(napa.vn) – Sáng ngày 16/8/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội đồng chủ trì Hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện và PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có: TS. Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ; TS. Trần Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa, Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á; PGS.TS. Trương Quốc Chính, Khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực I.
Về phía học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện; lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên Khoa Quản lý xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến nêu, cách đây 80 năm, vào tháng 02/1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, một văn kiện quan trọng do Tổng Bí thư Trường Chinh chấp bút soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa). Thời điểm và bối cảnh ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã cho thấy tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Từ điểm khởi nguồn này, trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Ngay từ đầu năm 2023, các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy các giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 theo Công văn số 394-CV/BTGĐUK ngày 12/01/2023 của Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về việc triển khai Hướng dẫn công tác văn hóa – văn nghệ năm 2023 và các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023). Trong bối cảnh đó, nhằm tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, giá trị thực tiễn to lớn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội thảo được tổ chức sẽ là dip một lần nữa khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới; nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Trong bối cảnh đó, nhằm tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, giá trị thực tiễn to lớn của “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội thảo được tổ chức để cùng nhìn lại và khẳng định nền tảng lý luận, giá trị, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam, từ đó tìm ra những định hướng, giải pháp tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; góp phần khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực chấn hưng văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong bối cảnh mới; nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đặt ra trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, triển khai có hiệu quả Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Hội thảo đã nhận được 43 bài viết đóng góp vào Kỷ yếu Hội thảo, đồng thời có 11 tham luận, ý kiến được chia sẻ trực tiếp tại Hội thảo.
TS. Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, TS. Đinh Văn Thuần, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận về vấn đề: “Phát huy giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. TS. Đinh Văn Thuần khẳng định, văn hóa là tiền đề quan trọng đối với đổi mới quản trị quốc gia; và ngược lại, đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả sẽ thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, con người Việt Nam. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Đảng và Nhà nước tiếp thu, vận dụng sáng tạo nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả, gắn với xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam ngày nay.
TS. Đinh Văn Thuần cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với xây dựng và phát huy giá trị văn hóa gắn với đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả bao gồm 4 nội dung: thứ nhất, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, gắn với đổi mới quản trị quốc gia; thứ hai, kiên định kế thừa, vận dụng và phát triển ba nguyên tắc vận động của văn hóa theo tư tưởng của Đề cương, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới quản trị quốc gia; thứ ba, phát huy bài học về phát huy tinh thần dân tộc, huy động rộng rãi sự tham gia, đóng góp trí tuệ, tài năng của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phát huy mọi tiềm tăng, nguồn lực cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; thứ tư, phát huy bài học về phát huy dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa trong đổi mới quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo.
Với tham luận: “Một số vấn đề văn hóa đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực và hiệu quả”, TS. Trần Nghị, Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ nêu lên 05 vấn đề văn hóa đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực và hiệu quả: Nhóm vấn đề lớn thứ nhất: giải quyết thành công mối quan hệ giữa phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; Nhóm vấn đề lớn thứ hai: khắc phục cho được tình trạng xuống cấp về đạo đức, tha hóa con người; Nhóm vấn đề lớn thứ ba: quản trị quốc gia phải đưa giáo dục – đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đi đầu trong xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nhóm vấn đề lớn thứ tư: khắc phục chính những vấn đề của các chính sách về văn hóa hiện nay; Nhóm vấn đề lớn thứ năm: khắc phục sự chênh lệch về đời sống văn hóa, hưởng thụ văn hóa.
TS. Trần Nghị khẳng định, một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực và hiệu quả phải có quyết tâm chính trị và đưa ra được những quyết sách quan trọng để đưa giáo dục – đào tạo thực sự đúng là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực đi đầu trong xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
TS. Trần Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tham luận tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo với chủ đề: “Vận dụng tư tưởng Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 – Xây dựng con người mới trong thời kỳ mới”, TS. Trần Thị Tuyết Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định, ra đời trong bối cảnh lịch sử, Đề cương đã thâu tóm được tính chất, nội dung và 3 nguyên tắc nhất quán của nền văn hóa cách mạng: dân tộc, khoa học, đại chúng. Mặc dù “vấn đề xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa chưa được đề cập tới”, nhưng tư tưởng xuyên suốt của nền văn hóa cách mạng phải là “văn hóa xã hội chủ nghĩa” đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vận dụng tư tưởng về “xã hội chủ nghĩa” và xây dựng nền “văn hóa xã hội chủ nghĩa” từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Bác Hồ và Đảng ta đã xây dựng những định hướng quan trọng để xây dựng nguồn lực “con người mới xã hội chủ nghĩa” đáp ứng yêu cầu trong các giai đoạn lịch sử.
