Sáng ngày 23/10/2014, Hội nghị EROPA – 2014 đã tổ chức Lễ bế mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, TS. Lê Như Thanh – Phó Giám đốc thường trực Học viện Hành chính Quốc gia đã đến dự và trình bày Báo cáo tổng kết Hội nghị. Cổng thông tin điện tử của Học viện Hành chính Quốc gia trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo tổng kết Hội nghị EROPA – 2014 do TS. Lê Như Thanh trình bày tại Lễ bế mạc Hội nghị:
Kính thưa Đoàn Chủ tịch Hội nghị;
Thưa toàn thể quý vị đại biểu.
Ngày nay, hội nhập đã trở thành một xu thế tất yếu của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến quan hệ quốc tế và sự phát triển của từng quốc gia. Một thực tế không thể phủ nhận, hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội song cũng đặt ra không ít thách thức đối với hoạt động quản trị quốc gia, điều này càng được chú ý khi các quốc gia khu vực Đông Nam Á đang hướng đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng chung đoàn kết, năng động và thịnh vượng vào năm 2015, do đó chủ đề của Hội nghị EROPA – 2014 tại Việt Nam là “Hành chính công và quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Hội nghị đã nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 400 nhà quản lý, các học giả đến từ các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới. Ban Thư ký và Ban Tổ chức Hội nghị EROPA 2014 nhận được 90 bài tham luận, đăng tải trong tài liệu Hội nghị, trong đó gần 50 báo cáo được trình bày và thảo luận các phiên họp của Hội nghị. Trong 4 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, các học giả trao đổi thẳng thắn, cởi mở, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, gắn với chủ đề của Hội nghị.
Tại lễ khai mạc, Hội nghị vui mừng được chào đón Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu. Sự hiện diện của Thủ tướng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam đến chủ đề của Hội nghị, điều đó cho thấy Việt Nam luôn cam kết và nỗ lực không ngừng trong cải cách hành chính công và quản trị công.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng EROPA luôn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối để các quốc gia thành viên trao đổi, chia sẻ và tiếp cận kịp thời những thông tin thiết thực phục vụ tiến trình cải cách hành chính công, quản trị công, tạo nên những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển.
Tại Diễn đàn Lãnh đạo châu Á, các đại biểu được tiếp cận những câu chuyện chia sẻ từ các nhà quản lý thực tiễn ở các cấp độ khác nhau. Những chia sẻ này đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu, các học giả có thêm những kinh nghiệm và cứ liệu thực tiễn sinh động về hành chính công và quản trị công.
Trong phiên họp toàn thể, Hội nghị đã trao đổi những vấn đề chung về hội nhập khu vực và toàn cầu; vấn đề minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của khu vực tư vào quản trị nhà nước. Đây là những cơ sở nền tảng để dẫn dắt, định hướng việc thảo luận chuyên sâu ở 4 tiểu chủ đề của Hội nghị.
Thưa quý vị đại biểu.
Trong các phiên họp theo từng tiểu chủ đề, các vấn đề của Hội nghị đã được xem xét, đánh giá trên nhiều cấp độ khác nhau từ vi mô đến vĩ mô, từ cấp địa phương đến cấp quốc gia và khu vực. Sự đánh giá đa phương diện, trên nhiều cấp độ này cho phép nhìn nhận vấn đề quản trị công và hành chính công một cách đầy đủ và hệ thống hơn trong mối tương quan với bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Tiểu chủ đề 1: Các vấn đề chuyên môn và thách thức của nền hành chính công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu, đã có 12 tham luận được trình bày. Các tham luận tập trung phân tích những thách thức trong cung ứng dịch vụ công, quản lý chi tiêu công; thách thức trong định hướng giá trị đạo đức và văn hóa mà nền công vụ cần hướng đến; vấn đề minh bạch hóa quản trị nhà nước trong bối cảnh hội nhập.
