(napa.vn) – Sáng ngày 10/8/2023, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Học viện của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh – Khóa 16 (2018 – 2021), chuyên ngành Quản lý công, mã số 9 34 04 03, với đề tài “Thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu và TS. Lê Văn Hòa.
Quang cảnh lễ bảo vệ luận án của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh.
Hội đồng đánh giá luận án gồm 07 thành viên, đến từ Học viện Hành chính Quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia – Chủ tịch Hội đồng chủ trì.
TS. Lê Như Phong, Phó Trưởng phòng, Ban Quản lý đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia công bố Quyết định Thành lập Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Học viện của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh.
Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Hải, Trưởng khoa, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh. Tất cả các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của Nghiên cứu sinh trong thời gian qua.
TS. Phạm Ngọc Hà, Học viện Hành chính Quốc gia – Thư ký Hội đồng trình bày lý lịch khoa học của Nghiên cứu sinh.
Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh với mục tiêu cấp thiết đó là: (1) Xuất phát từ vai trò quan trọng của dân chủ đối với sự phát triển của đất nước. Dân chủ không chỉ là mục tiêu cơ bản, là động lực quan trọng của cách mạng mà còn là yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta hiện nay. Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về dân chủ, quyền làm chủ trực tiếp của người dân, vai trò của người dân tham gia vào việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước và địa phương; (2) Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của cấp xã (xã, phường, thị trấn) và yêu cầu phải tăng cường thực hiện dân chủ ở xã đối với quá trình phát triển của nước ta. Trong quá trình mở rộng và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, Đảng ta coi dân chủ ở cấp xã là khâu quan trọng nhất, bởi đây là cấp hành động, là nơi tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, là địa bàn nhân dân sinh sống, lao động, sản xuất…; là nơi diễn ra sự tiếp xúc, mối quan hệ nhiều mặt giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng bộ và chính quyền; đồng thời cấp xã cũng là nơi người dân tiếp cận và thực hiện quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của mình. Thực hiện dân chủ ở cấp xã vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã. Thông qua việc thực hiện dân chủ ở cấp xã mà hệ thống chính trị ngày càng nâng cao năng lực tổ chức triển khai nhiệm vụ, điều hòa và gắn kết các nhóm lợi ích, những vấn đề nảy sinh được phát hiện kịp thời, các khó khăn được tháo gỡ và ngày càng thu hút được sự tham gia rộng rãi của người dân vào các công việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; (3) Xuất phát từ chính thực trạng thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố thời gian qua. Thành phố Hà Nội là địa phương có dân cư đông, địa bàn lớn và rất đa dạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa – xã hội. Thành phố vừa là đô thị phát triển hàng đầu của cả nước, đồng thời vẫn còn là địa phương có tỷ lệ nông thôn, nông nghiệp và nông dân tương đối lớn. Hiện nay, dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố vẫn chưa được phát huy đúng mức – xét cả ở góc độ nhận thức cũng như ở hiện thực của các hình thức và nội dung thực hiện quyền dân chủ của nhân dân đối với các vấn đề của địa phương và đất nước. Thêm vào đó, tốc độ đô thị hoá của thành phố diễn ra nhanh chóng khiến một bộ phận không nhỏ nông dân không thích ứng kịp; nhiều nơi không gian sống của nông dân bị ô nhiễm nghiêm trọng, không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh bị xâm hại; những sai phạm kéo dài liên quan đến đất đai, đến các vấn đề an sinh xã hội… chậm được xử lý đã làm giảm sút niềm tin của nông dân với Đảng với chính quyền xã, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những điểm nóng chính trị – xã hội mà trên thực tế nó đã từng và có thể tiếp tục xảy ra trên địa bàn các xã thuộc thành phố, ảnh hưởng đến ổn định trật tự xã hội chung của cả nước.
Trên cơ sở xây dựng khung lý thuyết về thực hiện dân chủ ở xã, phân tích đánh giá thực trạng thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, luận án đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố thời gian tới.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh trình bày kết quả nghiên cứu.
Đây là công trình nghiên cứu về thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội, vì vậy luận án có những đóng góp mới như sau: Một là, trên cơ sở kế thừa lý luận về dân chủ, dân chủ ở xã; luận án đã xây dựng khung lý thuyết về thực hiện dân chủ ở xã; Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xác định những kết quả đã đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố; Ba là, các giải pháp luận án đề xuất phù hợp với đặc thù của thành phố Hà Nội trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị vì vậy đây sẽ là nghiên cứu có ích trực tiếp cho chính quyền thành phố Hà Nội trong thực hiện dân chủ ở xã thời gian tới để giải quyết các vấn đề chính trị tại các xã trên địa bàn.
