Bảo vệ Luận án tiến sĩ Quản lý công: “Chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế”

(napa.vn) – Sáng ngày 24/4/2024, tại Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ cấp Học viện của nghiên cứu sinh Bùi Bá Nghiêm, ngành Quản lý công, mã số 9340403, với đề tài “Chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế” dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Lê Quốc Lý và PGS.TS. Trần Thị Cúc.

 z5385814414789_fce11d087744cf7aac65575cc737a42e

GS.TS. Đinh Văn Tiến chủ tịch Hội đồng phát biểu.

Hội đồng thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của Nghiên cứu sinh Bùi Bá Nghiêm.

 z5385814413156_d7f9caed69be129df25d0b0ce6b04d9c

 Nghiên cứu sinh Bùi Bá Nghiêm trình bày kết quả nghiên cứu.

Đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Bùi Bá Nghiêm với mục đích là: Làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và đánh giá thực trạng chính sách thương mại biên giới của Việt Nam, có tham khảo bài học kinh nghiệm của một số quốc gia để đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

 z5385814425413_eaf5f5c87347964ebbb1a270eb39f7fd

Toàn cảnh buổi Hội đồng bảo vệ luận án.

Nghiên cứu luận án: Chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, tác giả đã tổng kết thực tiễn qua khảo sát, đánh giá tình hình, thống kê, so sánh và đã đạt được những kết quả sau:

1. Khái quát hóa, phân tích và đánh giá những vấn đề lý luận về chính sách thương mạivà chính sách thương mại biên giới từ những nghiên cứu tiêu biểu cho từng thời kỳ lịch sử giải thích cơ sởcủa thương mại biên giới.

2. Luận án đã khái quát hóa về thương mại biên giới và đưa ra cách hiểu về chính sách thương mại biên giới làm cơ sở cho quá trình nghiên cứu đề tài của Luận án, đó là: “Chính sách thương mại biên giới là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính sách kinh tế của quốc gia, là tổng thể các giải pháp mà Nhà nước sử dụng can thiệp đến hoạt động thương mại biên giới trong từng thời kỳ nhất định, nhằm khuyến khích hay hạn chế hoạt động thương mại biên giới để đạt được mục tiêu quản lý và phát triển kinh tế”. Luận án đã luận giải được các nội dung quan trọng: Yêu cầu cơ bản đối với chính sách thương mại biên giới, nguyên tắc xây dựng chính sách thương mại biên giới, phương pháp thực hiện chính sách thương mại biên giới và sự cần thiết hoàn thiện chính sách thương mại biên giới trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ đó Luận án đã phân định được nội dung chính của chính sách thương mại biên giới được nghiên cứu trên các giác độ: Nội dung quản lý nhà nước, nội dung kinh tế, nội dung điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong chính sách thương mại biên giới tập trung vào 6 nhóm chính sách gồm: (1) Chính sách về hàng hóa; (2) Chính sách về thương nhân và cư dân biên giới; (3) Chính sách về thuế, phí và lệ phí; (4) Chính sách về chợ biên giới; (5) Cơ chế quản lý và điều hành thương mại biên giới; (6) Các chính sách về hỗ trợ thương mại biên giới (Hạ tầng kỹ thuật; Thủ tục hành chính; Hậu cần thương mại; Tài chính, tiền tệ; Thông tin biên giới; Xúc tiến thương mại biên giới). Đồng thời, đưa ra được các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến chính sách thương mại biên giới gồm: (i) Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội; (ii) Chính sách thương mại biên giới của nước có chung biên giới; (iii) Mối quan hệ của hai nước có chung biên giới; (iv) Môi trường quốc tế và khu vực.

3. Luận án đã dành sự nghiên cứu cần thiết tập trung vào các chính sách quản lý và phát triển thương mại biên giới của Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan và rút ra một số bài học kinh nghiệm thành công cho Việt Nam.