Quá trình hội nhập cũng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về năng lực chính sách, năng lực thể chế và năng lực quản trị, tạo ra áp lực phải đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công. Việc chuyển đổi từ mô hình công vụ chức nghiệp sang mô hình công vụ việc làm trở thành một xu hướng tất yếu trong cải cách công vụ.
Tiểu chủ đề 2: Các phương thức quản trị trong bối cảnh các xã hội được kết nối, với 15 tham luận được trình bày tại Hội nghị. Ở tiểu chủ đề này, vấn đề quản trị rủi ro, xử lý các thảm họa thiên nhiên, mô hình phân cấp quản lý rác thải hạt nhân nhằm tăng cường niềm tin của công chúng, mô hình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề quản lý phúc lợi xã hội, quản lý môi trường và quản trị đô thị hướng tới phát triển bền vững được nhiều học giả trình bày và thảo luận.
Ở góc độ bao quát hơn, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ASEAN ngày càng sâu sắc, lộ trình hình thành thị trường chung ASEAN đang đòi hỏi các quốc gia trong khu vực cần phải có những cải cách đột phá về thể chế, trong đó phân cấp quản lý nhà nước được coi như một phương thức quản trị hiệu quả.
Về tiểu chủ đề 3: cải cách khu vực công và đổi mới trong các xã hội hội nhập, tại Hội nghị đã có 13 tham luận được trình bày. Vấn đề cải cách khu vực công được tiếp cận ở các cấp độ khác nhau, gắn liền với mỗi địa phương, mỗi quốc gia đã gợi mở nhiều ý tưởng cho mỗi đại biểu trên cương vị công tác khác nhau. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, mở rộng quan hệ đối tác công tư, vấn đề kết nối giữa công chức, công dân với khu vực và toàn cầu được nhiều đại biểu đặt ra và bàn thảo.
Nhằm nâng cao hiệu quả của quản trị công trong xã hội dân chủ, các học giả cũng đề xuất tăng cường sự tham gia của người dân và sử dụng truyền thông để phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm sự tương tác 2 chiều giữa chính quyền với người dân.
Ở tiểu chủ đề 4: Tương lai của hành chính và quản trị công trong một thiết chế khu vực và toàn cầu, đã có 6 tham luận được trình bày. Các học giả cùng thảo luận về viễn cảnh tương lai của quản trị công trong một thế giới phẳng như việc đào tạo trực tuyến giúp xóa bỏ khoảng cách về không gian, mở ra nhiều cơ hội nâng cao năng lực hơn cho công chức. Các tham luận cũng xem xét việc vận dụng các giá trị văn hóa trong quản lý công, việc sử dụng các phương thức và công cụ quản lý hiện đại trong quản trị công vì mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Thưa toàn thể Hội nghị,
Hội nghị EROPA – 2014 với chủ đề: “Hành chính công và Quản trị công trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu” thực sự là một diễn đàn mở để các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng chia sẻ tri thức, đánh giá và đề xuất sáng kiến hướng tới một nền hành chính công có hiệu lực, hiệu quả cao.
Những trao đổi, đề xuất rất tâm huyết và có giá trị khoa học tại Hội nghị đã gợi mở một số định hướng lớn cho các quốc gia nhằm cải cách hành chính công trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực như: Xây dựng thể chế hiện đại; Thiết kế mô hình tổ chức hành chính phù hợp; Gia tăng tính liêm chính và minh bạch trong quản trị nhà nước; Đẩy mạnh phân cấp quản lý; Cải cách chế độ công vụ; cải cách quản lý tài chính công; Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công; Áp dụng mô hình chính quyền điện tử tại các cấp… Đây cũng chính là những gợi ý quan trọng cho Chính phủ Việt Nam lựa chọn những phương thức cải cách và bước đi phù hợp trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, các quốc gia đang xích lại gần nhau vì một thế giới hội nhập.
Hy vọng rằng, kết quả của Hội nghị lần này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trong hoạt động của Tổ chức Hành chính miền đông thế giới, khẳng định sức sống và sức sáng tạo mạnh mẽ của EROPA.
Xin trân trọng cảm ơn!