhật thông tin; Kỹ năng phân tích, kỹ năng phân tích rất cần thiết vì kỹ năng này cho phép các cá nhân thu thập, diễn giải và sử dụng dữ liệu, thông tin để đưa ra các quyết định sáng suốt và giải quyết các vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu; Tư duy phản biện, tư duy phản biện rất quan trọng vì nó trao quyền cho các cá nhân để họ có thể đưa ra quyết định sáng suốt, giải quyết các vấn đề phức tạp và đương đầu với các thách thức quốc tế khác nhau một cách hiệu quả; Kỹ năng tổ chức hiệu lực và hiệu quả, kỹ năng tổ chức hiệu quả là nghệ thuật tối ưu hóa các nhiệm vụ và nguồn lực một cách chiến lược để thúc đẩy cách tiếp cận mang tính cấu trúc và đạt năng suất cao, điều này giúp giảm thiểu lãng phí và nâng cao năng suất làm việc một cách nhất quán.

Tại Tọa đàm, TS. Phạm Thanh Thảo và ông Olivier Lefevre cũng đưa ra chương trình đào tạo dự kiến về phát triển năng lực đa văn hóa nhằm phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế dành cho viên chức, giảng viên Họ viện gồm 7 mục tiêu:

  1. Cải thiện sự tự tin của viên chức, giảng viên Học viện trong môi trường đa văn hóa.
  2. Phát triển năng lực nghiên cứu và năng lực phân tích của viên chức, giảng viên Học viện.
  3. Trang bị công cụ để viên chức, giảng viên Học viện hiểu và tối ưu hóa cách làm việc của mình.
  4. Phát triển kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và hợp tác đa văn hóa hiệu quả.
  5. Phát triển kỹ năng nhạy cảm văn hóa, khả năng thích ứng và trí tuệ văn hóa ở trình độ cao trong môi trường quốc tế.
  6. Chuẩn bị cho viên chức, giảng viên Học viện tham gia chương trình đảm nhiệm vai trò giảng viên, huấn luyện viên về phát triển năng lực đa văn hóa.
  7. Rèn luyện tư duy của các nhà nghiên cứu và đổi mới trong tương lai.

Trên cơ sở các mục tiêu trên, hai chuyên gia cũng đưa ra chương trình đào tạo gồm 12 học phần đào tạo dự kiến:

Học phần 1, Nền tảng của năng lực đa văn hóa (Giới thiệu về năng lực đa văn hóa và ý nghĩa của năng lực đa văn hóa. Khám phá các khía cạnh, khuôn khổ và bối cảnh văn hóa. Tự đánh giá năng lực đa văn hóa hiện có và kế hoạch phát triển năng lực của học viên tham gia chương trình).

Học phần 2: Nhận thức văn hóa và nhạy cảm văn hóa (Hiểu và đánh giá  sự đa dạng văn hóa ở mức độ sâu sắc, xác định và giải quyết những thách thức và hiểu lầm về văn hóa phổ biến, bài tập và đánh giá độ nhạy cảm văn hóa nâng cao)

Học phần 3: Xây dựng sự tự tin (Hiểu tầm quan trọng của sự tự tin, kỹ thuật trau dồi và củng cố sự tự tin, vận dụng sự tự tin trong bối cảnh cá nhân và nghề nghiệp).

Học phần 4: Cải thiện phương pháp làm việc (Nhận biết những thách thức và trở ngại chung đối với hiệu suất làm việc, Phát triển phương pháp làm việc hiệu quả, đạt được và duy trì tối ưu hóa khả năng làm việc).

Học phần 5: Khả năng giao tiếp toàn diện (Làm việc hiệu quả để hiểu và tổng hợp thông tin trong một bài viết, có thể tóm tắt và phê bình một bài viết, giao tiếp bằng văn bản, bằng lời nói và biết cách trình bày, giới thiệu bản thân).

Học phần 6: Kỹ năng giao tiếp đa văn hóa nâng cao (Nắm vững các chiến lược giao tiếp đa văn hóa hiệu quả và các kỹ thuật lắng nghe tích cực, nghiên cứu sâu về giao tiếp phi ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể và ngôn ngữ giữa các nền văn hóa, các bài tập mô phỏng về đàm phán đa văn hóa và các tình huống đóng vai).

Học phần 7: Tìm hiểu những khác biệt văn hóa phức tạp (Phân tích và giải quyết các tình huống thực tiễn phức tạp với những khác biệt sâu sắc về văn hóa, các chiến lược nâng cao để thu hẹp khoảng cách văn hóa, giải quyết xung đột và quản lý khủng hoảng, trải nghiệm hòa nhập văn hóa, tương tác cộng đồng sâu rộng và các dự án nâng cao năng lực văn hóa).

Học phần 8: Lãnh đạo và quản lý đa văn hóa (Lãnh đạo trong bối cảnh đa văn hóa, bao gồm lãnh đạo các nhóm và tổ chức đa dạng, các chiến lược thúc đẩy sự hòa nhập, công bằng và đa dạng đa văn hóa, các dự án phát triển lãnh đạo đa văn hóa và ứng dụng thực tế).

Học phần 9: Xây dựng năng lực đa văn hóa của chuyên gia (Phát triển khả năng đồng cảm, khả năng thích ứng văn hóa và tư duy toàn cầu, nắm vững trí thông minh đa văn hóa (CQ) và khung năng lực văn hóa, xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân về phát triển năng lực đa văn hóa).

Học phần 10: Cập nhật thông tin và thúc đẩy hợp  tác (Luôn cập nhật thông tin thông qua  các bài viết trong lĩnh vực chuyên môn cũng như qua các hội nghị, hội thảo. xác định một cơ hội nghiên cứu, thiết lập quan hệ đối tác).

Học phần 11: Thu hút sự tham gia của các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo (Kỹ năng nói trước công chúng một cách hiệu quả trong hội nghị, hội thảo, tự tin xử lý các phiên hỏi – đáp trong hội nghị, hội thảo, làm chủ kỹ năng giao tiếp trong hội nghị, hội thảo)

Học phần 12: Giảng dạy và huấn luyện về năng lực đa văn hóa (Chuẩn bị cho viên chức, giảng viên Học viện trở thành các giảng viên, huấn luyện viên về phát triển năng lực đa văn hóa, xây dựng chương trình giảng dạy và tài liệu cho các chương trình đào tạo về đa văn hóa, làm các bài tập vận dụng kiến thức, kỹ năng (Capstone) để thể hiện sự thành thạo và năng lực đa văn hóa nâng cao).

Qua chương trình này các học viên sẽ nắm vững năng lực đa văn hóa ở cấp độ chuyên gia; Thành thạo trong giao tiếp đa văn hóa, đàm phán và lãnh đạo; Nhạy cảm sâu sắc về văn hóa, khả năng thích ứng và trí tuệ văn hóa; Khả năng cố vấn và đào tạo người khác về năng lực đa văn hóa; Chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo trong môi trường làm việc quốc tế đa dạng và phức tạp nhất.

 z4862000635447_33b99b876dc866504f3380db55a4ec66

 PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến phát biểu bế mạc Tọa đàm.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với các chuyên gia quốc tế tới tham gia và trình bày tại Tọa đàm và hi vọng các chuyên gia sẽ đồng hành cùng Học viện trong toàn bộ quá trình xây dựng và triển khai Đề án phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu và làm việc trong môi trường quốc tế cho viên chức, giảng viên Học viện, góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn và Chiến lược phát triển Học viện Hành chính Quốc gia.

HKV_8966

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phạm Hải Long

Comments are closed.