TS. Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa, Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á tham luận tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa, Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á trình bày tham luận: “Phát triển bền vững văn hóa Việt Nam qua vận dụng các nguyên tắc dân tộc, đại chúng và khoa học”. TS. Nguyễn Đức Thắng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Quá trình tiếp biến văn hóa qua các lĩnh vực cũng muôn hình muôn vẻ. Nhưng với sự đúng đắn của việc vận dụng tốt các thành tố, các nguyên tắc trong Đề cương văn hóa Việt Nam, đến ngày nay, văn hóa Việt Nam vẫn đang phát triển, hội nhập và đứng vững trong mọi hoàn cảnh, tạo nên bản sắc. Chủ thể sáng tạo, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc là nhân tố con người: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
PGS.TS. Đặng Khắc Ánh, Trưởng khoa, Khoa Quản lý xã hội tham luận tại Hội thảo.
Chia sẻ tại Hội thảo về vấn đề: “Phát huy giá trị của Đề cương văn hóa trong xây dựng nền văn hóa công vụ hiện nay”, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh cho rằng, văn hóa công vụ là yếu tố cốt lõi của nền công vụ hiện đại, phục vụ. Xây dựng văn hóa công vụ là điều kiện cơ bản đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cần tạo động lực gia tăng khát vọng, lý tưởng xã hội và sự công hiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Văn hóa công vụ là cơ sở, nền tảng chống lại các hiện tượng tiêu cực trong các cơ quan công quyền, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; góp phần tạo cơ sở, nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đủ sức mạnh nội lực, trí lực, tâm lực, đủ khả năng đề kháng, chống lại những cám dỗ làm tha hóa bản thân.
Tăng cường văn hóa công vụ trong xây dựng nền hành chính hiện nay, theo PGS.TS. Đặng Khắc Ánh: thứ nhất, tiếp tục hoàn chỉnh hệ giá trị văn hóa công vụ trên cơ sở hệ giá trị con người Việt Nam thời đại mới, dựa trên các chuẩn mực văn hóa dân tộc và những giá trị của nền công vụ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ tiêu chí văn hóa công vụ trong các cơ quan, tổ chức nhà nước; thứ hai, xây dựng văn hóa công vụ gắn với nền hành chính phục vụ, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tư duy nền hành chính phục vụ; thứ ba, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng, thực hiện văn hóa công vụ; thứ tư, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về văn hóa công vụ, đạo đức công vụ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có thành tích, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
TS. Tạ Quang Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý nhà nước phát biểu tại Hội thảo.
TS. Tạ Quang Tuấn đóng góp tại Hội thảo với ý kiến tập trung so sánh bối cảnh quản trị quốc gia ở 2 thời điểm đất nước trong kháng chiến và đất nước trong thời điểm hiện nay với trạng thái xã hội có sự bình yên, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Điều này sẽ là căn cứ để hình thành 4 cấp độ của văn hóa quản trị quốc gia, gồm: chân lý, giá trị, mục tiêu và chuẩn mực của quản trị, để tìm được điểm chung (hay sự hài lòng) giữa chủ thể quản trị quốc gia và Nhân dân.
PGS.TS. Trương Quốc Chính, Học viện Chính trị khu vực I phát biểu.
Bàn về sức mạnh nội sinh của văn hóa, PGS.TS. Trương Quốc Chính nêu, sức mạnh nội sinh của văn hóa chính là để chủ động xây dựng và phát triển, vận dụng và phát huy nó trong đời sống hằng ngày, làm cho văn hóa thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước, chấn hưng dân tộc, đặc biệt là chấn hưng đạo đức, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Văn hóa luôn biểu đạt một quan niệm có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, là đức tính, phẩm cách, phẩm giá của con người để sống đúng, sống tốt và sống đẹp. Cốt yếu của văn hóa là ở đạo đức, đạo lý, đạo nghĩa nên đức là cái gốc của nhân cách làm người và đạo đức hướng vào cái thiện. Bên cạnh đó, PGS.TS. Trương Quốc Chính cũng nhấn mạnh cần quan tâm đến văn hóa chính trị vì văn hóa chính trị là một biểu hiện đặc biệt của văn hóa nhân loại và văn hóa quốc gia – dân tộc.
TS. Đặng Thị Minh, giảng viên Khoa Quản lý xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo.
