Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, đào tạo nhân lực y tế là một loại hình đào tạo đặc biệt. Tỷ lệ thời gian thực hành nghề nghiệp rất cao trong chương trình đào tạo. Trong quá trình thực hành, sinh viên, học sinh, học viên cần được tiếp xúc và tham gia thực hiện các kỹ thuật trực tiếp trên bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế của các cơ sở y tế. Mặt khác, tham gia vào đào tạo thực hành là cơ hội tạo ra môi trường giáo dục trong các cơ sở y tế và nhân viên y tế cũng có động lực để cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn. Đối với các cơ sở giáo dục, các cán bộ giảng dạy khi tham gia dạy thực hành cũng được tiếp cận thực tiễn hành nghề, giúp cho họ duy trì nâng cao năng lực nghề nghiệp, đảm bảo khả năng giảng dạy. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các giảng viên giảng dạy các môn học/học phần chuyên môn cần phải có chứng chỉ hành nghề – tức là gắn việc giảng dạy với hoạt động chuyên môn tại một cơ sở y tế.
Trong thời gian qua số lượng cơ sở giáo dục nhân lực y tế tăng nhanh. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 173 cơ sở giáo dục tham gia đào tạo nhân lực y tế, trong đó có các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập thuộc nhiều cơ quan chủ quản khác nhau: trực thuộc Bộ Y tế, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Quy mô đào tạo nhân lực y tế hiện nay ngày càng có xu hướng tăng, song về chất lượng còn nhiều hạn chế và bất cập.
Mặt khác, thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, ngành y tế cũng phát triển theo nhu cầu thị trường nhằm đáp ứng an sinh xã hội. Các bệnh viện có các qui định mới, các qui định vận hành về tài chính cũng như hệ thống tổ chức thay đổi tạo ra những lỗ hổng về phối hợp viện trường. Điều này cần phải có các điều chỉnh ở cấp cao hơn cấp Bộ vì có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau.
Bên cạnh đó, hiện công tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong đào tạo nhân lực y tế còn nhiều bất cập cả trong quy định pháp luật hiện hành lẫn trong thực tiễn. Nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường ngoài công lập, gửi sinh viên, học sinh đi thực hành ở các cơ sở y tế, nhưng không có giáo viên theo dõi, hỗ trợ. Vai trò hướng dẫn học viên, sinh viên, học sinh của nhân viên các cơ sở y tế chưa được quy định rõ ràng…
Đảm bảo sự bình đẳng về quyền, trách nhiệm giữa cơ sở thực hành và cơ sở giáo dục
Bộ Y tế đã dự thảo Nghị định quy định về phối hợp giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe gồm 6 chương, 20 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ điều kiện về cơ sở thực hành và người hướng dẫn thực hành; nội dung phối hợp; quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; cơ chế tài chính…
Theo dự thảo, việc phối hợp giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe dựa nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền và trách nhiệm giữa cơ sở thực hành và cơ sở giáo dục; sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của cơ sở thực hành để phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo nhân lực y tế, nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp; việc phối hợp phải được thực hiện thông qua hợp đồng phối hợp giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn
(Website Chính Phủ)