Ảnh minh họa |
Nghị định này áp dụng đối với: Các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của Luật Giáo dục đại học; Các Đại học vùng thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định này và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội áp dụng các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật khác có liên quan; các Đại học quốc gia, trường Đại học Việt Đức, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và các trường đại học thành lập theo mô hình trường đại học xuất sắc hoạt động theo cơ chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Dự thảo quy định rõ về giá dịch vụ giáo dục đào tạo. Theo đó, học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy định tại Nghị định này phù hợp với từng loại hình đơn vị thực hiện tự chủ.
Về giá dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dự thảo nêu rõ, trường hợp dịch vụ có sử dụng ngân sách nhà nước: Đối với dịch vụ Nhà nước chưa quy định mức giá hoặc khung giá cụ thể, các đơn vị được xác định giá dịch vụ trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí như sau: Năm 2016 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ sở giáo dục đại học được phép thực hiện trước lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo nói trên và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học ở trung ương để theo dõi, giám sát thực hiện.
Đối với những dịch vụ Nhà nước đã quy định mức giá cụ thể hoặc khung giá, đơn vị thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Trường hợp dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: Các đơn vị được tự xác định giá bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy theo quy định pháp luật về giá.
Điều kiện thực hiện tự chủ
Theo dự thảo, các cơ sở giáo dục đại học: Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; được Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên được thực hiện tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định tại Nghị định này khi đảm bảo các điều kiện sau: Đảm bảo tỉ lệ sinh viên chính quy/ giảng viên cơ hữu theo quy định hiện hành; Đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; đã công bố công khai trên website của trường các điều kiện đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp so với số trúng tuyển và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp theo quy định hiện hành.
Đồng thời không vi phạm các quy định khác về tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và các quy định khác của pháp luật trong thời hạn 03 năm tính đến ngày cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị; đã đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học hoặc đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định…
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định: Tự chủ về hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ; Tự chủ về tổ chức bộ máy; Tự chủ về nhân sự; Tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học tự đảm bảo chi thường xuyên; Tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên; Tự chủ trong giao dịch tài chính; Tự chủ tài chính đối với các đại học vùng…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương
(Website Chính Phủ)