4. Luận án đã phân tích, đánh giá khái quát tình hình phát triển kinh tế – xã hội và phát triển hạ tầng thương mại biên giới của các tỉnh biên giới của Việt Nam; kết quả hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2015 – 2022; thực trạng quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại biên giới trong những năm qua. Để từ đó đi đến kết luận cho thấy hoạt động thương mại biên giới của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam bởi còn nhiều bất cập hạn chế trong cơ chế, chính sách thương mại biên giới. Vì vậy, cần phải có những điều chỉnh đột phá trong chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách thương mại biên giới thì mới có thể tận dụng, khai thác được tối đa những cơ hội và lợi ích từ hoạt động thương mại biên giới với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

5. Luận án đã rút ra những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại của cơ chế, chính sách thương mại biên giới Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và chỉ ra những nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong giai đoạn tới.

6. Khi nghiên cứu bối cảnh quốc tế mới, bối cảnh quan hệ hợp tác trong khu vực tập trung vào mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc, Lào và Campuchia, cũng như bối cảnh trong nước ở giai đoạn tới, Luận án tập trung phân tích các nhóm yếu tố tác động tới yêu cầu hoàn thiện chính sách thương mại biên giới đáp ứng hội nhập quốc tế. Từ đó luận giải và dự báo các yếu tố tác động, đặt ra đối với việc điều chỉnh và hoàn thiện chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

7. Luận án đã xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, định hướng điều chỉnh chính sách thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

8. Từ nền tảng cơ sở lý luận và thực tiễn được tổng kết, đúc rút từ Chương 1, Chương 2 và Chương 3, Luận án đã đề xuất 7 nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách thương mại biên giới tập trung ở những nội dung chính gồm: (1) Chính sách về hàng hóa; (2) Chính sách về thương nhân và cư dân biên giới; (3) Chính sách về thuế, phí và lệ phí; (4) Chính sách về chợ biên giới; (5) Cơ chế quản lý và điều hành thương mại biên giới; (6) Các chính sách về hỗ trợ thương mại biên giới (Hạ tầng kỹ thuật; Thủ tục hành chính; Hậu cần thương mại; Tài chính, tiền tệ; Thông tin biên giới; Xúc tiến thương mại biên giới) và (7) Các giải pháp liên quan chủ yếu khác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả khi thực thi các chính sách trên.

9. Thương mại biên giới là một lĩnh vực cấu thành của nền kinh tế, có quan hệ mật thiết với các ngành, các hoạt động kinh tế khác, góp phần quan trọng, tạo động lực, tạo giá trị gia tăng và cơ sở cho sự phát triển kinh tế các tỉnh biên giới nói riêng và nền kinh tế quốc dân nói chung. Vì vậy, chính sách thương mại biên giới với chính sách thương mại quốc tế và chính sách thương mại trong nước cần thống nhất, bổ sung và hài hòa lẫn nhau, đồng thời phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư, dịch vụ cũng như nghiên cứu ứng dụng.

 

z5385813012496_43bcc16541ad0d59ea9c05662a2c863f

Các thành viên Hội đồng trình bày ý kiến nhận xét đối với luận án của Nghiên cứu sinh.

Sau phần trình bày báo cáo tóm tắt về đề tài nghiên cứu của Nghiên cứu sinh, Hội đồng đã đưa ra nhiều đánh giá và ý kiến đóng góp hiệu quả mang tính khoa học cao, về cả hình thức trình bày lẫn nội dung nghiên cứu của đề tài. Đánh giá về Luận án, Hội đồng nhận định luận án có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. 

Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua với số phiếu đạt 07/07 thành viên Hội đồng tham dự.

 z5385775638599_10f7c71dbebc6352ca5f9f7b5491d0a7

 PGS. TS. Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh Bùi Bá Nghiêm.

Kết thúc buổi bảo vệ Luận án tiến sĩ cấp Học viện, Nghiên cứu sinh Bùi Bá Nghiêm đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng đánh giá về những ý kiến khoa học vô cùng hữu ích; cảm ơn các thầy cô Học viện Hành chính Quốc gia, các thầy hướng dẫn và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã tạo điều kiện giúp đỡ để Nghiên cứu sinh hoàn thành tốt luận án của mình./.

 z5385775656122_b638241710ed83ffd50959b23f1a7138

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

NAPA Media, Phạm Hải Long.

Comments are closed.