Ảnh minh họa |
Nghị định nêu rõ, người đứng đầu cơ quan phải trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Có thể thấy rằng việc quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc trực tiếp thực hiện tiếp công dân được coi là một bước tiến quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phát huy dân chủ.
Việc thành lập Ban tiếp công dân tại 3 cấp Trung ương, tỉnh, huyện là quy định hoàn toàn mới của Luật Tiếp công dân để quản lý Trụ sở tiếp công dân; phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.
Ban Tiếp công dân khi đi vào hoạt động sẽ là một bước tiến quan trọng, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp dân. Để thực hiện được điều đó, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tiếp công dân các cấp.
Trong đó, đáng chú ý, Ban Tiếp công dân Trung ương sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân trung ương hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất.
Bảo đảm các điều thuận lợi nhất để tiếp công dân
Trụ sở tiếp công dân là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, do đó trụ sở phải được bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Theo đó, Nghị định đã quy định việc bố trí trụ sở tiếp công dân một cách thống nhất trên phạm vi cả nước. Đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc bố trí phòng làm việc, trang bị phương tiện và các điều kiện làm việc cần thiết khác phục vụ cho việc tiếp công dân.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân mà không cử người tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân thì phải tự bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm khang trang, thuận tiện, có phòng tiếp công dân riêng, được trang bị các phương tiện cần thiết phục vụ cho công việc tiếp dân.
Bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất trong việc tổ chức tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân chính là góp phần tăng cường mối quan hệ giữa người dân với cơ quan công quyền.
Đồng thời, đây cũng là kênh quan trọng giúp cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin phản hồi, những vấn đề nảy sinh từ thực tế, từ việc thực hiện, áp dụng, chính sách, để từ đó có sự điều chỉnh, định hướng hay đưa ra được chính sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Phối hợp để không chồng chéo, né tránh trách nhiệm
Để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thì việc quy định về phạm vi trách nhiệm và việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức công tác tiếp công dân tại Trụ sở rất quan trọng.
Kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định số 89/CP ngày 7/8/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân và Quyết định số 1203/QĐ-TTNN ngày 1/10/1997 của Tổng Thanh tra Nhà nước (TTCP) ban hành quy định về phối hợp tiếp công dân và những văn bản khác có liên quan, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP đã quy định cụ thể, chi tiết về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân. Trong đó, phân định rõ phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng như trách nhiệm của đại diện cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.
Quy định cụ thể về sự phối hợp trong việc quản lý, điều hành hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; đón tiếp, hướng dẫn công dân; theo dõi, đôn đốc; bảo vệ Trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân, bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
Các quy định nêu trên đã xác định rõ ràng tránh nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, góp phần bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân được thực hiện một cách nề nếp, nghiêm túc, tránh sự chồng chéo hoặc né tránh giữa các cơ quan, đơn vị tiếp công dân tại Trụ sở.
Đặc biệt, quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nâng cao trách nhiệm của mình, nhất là trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
Tăng mức đãi ngộ với người làm công tác tiếp dân
Nghị định số 64/2014/NĐ-CP tiếp tục quy định và làm rõ hơn chế độ bồi dưỡng đối với người làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn. Đó là các quy định về phạm vi áp dụng chế độ; đối tượng được hưởng; nguyên tắc áp dụng mức chi bồi dưỡng; điều kiện bảo đảm đối với công tác tiếp công dân (cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, kinh phí cho cho hoạt động tiếp công dân); chế độ bồi dưỡng, trang phục.
Ngoài ra, Nghị định còn có các quy định chung, việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập, điều khoản thi hành.
Có thể nói, sự ra đời của Nghị định số 64/2014/NĐ-CP đã cụ thể hóa nhiều quy định của Luật Tiếp công dân về tổ chức, hoạt động tiếp công dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức trong hoạt động tiếp công dân, vừa bảo đảm các điều kiện cho công dân khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở, địa điểm tiếp công dân. Nâng cao hiệu quả tiếp công dân ở các cấp, ngay từ cơ sở, là bước để hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.