(napa.vn) – Sáng ngày 06/12/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Ngoại ngữ – Tin học đã tổ chức Tọa đàm khoa học “An toàn, an ninh thông tin”.
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Dự tọa đàm, về phía khách mời, có ông Phạm Trung Đức, Giám đốc Quản lý sản phẩm – Trung tâm An toàn thông tin, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); ông Nguyễn Thế Đạt, Phó Trưởng Phòng Điều hành an ninh, VNPT cùng các nhà khoa học là chuyên gia, giảng viên về lĩnh vực an ninh thông tin Học viện An ninh nhân dân, Trung tâm Công nghệ và Thư viện. Về phía Học viện, có TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Ngoại ngữ – Tin Học; TS. Giáp Thị Yến, Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ – Tin học cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Ngoại ngữ – Tin học.
TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng Khoa phụ trách Khoa Ngoại ngữ – Tin học phát biểu khai mạc Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa khẳng định ứng dụng sâu rộng của công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế – xã hội Việt Nam. Bên cạnh những lợi ích thì cũng những nguy cơ rất lớn về an ninh, an toàn thông tin, như tấn công mạng, gián điệp mang ngày càng phức tạp; lộ, lọt, mua bán trái pháp thông tin của các cá nhân, tập thể; hoạt động tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gia tăng;… TS. Nguyễn Thị Thúy Hoa đề nghị các đại biểu tham dự tọa đàm thảo luận về các nội dung: Tầm quan trọng của bảo mật an toàn, an ninh thông tin; cảnh báo về an toàn thông tin, nhận diện kịp thời các mối đe dọa an toàn, an ninh thông tin; phương thức tấn công của các phần mềm độc hại; giới thiệu các công nghệ, kỹ thuật, phương pháp mới phát huy được hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; giải pháp ngăn chặn những nguy cơ tấn công mã độc, mối nguy hại lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Thế Đạt – Phó Trưởng Phòng Điều hành an ninh, VNPT trình bày tham luận Đảm bảo An toàn thông tin trong chuyển đổi số.
Tham gia tham luận tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thế Đạt giới thiệu về hệ thống bảo đảm an toàn thông tin của VNPT. Đây là hệ thống của VNPT cung cấp cho các thành viên trong tập đoàn và cho các cá nhân, tổ chức là khách hàng của tập đoàn. Hoạt động của trung tâm an toàn thông tin của VNPT là thông qua các công cụ, chương trình để kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ các hệ thống của tập đoàn, khách hàng để từ đó xem hệ thống đã bảo đảm an toàn chưa, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế của hệ thống cùng với đó là giải quyết các sự cố xảy ra của các hệ thống an toàn thông tin. Ông Nguyễn Thế Đạt chia sẻ về hoạt động, cách vận của các hệ thống an toàn thông tin đang được VNPT cung cấp tại tập đoàn và cho các khách hàng của mình, thông qua các hoạt động ngăn chặn, chuyển hướng, kiểm soát để giữ an toàn thông tin cho tập đoàn, khách hàng.
Ông Phạm Trung Đức – Giám đốc Quản lý sản phẩm- Trung tâm An toàn thông tin, VNPT trình bày kinh nghiệm thúc đẩy nâng cao năng lực Cyber Resilience cho các tổ chức, doanh nghiệp
Trình bày tại Tọa đàm, ông Phạm Trung Đức chia sẻ các kinh nghiệm thúc đẩy nâng cao năng lực Cyber Resilience cho các tổ chức, doanh nghiệp, đây là một vài trường hợp trung tâm an toàn thông tin mạng của VNPT đã dùng xử lý bằng các biện pháp nhằm đánh giá cấu trúc an ninh mạng của các khách hàng của VNPT và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng công tác an ninh thông tin. Ngoài ra trung tâm an toàn thông tin mạng của VNPT còn xử lý các vụ việc khi khách hàng của VNPT bị tấn công mạng, chiếm quyền sử dụng,…
ThS. Phạm Thành Công, Học viện An ninh nhân dân trình bày bài viết nhận diện và phòng, chống các nguy cơ về an ninh, an toàn thông tin trên mạng xã hội
Trình bày tại tọa đàm, ThS. Phạm Thành Công, Học viện An ninh nhân dân trình bày bài viết nhận diện và phòng, chống các nguy cơ về an ninh, an toàn thông tin trên mạng xã hội. Mạng xã hội là nền tảng kỹ thuật cho phép người dùng tương tác, chia sẻ, trao đổi thông tin,… vô cùng thuận tiện, tuy nhiên người dùng mạng xã hội phải đối mặt với những nguy cơ rò rỉ thông tin, dữ liệu cá nhân, bị tấn công mạng, lừa đảo, gian lận, tin giả, sai sự thật,… Để bảo đảm an toàn thông tin trên mạng xã hội cần có những biện pháp tự bảo vệ bản thân, như không mở, truy cập các đường link lạ, giữ an toàn thông tin cá nhân, không phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, mã hóa dữ liệu quan trọng trước khi gửi,….
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ các câu hỏi của đại biểu dự tọa đàm, giảng viên, sinh viên về các nội dung: các trường hợp tấn công và khôi phục dữ liệu bị tấn công, ứng dụng các công cụ AI trong học tập, cách để bảo mật thông tin cá nhân trên không giang mạng,…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.