Với nội dung “Phát huy vai trò của văn hóa trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, TS. Đặng Thị Minh đã nhấn mạnh, để thực hiện thành công việc đổi mới “quản trị quốc gia”, rất cần sự đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động của các chủ thể tham gia vào quản trị quốc gia cũng như đặt ra những yêu cầu khách quan về đổi mới thể chế quản trị, nhận thức, vị trí, vai trò của các chủ thể. Văn hóa phải được nhìn nhận rõ là một động lực quan trọng để quản trị quốc gia hiệu quả, khi quản trị quốc gia vận hành dựa trên các nguyên tắc và chuẩn mực chính là đang dựa trên các giá trị nền tảng do văn hóa tạo ra để xác lập giá trị cốt lõi của quốc gia. Theo TS. Đặng Thị Minh, những thể chế tích cực và tiến bộ được tạo nên từ những chủ thể văn hóa tiến bộ. Ngược lại, khi thể chế không phù hợp, thiếu vắng tư duy văn hóa sẽ dẫn tới xung đột, khủng hoảng các giá trị, phá vỡ sự ổn định và phát triển bền vững. Do đó, những chủ thể quản trị quốc gia phải là chủ thể văn hóa, chủ thể đại diện cho những giá trị cốt lõi của quốc gia nên cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò to lớn, đích thực của văn hóa trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.
TS. Lê Thị Thu Phượng, giảng viên Khoa Quản lý xã hội chia sẻ ý kiến tại Hội thảo.
Theo chia sẻ của TS. Lê Thị Thu Phượng, văn hóa sẽ ngày càng phát huy vai trò của mình vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nền tảng tinh thần phát triển kinh tế – xã hội. Đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Sự tham gia ngày càng tích cực của người dân vào quá trình sáng tạo và hưởng thụ văn hóa sẽ tạo nhiều cơ hội bình đẳng trong quá trình tiếp cận, cũng như gìn giữ hiệu quả những giá trị văn hóa truyền thống. Đây là biểu hiện tất yếu của tiến trình dân chủ hóa đất nước mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai rộng khắp. Văn hóa ngày càng trở thành một sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
TS. Phạm Thị Thanh Hương, giảng viên Khoa Quản lý xã hội phát biểu.
TS. Phạm Thị Thanh Hương, giảng viên Khoa Quản lý xã hội đã tập chung làm rõ nguyên tắc đại chúng trong Đề cương về Văn hóa năm 1943 và văn hóa đại chúng ngày nay. Trong đó, TS. Phạm Thị Thanh Hương muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến, thậm chí là xung đột giữa các nền văn hóa hiện nay đã và đang tạo ra những tình thế buộc chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển văn hóa một cách rõ nét để định hướng cho văn hóa phát triển. Nền văn hóa Việt Nam vốn mang bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa với tính nhân dân rộng khắp và tính dân tộc sâu sắc, đã và đang tiếp thu những xu hướng văn hóa đa dạng từ các nền văn hóa khác trên thế giới; bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc đã và đang đứng trước những thách thức của các xu hướng mới trong thời kỳ hiện đại… Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu về đại chúng hóa trong bối cảnh hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi một đất nước, một quốc gia, một dân tộc, mà phải ở tầm thế giới, hàm nghĩa “nhân dân” còn mang tính nhân loại. Đây là một trong những đặc điểm mới của nguyên tắc đại chúng trong thời kỳ hiện đại.
PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS. Lương Thanh Cường chia sẻ tại Hội thảo, với diện tích đất nước hơn 300 nghìn km2 và với dân số gần 100 triệu người hiện nay, các số liệu này bắt nguồn từ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo, từ Bà Trưng, Bà Triệu, từ ý chí quật cường không chịu làm nô lệ của dân tộc Việt Nam của “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, cho đến ngày nay là Cột cờ Lũng Cú, Nhà giàn DK, đó chính là độc lập Tổ quốc, là nền văn hiến lâu đời của Việt Nam. Để có quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả thì phải có yếu tố nhân lực, mà đào tạo, bồi dưỡng luôn gắn với nhân lực chất lượng cao. Học viện Hành chính Quốc gia là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của đất nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là sản phẩm đầu ra của Học viện phải đáp ứng được các tiêu về đạo đức công vụ của một người cán bộ, công chức phụng sự Tổ quốc, Nhân dân, đáp ứng đổi mới sáng tạo. Và điều quyết định để Học viện tồn tại và có giá trị khác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác đó chính là xây dựng văn hóa của chính Học viện Hành chính Quốc gia.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Khắc Ánh trân trọng cảm ơn các vị đại biểu, các nhà khoa học đã tới dự và đóng góp những ý kiến thiết thực về việc vận dụng các giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam vào xây dựng nền quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả hiện nay. Những kinh nghiệm này chắc chắn sẽ là những bài học quý báu để xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tổng hợp và sử dụng phù hợp vào các nội dung có liên quan trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mà Học viện Hành chính Quốc gia và Khoa Quản lý xã hội đang đảm nhận. PGS.TS. Đặng Khắc Ánh mong muốn trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục có những đánh giá, kiến nghị đóng góp bổ ích và thiết thực cho công cuộc xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực và hiệu quả ở nước ta./.
Như Ngọc