GS.TS. Phạm Hồng Thái, Đại học Quốc gia Hà Nội – Phản biện 1 trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn:
Thứ nhất, dưới góc độ thực hiện quyền tham gia và giám sát của người dân đối với hoạt động quản lý nhà nước, luận án quan niệm “Thực hiện dân chủ ở xã là toàn bộ quá trình hiện thực hóa các quyền tham gia và giám sát của người dân đối với hoạt động quản lý nhà nước tại xã nơi người dân sinh sống, được thực hiện bởi người dân và chính quyền xã bằng những hình thức nhất định phù hợp với các nguyên tắc và quy định của pháp luật”. Thực hiện dân chủ ở xã bao gồm các nội dung: (i) Ban hành văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dân chủ ở xã; (ii) Phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về dân chủ; (iii) Tổ chức bộ máy và phân công, phối hợp thực hiện dân chủ ở xã; (iv) Thực hiện các nội dung dân chủ trực tiếp ở xã; (v) Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện dân chủ ở xã; (vi) Sơ kết, tổng kết thực hiện dân chủ ở xã.
PGS.TS. Đào Thanh Trường, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Phản biện 2 trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Thứ hai, luận án đã làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở xã gồm: (i) Thể chế về dân chủ; (ii) Điều kiện tự nhiên, KTXH, văn hoá địa phương; (iii) Sự phát triển của khoa học công nghệ; (iv) Năng lực của hệ thống chính trị xã; (v) Năng lực thực hành dân chủ của người dân.
PGS.TS. Lưu Văn Quảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Phản biện 3 trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Thứ ba, trên cơ sở phân tích thực trạng, luận án chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: (i) Pháp luật thực hiện dân chủ còn thiếu tính đồng bộ và toàn diện; (ii) Tại một số xã, vai trò của bộ máy thực hiện dân chủ chưa được đặt tương xứng với yêu cầu phát huy quyền làm chủ của người dân; (iii) Năng lực của đội ngũ CBCC xã trong giải quyết các vấn đề dân chủ còn nhiều yếu kém; (iv) Năng lực thực hiện dân chủ của người dân ở xã còn nhiều hạn chế; (v) Kinh phí đầu tư cho việc tổ chức thực hiện dân chủ trực tiếp ở xã còn hạn chế; (vi) Tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các huyện chưa đồng đều, tình trạng phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội gia tăng, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội gây khó khăn cho công tác thực hiện dân chủ ở các xã.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải, Học viện Hành chính Quốc gia – Thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Thứ tư, luận án đề xuất các giải pháp tăng cường thực hiện dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm: (i) Đổi mới tư duy dân chủ và nâng cao quyết tâm chính trị của các đảng bộ xã về việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện dân chủ ở xã; (ii) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; (iii) Đổi mới hoạt động, nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và các thiết chế xã hội khác trong tổ chức thực hiện dân chủ ở xã; (iv) Nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ CBCC xã; (v) Nâng cao năng lực thực hiện dân chủ của người dân; (vi) Tăng cường thực hiện các nội dung dân chủ trực tiếp ở xã; (vii) Đảm bảo các điều kiện, nguồn lực cần thiết để thực hiện dân chủ trực tiếp ở các xã trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiệu quả; (viii) Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp Thủ đô, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở xã.
TS. Nguyễn Tiến Thành, Hội đồng nhân dân quận Nam Từ Liêm - Thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.
Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.
TS. Lê Như Phong, Phó Trưởng phòng, Ban Quản lý đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia – Đại diện cơ sở đào tạo tặng hoa chúc mừng Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh.
Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thanh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích, giúp Nghiên cứu sinh có thể hoàn thiện luận án một cách chỉn chu hơn; cảm ơn các thầy cô Ban Quản lý đào tạo, Khoa Hành chính học, Học viện Hành chính Quốc gia, các thầy hướng dẫn và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ để Nghiên cứu sinh hoàn thành tốt luận án của mình./.
Một số hình ảnh tại Lễ bảo vệ luận án của NCS Nguyễn Thị Thanh:
PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu – Đại diện người hướng dẫn khoa học phát biểu.
Hội đồng tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Hội đồng, Người hướng dẫn khoa học chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Tập thể Khoa Hành chính học tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Tập thể Bộ môn tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Đại diện gia đình tặng hoa chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Tập thể Ban Tổ chức cán bộ chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Bạn bè, đồng nghiệp chúc mừng NCS Nguyễn Thị Thanh.
Như Ngọc